Với vai trò là một thành tố cấu thành của văn hóa, tôn giáo đã góp phần lưu giữ, bồi đắp và làm phong phú những giá trị truyền thống văn hóa, mang giá trị nhân văn, hướng thiện có ảnh hưởng tích cực trong đời sống xã hội, thông qua giáo lý khuyên răn con người sống hướng thiện, vị tha, bác ái... Những giới điều trong giáo lý các tôn giáo mang giá trị đạo đức và nhân văn sâu sắc, góp phần điều chỉnh hành vi ứng xử của con người. Nhiều khu dân cư có đông đồng bào theo tôn giáo trở thành điểm sáng về phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy và các tệ nạn xã hội khác, giữ gìn tốt an ninh trật tự, an toàn xã hội. Tín đồ, chức sắc tích cực tham gia phát triển kinh tế xã hội, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong thời kỳ đổi mới của đất nước. Dù mỗi tôn giáo đều có đường hướng và phương châm hành đạo riêng nhưng đều chung một định hướng là sống “Tốt đời, đẹp đạo” gắn bó đồng hành với dân tộc, với đất nước.
Các tôn giáo tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cùng chính quyền các cấp xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế xã hội; đặc biệt là cùng chung tay với nhà nước cứu trợ thiên tai, chăm lo giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, giúp đỡ tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, dạy nghề, văn hóa,...
Linh mục Vũ Kim Long cho biết, trường Trung cấp Kỹ thuật DonBosco Mỹ Thuận vừa được UBND tỉnh nâng cấp từ Trung tâm dạy nghề lên Trường Trung cấp Kỹ thuật vào năm 2018. Nhà trường hiện là nơi chăm sóc và đào tạo 300 em mồ côi, đồng bào dân tộc và học sinh nghèo, trong đó có 250 em nam và 50 em nữ, với đa dạng ngành nghề như công nghệ ô tô, nghề điện, cơ khí, nghề hàn sắt, chăm sóc sắc đẹp và nghề may “Trong quá trình hoạt động của Trường, các cấp chính quyền tỉnh Vĩnh Long đã tạo mọi điều kiện, đặc biệt, Sở Lao động, Thương binh & Xã hội tỉnh đã nâng đỡ chúng tôi rất nhiều. Năm vừa qua, Sở đã đề nghị nâng cấp Trường từ Trung tâm dạy nghề lên Trung cấp”.
Cả sư Hán Đô, Chủ tịch Hội đồng chức sắc Chăm Bà-la-môn tỉnh Ninh Thuận chia sẻ, với hơn 40 ngàn người dân, nghề nghiệp chủ yếu là làm nông, cộng đồng Chăm Bà-la-môn nhận được nhiều sự quan tâm và hỗ trợ của các cấp chính quyền giúp bà con vươn lên thoát nghèo, xây dựng nông thôn mới, giáo dục thanh, thiếu niên sống lành mạnh, tránh xa ma túy và tệ nạn xã hội “Chúng tôi nhận được nhiều sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thời gian qua và luôn vận động cộng đồng hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết dân tộc”.
Thay cho lời kết, xin được dẫn lời Mục sư Trần Thanh Truyện, Hội trưởng Giáo hội Cơ đốc Phục Lâm Việt Nam phát biểu tại cuộc gặp mặt ngày 09/8 “không phải quốc gia nào trên thế giới đều có thể tập hợp được lãnh đạo các tổ chức tôn giáo như chúng ta có mặt ngày hôm nay. Điều đó thể hiện Thủ tướng và Chính phủ rất quan tâm, coi trọng và thực sự muốn nghe các tôn giáo nói”, để thấy rằng, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong công tác tôn giáo, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước về đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đã và đang đến được với đồng bào các tôn giáo, góp phần thúc đẩy khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tập hợp được sức mạnh to lớn của đồng bào các tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét