Thứ Hai, 18 tháng 10, 2021

Cảnh giác quan điểm “liên minh” trong giải quyết tranh chấp chủ quyền

 Lợi dụng chuyến thăm của phái đoàn cấp cao Hoa Kỳ đến Việt Nam vào tháng 8/2020, đặc biệt là lời tuyên bố của Phó Tổng thống K. Harris về việc Hoa Kỳ mong muốn nâng tầm mối quan hệ đối tác toàn diện hiện nay giữa hai nước lên đối tác chiến lược. Trên mạng xã hội tràn ngập những lời kêu gọi Đảng, Nhà nước ta thiết lập liên minh với Hoa Kỳ, để họ giúp ta bảo vệ chủ quyền, đồng thời lên án chính sách “4 không” về quốc phòng ở nước ta. Các đối tượng cho rằng chính sách “ 4 không” như trên là “tự trói tay chân mình”, đồng thời hô hào, cổ suý tư tưởng phải dựa dẫm, lệ thuộc vào các nước khác, đặc biệt là các quốc gia phương Tây.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 76, khẳng định chiến lược ngoại giao Việt Nam - Ảnh TTXVN
Chính sách đối ngoại của Đảng ta là sự kế thừa và tiếp nối chính sách đối ngoại từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đến nay, với chủ trương nhất quán là “đa dạng hóa và đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại”, “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”.

Xét về chính sách quốc phòng, Đảng, Nhà nước ta thực hiện chủ trương “bốn không”, bao gồm: không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự với bất kỳ nước nào; không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam; không dựa vào nước này để chống nước kia và không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Chính sách quốc phòng nói trên là phù hợp với đường lối đối ngoại của đất nước, phù hợp với lịch sử giữ nước và tình hình thực tiễn của Việt Nam. Đây là vấn đề có tính nguyên tắc, được thực hiện xuyên suốt và có ý nghĩa sống còn đến sự tồn vong của dân tộc. Xuất phát từ các nguyên nhân sau:

Thứ nhất, bàn về chính sách quốc phòng của Việt Nam, chúng ta cần nhìn nhận một cách toàn diện, đầy đủ. Về mặt lịch sử, trải qua quá trình đấu tranh dựng và giữ nước, sức mạnh nội lực, tự lực, tự cường luôn là nguồn sức mạnh to lớn nhất, vững chắc nhất để bảo vệ Tổ quốc. Nội dung đó đã thấm nhuần vào trong tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của tinh thần “tự lực tự cường” trong đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong buổi đầu tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, mặc dù rất khâm phục các sĩ phu yêu nước, nhưng người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã sớm nhận ra những hạn chế trong con đường cứu nước của các bậc tiền bối. Như cụ Phan Bội Châu hi vọng Nhật giúp nước ta đuổi Pháp cũng chẳng khác gì “Đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau”. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”. Do vậy, ý thức tự lực tự cường phải đước đặt lên hàng đầu, xuyên suốt, đặc biệt là trong thời điểm thế giới có những diễn biến phức tạp, lợi ích đan xen như hiện nay.

