Thứ Năm, 28 tháng 3, 2024

VÌ SỰ BÌNH ĐẲNG, ĐOÀN KẾT GIỮA CÁC DÂN TỘC


Theo báo cáo của Uỷ ban Dân tộc, hiện nay, ở Việt Nam, tỷ lệ đồng bào DTTS theo các tôn giáo là 16,6%. Từ 2015 - 2019, số chức sắc tôn giáo là người DTTS và số cơ sở sinh hoạt tôn giáo đã tăng lần lượt từ 8.080 người và 4.630 cơ sở lên 12.586 người và 10.239 cơ sở.

Chính sách của Việt Nam đã đem lại sự thay đổi căn bản trong đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của người DTTS, cụ thể là:

Thứ nhất, bảo đảm sự đa dạng, hòa hợp và bình đẳng tôn giáo: Việt Nam là quốc gia đa tín ngưỡng, tôn giáo. Các tôn giáo chung sống hòa hợp trong cộng đồng các dân tộc. Ở Việt Nam không có xung đột tôn giáo. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, không có sự kỳ thị về tín ngưỡng, tôn giáo giữa những người có tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau hay không có tín ngưỡng, tôn giáo; giữa người DTTS theo tôn giáo và người Kinh theo tôn giáo.

Thứ hai, sinh hoạt tôn giáo tập trung: trên nguyên tắc tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, các địa phương ở Tây Nguyên, Tây Bắc đã tạo điều kiện cho các điểm, nhóm Tin lành được đăng ký sinh hoạt tập trung. Ở Tây Nguyên, hiện có khoảng 500.000 tín đồ đạo Tin lành (90% là người DTTS) đang sinh hoạt tại gần 400 chi hội và hơn 1.600 điểm nhóm. Miền núi phía Bắc có khoảng 250.000 tín đồ đạo Tin lành (95% là người DTTS, chủ yếu là đồng bào Mông), đang sinh hoạt tại 14 chi hội và hơn 1.600 điểm nhóm, trong đó chính quyền địa phương đã cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung hơn 900 điểm nhóm.

Thứ ba, về đào tạo: Các tổ chức tôn giáo được phép thành lập trường đào tạo, mở lớp bồi dưỡng những người chuyên hoạt động tôn giáo để đáp ứng nhu cầu của tổ chức tôn giáo. Hiện nay, ở Việt Nam có trên 60 cơ sở đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thành lập Học viện Phật giáo Nam Tông Khmer tại TP. Cần Thơ. Đến nay, Học viện đã đào tạo được 03 khóa với gần 100 tăng sinh tốt nghiệp cử nhân Phật học và đang đào tạo khóa IV, khóa V với 31 tăng sinh theo học.

Tại Trường Thánh kinh Thần học Hà Nội có 64 sinh viên là người Mông, Dao, Sán Chỉ… Chính quyền các địa phương tạo điều kiện cho các Hội thánh Tin lành có tư cách pháp nhân tổ chức nhiều chương trình bồi dưỡng thần học, bồi linh cho chức sắc, chức việc. Từ năm 2015 đến nay, hơn 1.600 lượt người được học các lớp bồi dưỡng thần học, 2.400 chức sắc, chức việc được bồi dưỡng bồi linh tại khu vực miền núi phía Bắc; hơn 1.300 lượt người được tham gia bồi dưỡng, đào tạo làm chức sắc tại khu vực Tây Nguyên.

Thứ tư, xuất bản kinh sách: Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tôn giáo in ấn, phát hành kinh sách và đồ dùng việc đạo. Từ năm 2013 đến nay, hơn 5.500 ấn phẩm tôn giáo được xuất bản, trong đó có khoảng hơn 17 triệu bản in và hơn một triệu đĩa MP3, VCD, CD, DVD, ảnh, lịch, cờ.... Nhiều ấn phẩm tôn giáo được xuất bản bằng tiếng Khmer, Ê Đê, Gia Rai, Ba Na… 82 đầu sách Phật giáo được in bằng chữ Khmer. Nhà nước cho phép nhập 473 bộ Đại Tạng Kinh, 96 đầu Kinh sách bằng chữ Khmer từ Campuchia về sử dụng tại các chùa.

Thứ năm, các tín đồ tôn giáo người DTTS được tạo điều kiện tham gia hoạt động quốc tế. Hiện có nhiều chư tăng Phật giáo Nam tông Khmer đang học cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành Phật học tại Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Srilanka, Ấn Độ; nhiều tín đồ Hồi giáo người Chăm được tham gia các cuộc thi đọc Kinh Qu’ran quốc tế tại Thái Lan, Brunei, Malaysia, Indonesia, các hội nghị, hội thảo quốc tế về Hồi giáo, du học giáo lý tại các nước Hồi giáo…

Sửa Luật Đất đai để đảm bảo quyền cho người DTTS

Hiện nay, sinh kế chủ yếu của đồng bào DTTS là sản xuất nông, lâm nghiệp. Tỷ trọng lao động có việc làm trong nông, lâm nghiệp là 72,3%, cao gần gấp đôi so với bình quân chung cả nước (44%).

Những năm qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định về chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS. Nổi bật là Quyết định số 755/2013/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 phê duyệt chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 phê duyệt Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017 - 2020…

Tại Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về công tác dân tộc trong tình hình mới, Bộ Chính trị yêu cầu: “Tập trung giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt và tranh chấp, khiếu kiện về đất đai” và “Đến năm 2025, giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở cho đồng bào”.

Thực hiện Kết luận số 65-KL/TW, ngày 18/11/2019, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 88 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Nghị quyết đặt ra mục tiêu đến năm 2025: “Giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào”.

Ngày 19/6/2020, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 120 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, làm căn cứ để Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ 2021 – 2025. Trong đó đặt mục tiêu đến năm 2025, hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất cho hơn 47.200 hộ.

Ngày 16/6/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (Nghị quyết 18) về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao". Nghị quyết yêu cầu: “hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất” và đến năm 2025, giải quyết cơ bản những tồn tại, vướng mắc có liên quan đến đất sản xuất cho đồng bào DTTS.

Trong các ngày từ 15 - 18/01/2024, Quốc hội đã triệu tập Kỳ họp thứ 5 (bất thường) để để xem xét, quyết định một số vấn đề như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh là: “có ý nghĩa căn cơ, chiến lược, lâu dài”, trong đó có việc thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi), hoàn thành một trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng của nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV.

Trong Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định các chính sách bảo đảm đất sinh hoạt cộng đồng; giao đất, cho thuê đất đối với đồng bào DTTS thiếu đất ở, đất sản xuất; đảm bảo quỹ đất để thực hiện chính sách đất đai đối với đồng bào DTTS; Quy định hạn chế một số quyền của người sử dụng đất đối với các trường hợp được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo chính sách hỗ trợ đất đai đối với đồng bào DTTS. Đây là những đột phá của Luật mà người thụ hưởng chính sách chính là đồng bào DTTS trên cả nước.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét