Thứ Sáu, 1 tháng 10, 2021

Một số giải pháp tăng cường sự lãnh đạo của đảng, quản lý của nhà nước đối với lĩnh vực quốc phòng, quân sự

 


Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với lĩnh vực quốc phòng, quân sự có vai trò quan trọng hàng đầu đối với phát triển sức mạnh quốc phòng, quân sự nước ta trong quá trình toàn cầu hóa và phát triển kinh tế tri thức. Bàn về vấn đề này, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Tiếp tục giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng; sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với quốc phòng, an ninh và lực lượng vũ trang…”[1]. Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với quốc phòng, quân sự cần thực hiện các nội dung biện pháp sau:

 Một là, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, cán bộ các cấp từ Trung ương đến cơ sở về công tác quốc phòng, quân sự. Quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các Nghị quyết của Đảng ở tất cả các cấp, các ngành, địa phương xem đây là nội dung quan trọng để xây dựng nền tảng chính trị của nền quốc phòng toàn dân.

Hai là, xây dựng cấp ủy, chính quyền các cấp vững mạnh, đủ năng lực lãnh đạo, quản lý điều hành các nhiệm vụ quốc phòng, quân sự. Trong đó cần chú ý năng lực quán triệt, tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về các Luật, Pháp lệnh, Nghị định về quốc phòng, quân sự; năng lực giải quyết các vấn đề phức tạp nẩy sinh từ thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; năng lực phát huy vai trò chức năng của chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở trong quá trình điều hành, làm tham mưu trong công tác quốc phòng, quân sự địa phương.

Ba là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về quốc phòng, quân sự bằng việc: xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch tăng cường củng cố nền quốc phòng toàn dân, kế hoạch phòng thủ đất nước, kế hoạch động viên quốc phòng; ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quốc phòng; tổ chức chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, thi hành nghiêm túc các quyết định của cơ quan nhà nước và các biện pháp cần thiết để bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về quốc phòng, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật về quốc phòng.

Bốn là, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách, luật pháp đối với công tác quốc phòng, quân sự, bằng việc: hoàn thiện và thực hiện tốt cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với công tác quốc phòng, quân sự nhằm giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách, nâng cao tính khả thi, duy trì chặt chẽ các hoạt động, thúc đẩy ý thức tự giác chấp hành của mọi tổ chức và công dân./.

 



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện ĐHĐB toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG ST. H.2021, t1, tr.67-68.

1 nhận xét: