Thứ Hai, 18 tháng 10, 2021

 "Tiền mất, tật mang" với "thuốc COVID -19" trôi nổi

    Dù có giá không rẻ, tới hàng trăm USD/lọ, nhưng "thuốc điều trị COVID-19” theo dạng "xách tay”, vẫn được nhiều người rỉ tai nhau mua tích trữ. Trong khi đó, lực lượng Quản lý thị trường liên tiếp phát hiện hàng nghìn lọ thuốc COVID-19 không có nguồn gốc xuất xứ, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

     Đánh vào tâm lý lo lắng dịch bệnh của người dân, thời gian qua, trên mạng xã hội có nhiều người rao bán các loại thuốc điều trị COVID-19 với giá khá cao; như Favipivavir 400mg, thuốc kháng virus Molnupiravir 400mg được rao bán với giá vài triệu đồng/hộp. Để sử dụng đủ một liệu trình theo hướng dẫn của những người bán thuốc trên mạng xã hội, mỗi gia đình có thể phải bỏ hàng chục triệu đồng. Thế nhưng, điều đáng nói, chất lượng các loại thuốc này lại chưa thể kiểm chứng.

     Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân cần cảnh giác với các loại thuốc điều trị COVID-19 trôi nổi để tránh "tiền mất, tật mang”. Bởi thực tế, những ngày qua, lực lượng chức năng đã liên tục phát hiện, bắt và thu giữ hàng chục nghìn viên thuốc điều trị COVID-19 không rõ nguồn gốc xuất xứ. 

     Mới đây, Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc chủ trì, phối hợp với Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh (Cục Hải quan Hà Nội) khám xét 8 kiện hàng nghi vấn tại một kho hàng ở xã Thạch Lỗi, Sóc Sơn, Hà Nội. Trên vận đơn hàng hóa thể hiện là thực phẩm hỗ trợ sức khỏe nhưng khi lực lượng Hải quan kiểm tra thì đã phát hiện và thu giữ 17.000 viên thuốc điều trị COVID-19 và điều trị ung thư nhập lậu.

     Đáng chú ý, thuốc điều trị COVID-19 Remdesivir for injection trong lô hàng này là loại có giá khá đắt, lên đến hàng trăm USD/lọ. Trên các lọ thuốc đều có dòng chữ For India Only (tạm dịch "sản phẩm chỉ dành cho thị trường Ấn Độ”). Được biết, để đưa các lo thuốc điều trị COVID-19 này ra khỏi Ấn Độ về Việt Nam, các đối tượng ngụy trang bằng cách đóng gói trong các hộp thuốc điều trị bệnh gan…

     Liên quan đến đường dây nhập lậu thuốc này, trước đó, ngày 14/9, tại địa điểm nêu trên, lực lượng chức năng đã kiểm tra 15 kiện hàng có dấu hiệu vi phạm và thu giữ hơn 60.000 viên thuốc điều trị COVID-19 và điều trị ung thư các loại. Như vậy, liên quan đến đường dây nhập lậu thuốc này, lực lượng chức năng đã thu giữ gần 80.000 viên thuốc điều trị COVID-19 và điều trị ung thư, tổng trị giá lô hàng vi phạm ước tính lên đến hơn 10 tỷ đồng.

     Trường hợp khác, qua kiểm tra chiếc xe tải và nhà kho một công ty ở TP Hồ Chí Minh, cơ quan chức năng phát hiện 9.600 hộp thuốc "Liên Hoa Thanh Ôn” được quảng cáo có tác dụng điều trị COVID-19 sản xuất từ Trung Quốc, chưa được cấp phép sử dụng ở Việt Nam.

     Cuối tháng 8, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 6, Cục QLTT Hà Nội phối hợp Đội 4, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an TP Hà Nội) tiến hành kiểm tra đột xuất một điểm tập kết, kinh doanh hàng hóa tại đường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, phát hiện hàng trăm hộp thuốc điều trị COVID-19 không rõ nguồn gốc xuất xứ.

     Trong quá trình làm việc, chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn, chứng từ liên quan đến nguồn gốc hợp pháp của số hộp thuốc điều trị COVID-19 nói trên. Số thuốc điều trị COVID-19 bị tạm giữ gồm 2 loại: 40 viên/hộp và 10 viên/hộp. Trên bao bì các sản phẩm đều in chữ nước ngoài.

     Chủ cơ sở khai nhận không biết gì về y dược, chủ yếu thu mua các hộp thuộc trôi nổi trên mạng xã hội với giá từ 100.000 đến 1 triệu đồng tùy loại, sau đó, rao bán lại trên mạng với giá gấp 2 lần để kiếm lời.

Không nên tự ý mua thuốc điều trị

   Về các thuốc kháng virus hiện sử dụng trong điều trị COVID-19, theo Bộ Y tế, Việt Nam đã đưa một số thuốc vào phác đồ điều trị; trong đó có thuốc dùng trong tình huống khẩn cấp đã được công nhận trên thế giới như: Remdersivir, IL-6; thuốc Molnupiravir đưa vào điều trị có kiểm soát trong cộng đồng, cùng với các thuốc kháng đông, kháng viêm… Trong đó, có 3 thuốc kháng virus được đưa vào hướng dẫn gồm: Remdesivir dùng cho bệnh nhân có triệu chứng trung bình, nặng; Favipiravir dùng cho bệnh nhân không triệu chứng, triệu chứng nhẹ trung bình và Molnupiravir dùng cho bệnh nhân mức độ nhẹ. 

     PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản ký khám chữa bệnh cho biết: "Các thuốc kháng virus này giúp giảm tải lượng virus, chứ không phải là diệt virus. Đặc biệt, thuốc Molnupiravir cũng được quy định là không dùng cho phụ nữ có thai 3 tháng đầu, phụ nữ đang có kế hoạch có thai”.

    Với cách sử dụng các loại thuốc điều trị COVID-19 khác nhau, đều phải có sự kiểm soát của nhân viên y tế để áp dụng đúng trong các trường hợp cụ thể.

     ThS.BS Phạm Văn Phúc, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, người trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 cho biết: "Với thuốc như Remdesivir còn chống chỉ định sử dụng cho những bệnh nhân có chức năng thận kém (mức lọc cầu thận dưới 30 ml/phút), những bệnh nhân có men gan alanine aminotransferase (ALT) cao gấp 5 lần giới hạn trên bình thường. Những bệnh nhân suy đa cơ quan và những bệnh nhân có phản ứng quá mẫn cảm với thuốc; phụ nữ có thai và cho con bú cũng cần cân nhắc lợi ích và nguy cơ khi điều trị bằng thuốc này”.

     Bác sĩ Phạm Văn Phúc cho biết, thuốc kháng virus nhất là dạng tiêm truyền như Remdesivir, chỉ sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ dựa trên tình trạng bệnh nhân. Vì thế, người dân không nên tự ý mua và sử dụng thuốc dùng tại nhà; như Remdesivir là thuốc chỉ sử dụng trong điều trị người bệnh nội trú, việc tùy tiện sử dụng thuốc tại nhà sẽ rất nguy hiểm.

     Bác sĩ cũng khuyến cáo, người dân không nên tự ý săn lùng, tích trữ các loại thuốc dùng trong điều trị COVID-19 vô tội vạ, nhiều trường hợp có thể dẫn đến tiền mất tật mang. Mỗi người có một cơ địa, bệnh lý, mức độ bệnh khác nhau, cần được bác sĩ chỉ định về liều lượng, loại thuốc sử dụng phù hợp.

     Theo ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, một số đối tượng đã nhập lậu các mặt hàng y tế không qua kiểm định, không đảm bảo chất lượng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Để qua mắt lực lượng chức năng, các đối tượng thường rao bán trên mạng xã hội cũng như các nền tảng thương mại điện tử khác, sau đó, tìm những địa điểm đang xây dựng, địa hình đi lại khó khăn, sâu trong các ngõ nhỏ để làm nơi cất giấu hàng hóa.

     Đại diện Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, các sản phẩm này hoàn toàn là sản phẩm nhập lậu, không được sự đồng ý của Bộ Y tế cũng như cơ quan chức năng liên quan, mặc dù được quảng cáo chữa bệnh hoặc hỗ trợ chữa bệnh COVID-19 nhưng cho đến nay chưa có tài liệu khoa học nào chứng minh tác dụng của các sản phẩm này.

     Cùng với đó, các sản phẩm này đều không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nên khi người dân sử dụng sản phẩm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, đồng thời cũng cướp đi cơ hội được điều trị một cách đúng đắn, sống còn trong đại dịch COVID-19.

     "Tổng cục Quản lý thị trường đã thành lập tổ công tác đặc biệt chuyên giúp lãnh đạo tổng cục phát hiện, đề xuất phương án xử lý với hành vi vi phạm trên nền tảng thương mại điện tử nói chung và đối với các trường hợp nhập khẩu trái phép và bán các sản phẩm phòng chống dịch COVID-19 trên các nền tảng xã hội cũng như thương mai điện tử. Thời gian tới, Tổng cục Quản lý thị trường tiếp tục cùng với các cơ quan chức năng khác trao đổi thông tin, phối hợp và tăng cường quản lý theo đia bàn để nắm bắt diễn biến thị trường”, ông Nguyễn Đức Lê nhấn mạnh.

 

                                                              

                   



                                          

 


1 nhận xét: