Mới đây, dự lễ bàn giao “Nhà tình nghĩa” tặng bà Trương Thị Vinh (vợ liệt sĩ Nguyễn Trọng Vinh) ở phường Nghi Hòa, thị xã Cửa Lò (Nghệ An), chúng tôi không khỏi xúc động khi chứng kiến những giọt nước mắt hạnh phúc của bà Vinh. Nắm chặt tay ông Nguyễn Đình Sin, bà Vinh nói trong nước mắt: “Tôi cứ tưởng mình đang nằm mơ. Nếu không có anh giúp đỡ thì không biết bao giờ tôi mới có được ngôi nhà khang trang như thế này...”.

Sâu nặng tình đồng đội

Ông Nguyễn Đình Sin bấm huyệt chữa bệnh cho người dân.

Năm 1978, chỉ một thời gian ngắn sau khi cưới, ông Nguyễn Trọng Vinh tạm biệt vợ lên đường nhập ngũ vào Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126. Sau đó, ông được điều động tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Tháng 7-1979, trong một trận đánh, ông Vinh đã anh dũng hy sinh, để lại người vợ trẻ và đứa con mới chào đời. Từ đó, dù sức khỏe yếu nhưng bà Vinh vẫn một mình bươn chải đủ mọi nghề để nuôi con ăn học.

Con gái đi lấy chồng, bà Vinh sống một mình trong căn nhà dột nát mà không có điều kiện sửa chữa... Biết hoàn cảnh của bà Vinh, ông Nguyễn Đình Sin đã kêu gọi hỗ trợ. Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân, Ban liên lạc Hội Cựu chiến binh Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126 và Công ty Mực nhảy Sài Gòn đã hỗ trợ bà Vinh 143 triệu đồng để xây dựng “Nhà tình nghĩa”.

Cũng như bà Vinh, hoàn cảnh gia đình cựu chiến binh Đoàn tàu không số Cao Đức Hòa, ở thị trấn Lộc Hà, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) cũng hết sức khó khăn. Năm 1970, trong một lần tàu chuyển hàng vào Vàm Lũng (Cà Mau), 18 thành viên thủy thủ đoàn đều bị nhiễm chất độc da cam/dioxin mà kẻ thù rải xuống cách đó vài ngày.

Ông Hòa là một trong hai người may mắn còn sống đến nay nhưng thường xuyên phải chịu những cơn đau do di chứng chất độc da cam để lại. Đau đớn hơn khi cả 7 người con của ông đều bị di chứng từ bố, vợ ông cũng thường xuyên đau ốm. Chia sẻ khó khăn với ông Hòa, năm 2013, ông Sin đã kêu gọi cấp ủy, chính quyền địa phương, Trung ương Đoàn, Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân và anh em cựu chiến binh Đoàn tàu không số hỗ trợ ông Hòa tổng số tiền 183 triệu đồng để làm “Nhà tình nghĩa”.

Qua câu chuyện của bà Vinh, ông Hòa, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Đình Sin ở xóm Xuân Hùng, xã Hưng Lộc, TP Vinh (Nghệ An), khi ấy ông đang bốc thuốc cho bệnh nhân tại phòng mạch. Tìm hiểu chúng tôi được biết, hơn 32 năm công tác trong Quân đội, ông Nguyễn Đình Sin đã trải qua nhiều cương vị, đơn vị khác nhau, trong đó có 12 năm (từ năm 1963 đến 1975) là chiến sĩ báo vụ, y sĩ kiêm thủy thủ Đoàn tàu không số. Ông đã cùng đồng đội vào sinh ra tử để đưa hàng nghìn tấn hàng hóa, vũ khí, trang bị vào phục vụ chiến trường miền Nam.

Với ông, mỗi chuyến đi là một kỷ niệm không thể nào quên. Năm 1998, sau khi nghỉ hưu, ông Sin mở phòng mạch ở nhà riêng để khám, chữa miễn phí cho đồng đội cùng gia đình và chữa bệnh cho người dân. Nguồn thu từ việc khám, chữa bệnh cho người dân được ông trích một phần để làm từ thiện, giúp đồng đội còn khó khăn. Khi đảm nhiệm cương vị Trưởng ban liên lạc Hội Cựu chiến binh Đoàn tàu không số khu vực Nghệ An-Hà Tĩnh, ông đã đi khắp các địa phương ở hai tỉnh để tìm hiểu gia cảnh của đồng đội, ai gặp khó khăn đều được ông tìm cách giúp đỡ. Đến nay, đã có 26 gia đình cựu chiến binh Đoàn tàu không số gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được ông kêu gọi các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, các đơn vị, doanh nghiệp giúp làm nhà tình nghĩa.

Chia tay ông Nguyễn Đình Sin, trong tôi trào dâng một cảm xúc thật khó tả. Chúng tôi thật sự cảm phục ông bởi tấm lòng tất cả vì đồng đội, sẵn sàng đầu tư công sức, tiền bạc để mong sao đồng đội, thân nhân đồng đội bớt khó khăn. “Trong chiến tranh, người lính đã chịu bao khổ cực, mất mát, thế nhưng tinh thần vẫn không hề nao núng, chắc tay súng bảo vệ quê hương, Tổ quốc. Khi trở về cuộc sống đời thường, nhiều người phải chịu thiệt thòi, cuộc sống còn rất khó khăn, vì vậy, mình phải cố gắng làm những gì tốt nhất để bù đắp phần nào cho anh em...”, ông Sin chia sẻ.

Bài và ảnh: HUY CƯỜNG