Thứ Ba, 19 tháng 10, 2021

ĐẤU TRANH CHỐNG NHỮNG LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC VỀ NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XHCN

 

          Lý luận và thực tiễn chỉ ra rằng, mô hình Nhà nước pháp quyền XHCN đã và đang được triển khai xây dựng và hoàn thiện ở Việt Nam là một tất yếu khách quan. Tuy nhiên, quá trình đó, theo nhận định của Đại hội XIII là vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập cả về nhận thức và tổ chức thực hiện; cùng với đó là những khó khăn, thách thức đến từ sự chống phá của các thế lực thù địch với mức độ, thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp.

          Xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, phủ nhận nền dân chủ XHCN và Nhà nước pháp quyền XHCN là những trọng tâm chống phá “không ngừng nghỉ” của các đối tượng và thế lực phản động, thù địch, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay. Đấu tranh phòng chống các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc trong thời gian tới cần chú trọng:

          Một là, đấu tranh với quan điểm “không có đa nguyên, đa đảng thì không bao giờ có dân chủ”.

          Nhằm phủ nhận nền dân chủ XHCN và Nhà nước XHCN, các quan điểm, luận điệu chống phá “khẳng định” rằng chế độ dân chủ tư sản như nó đang tồn tại ở phương Tây là chế độ dân chủ cao nhất, là thiên đường vĩnh hằng; rằng “không có đa nguyên, đa đảng thì không bao giờ có dân chủ”, “đa đảng, đa nguyên là thành tố quan trọng nhất để xây dựng nên một quốc gia dân chủ”, và “đa đảng sẽ bảo đảm quyền làm chủ đất nước của nhân dân”; rằng CNXH là chuyên chính, không có dân chủ. Theo đó, những “nhà dân chủ” đòi chúng ta phải sửa đổi Hiến pháp năm 2013, sửa đổi thể chế Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam theo mô hình tam quyền phân lập, đòi Đảng Cộng sản Việt Nam từ bỏ vai trò lãnh đạo đối với xã hội, nhất là đối với Nhà nước. Để “cộng hưởng” cho những giọng điệu đó, họ “minh họa” bằng một số bất cập, thiếu sót trong thực tiễn lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, nhất là những khiếm khuyết liên quan đến quản lý cán bộ, đảng viên dẫn đến tình trạng tham nhũng, tha hóa...

          Cần khẳng định rằng, đa nguyên, đa đảng không phải là yếu tố duy nhất, nền tảng duy nhất bảo đảm cho một nền dân chủ đích thực mà bản chất của dân chủ là quyền lực thuộc về nhân dân. Dân chủ là một giá trị xã hội, được hình thành và bảo đảm bởi nhiều yếu tố, trong đó có lực lượng cầm quyền xã hội, cơ chế quản lý xã hội và trình độ làm chủ của người dân… Vì vậy, một đảng lãnh đạo không đồng nhất với độc tài lãnh đạo và càng không đồng nhất với mất dân chủ. Theo đó, không nhất thiết cứ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập mới có dân chủ thật sự. Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiền phong của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam, quyền và lợi ích của Đảng hoàn toàn thống nhất với nhân dân. Đảng lãnh đạo Nhà nước là để cho nền dân chủ XHCN cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân luôn được bảo đảm.

          Hai là, đấu tranh với quan điểm lợi dụng “xã hội dân sự” để âm mưu gây chuyển hóa chính trị ở Việt Nam.

          Bằng nhiều chiêu bài, các thế lực thù địch và thành phần “ngụy dân chủ” thường không ngừng rêu rao về cái gọi là ranh giới giữa “xã hội dân sự” với nhà nước, giữa “công” và “tư”, giữa “chính trị” và “phi chính trị”. Theo đó, họ “thổi lên tận mây xanh”, tuyệt đối hóa, coi “xã hội dân sự” là mô hình xã hội nhân đạo nhất, tốt đẹp nhất, dân chủ nhất và ngược lại, nhà nước là cơ quan bảo thủ, chuyên chế và cưỡng bức. Theo đó, họ “kêu gọi” Đảng Cộng sản Việt Nam phải thúc đẩy “xã hội dân sự” chứ không nên và càng không thể lãnh đạo xây dựng được Nhà nước pháp quyền, của dân, do dân và vì dân.

           “Xã hội dân sự” còn là cái “cớ” để các thế lực chống phá đòi dân chủ hóa bất chấp pháp luật, đòi Nhà nước phải bảo đảm tự do vô giới hạn trong các lĩnh vực; cổ súy cho sự “vượt ngưỡng” và thái quá trong tự do cá nhân; đưa ra tự do ngôn luận và nhân quyền để đòi lập hội, nhóm bất chấp quy định, kêu gọi biểu tình, kích động trái phép. Bên cạnh đó, họ lợi dụng vấn đề viện trợ, quan hệ kinh tế, thương mại, ngoại giao để gây sức ép với Đảng và Nhà nước ta về cái gọi là “vi phạm dân chủ, nhân quyền”, hòng làm thay đổi đường lối, chính sách, hệ thống pháp luật và lĩnh vực tư pháp của chúng ta.

          Không phải ngẫu nhiên mà một số tổ chức phi chính phủ nước ngoài thường rất quan tâm đến những địa bàn trọng điểm về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nước ta. Phát triển các tổ chức “xã hội dân sự” luôn được không ít “đối tác hai mặt” coi như một phương thức để “diễn biến hòa bình” tiến tới “diễn biến không hòa bình” hòng triệt tiêu vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước ta.

          Ba là, đấu tranh với quan điểm “Chỉ có thể chống được tham nhũng khi thực hiện thể chế tam quyền phân lập để kiểm soát quyền lực”.

          Về thực chất, quan điểm này không hướng đến mục tiêu phòng, chống tham nhũng mà muốn nhân danh chống tham nhũng, lợi dụng đấu tranh chống tham nhũng để kích động đòi thay đổi thế chế chính trị, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, lật đổ Nhà nước XHCN.

          Các nước tư bản hầu như đều vận dụng thuyết tam quyền phân lập trong xây dựng, tổ chức bộ máy chính quyền nhà nước với nhiều biến thể khác nhau, tuy nhiên, thực tế cho thấy, ở không ít quốc gia tư bản, thể chế này không thể ngăn chặn được sự chuyên quyền. Theo đó, có thể nói, “tam quyền phân lập” không phải là mấu chốt để giải quyết vấn đề tham nhũng. Bởi, tham nhũng xảy ra ở những nơi mà hệ thống pháp luật, cơ chế, quy chế còn bất cập, thiếu kín kẽ, thiếu chặt chẽ, không công khai, minh bạch; sự kiểm tra, giám sát chưa được duy trì có hiệu quả; vai trò của nhân dân, của dư luận xã hội chưa được phá huy đầy đủ; các hoạt động quản lý, giáo dục bị buông lỏng… Chính vì vậy, “tam quyền phân lập” không phải là “chìa khóa vạn năng” để xóa bỏ được nguồn gốc, nguyên nhân dẫn đến tham nhũng; không thể là phương thức và giải pháp duy nhất để đấu tranh phòng, chống tham nhũng có hiệu quả.

          Bất kể thể chế chính trị nào, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng chỉ có thể thành công khi có quyết tâm chính trị cao, coi trọng công tác phòng ngừa trên cơ sở kết hợp chặt chẽ giữa quản lý, giáo dục, tu dưỡng rèn luyện là cơ bản với trừng trị nghiêm khắc những cá nhân vi phạm; hoàn thiện thể chế về chống tham nhũng, tăng cường năng lực của bộ máy nhà nước và tính đồng bộ về pháp luật, pháp chế, kỷ cương; thực hiện tốt việc giám sát của các tổ chức, cá nhân trong xã hội với hoạt động của cơ quan nhà nước; có chính sách đãi ngộ với đội ngũ cán bộ công chức, viên chức...

 

1 nhận xét:

  1. Chúng ta phải tích cực đấu tranh vạch trần bộ mặt nhơ bẩn của bọn phản động thông qua các bình luận ở các tài khoản của bọn chúng.

    Trả lờiXóa