Thứ hai, xuất phát từ thực tiễn của các khối liên minh và các mối quan hệ liên minh trên thế giới hiện nay. Sự kiện ba nước Mỹ, Úc và Anh công bố quan hệ đối tác 3 bên (AUKUS) đã gây ra những chia rẻ sâu sắc đến với các quốc gia được xem là “đồng minh”. Theo đó, Mỹ và Anh sẽ giúp Úc sở hữu hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Hiệp định AUKUS có nhiều mục đích khác nhau, nhưng trong đó ai cũng hiểu là để kiềm chế Trung Quốc là mục tiêu chính. Thế nhưng, không phải Trung Quốc mà Pháp lại đang là nước phản ứng rất mạnh mẽ, bởi một hợp đồng kinh tế hàng chục tỷ đô la của Pháp đã bị “cướp” trắng bởi những đồng minh thân thiết nhất. Ngoại trưởng Drian tuyên bố một cách giận dữ “Việc từ bỏ dự án tàu ngầm... là hành vi không thể chấp nhận được giữa các đồng minh và đối tác". Tuy nhiên, vấn đề không chỉ là một hợp đồng béo bở bị mất vào phút chót. Đó là việc nước Pháp bị “đâm sau lưng” bởi các quốc gia đồng minh có cùng lợi ích. Từ sự việc trên, có thể thấy mối quan hệ giữa các “đồng minh” cũng sẽ bị lung lay bởi nhiều yếu tố khác. Do vậy, việc hi vọng và đặt hết niềm tin vào “Đồng minh” đó là một canh bạc mạo hiểm, mà hậu quả nhiều khi phải đánh đổi bằng lợi ích, chủ quyền quốc gia dân tộc.

Hay sự kiện Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough cũng để lại nhiều bài học sâu sắc cho việc giải quyết mối quan hệ với các nước lớn và các tranh chấp. Philippines có Hiệp ước các lực lượng thăm viếng với Mỹ, hiệp định này cho phép hàng ngàn quân Mỹ tới Philippines tập trận, bên cạnh đó là những lời hứa bảo đảm an ninh, chủ quyền cho Philippines, nhưng khi Trung Quốc có hành động xâm chiếm bãi cạn Scarborough vào năm 2012, Mỹ không giữ lời hứa gây áp lực buộc Trung Quốc rời khỏi bãi cạn mà làm ngơ để trung Quốc chiếm trọn và Tổng thống Philippines, Duterte đe dọa hủy Hiệp ước với Mỹ và yêu cầu Mỹ giải thích lý do để Philippines “mất lãnh thổ vào tay Trung Quốc”.

Thứ ba, những luận điệu cho rằng có thể dựa vào Mỹ để bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông có lẽ họ đã quên đi quá khứ cay đắng khi Mỹ đã cố ý phớt lờ để mặc Trung Quốc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974, Ngoại trưởng Mỹ Kissinger khi đó đã lật lọng tuyên bố “Mỹ không có lập trường trong việc tuyên bố chủ quyền của Nam Việt Nam tại các đảo này”. Bản chất của chủ nghĩa đế quốc sẽ không bao giờ thay đổi dù được che lấp bởi nhiều mỹ từ, hay biểu hiện ở hình thức này hay hình thức khác.
Bộ Quốc phòng Việt Nam tham dự Hội nghị  trực tuyến An ninh Quốc tế Moscow lần thứ 9.
Bàn về mối quan hệ giữa các nước, Cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill từng nói: “Không có bạn bè vĩnh viễn, không có kẻ thù vĩnh viễn. Chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn”. Quan điểm đó gợi lên cho chúng ta những suy nghĩ nghiêm túc về đường lối ngoại giao giữa các nước trên thế giới.

Hiện nay, Việt Nam và Mỹ đã bình thường hóa quan hệ, hai nước đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, đặc biệt trên lĩnh vực kinh tế, gần đây là quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, không vì vậy mà khi quan hệ với Mỹ, chúng ta mơ hồ, ảo tưởng, dựa dẫm. Trên các diễn đàn quốc tế có vẻ như Mỹ có thái độ ủng hộ Việt Nam, tuy nhiên phải hiểu đây chiến thuật trong quan hệ ngoại giao mà thôi. Mỹ vẫn đang nuôi dưỡng và cưu mang những đối tượng phản động gốc Việt tiến hành các hoạt động chống phá nước ta; thường xuyên lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để chống phá cách mạng Việt Nam. Do đó, chúng ta cần xây dựng bản lĩnh, tinh thần cảnh giác cách mạng, không dao động trước những diễn biến mới của tình hình thế giới, tin tưởng tuyệt đối vào chính sách ngoại giao của Đảng và Nhà nước.               

1 nhận xét: