Chín mươi chín năm tuổi đời, hơn 80 năm tuổi Đảng, Đại tướng Lê Đức Anh đã trọn đời phấn đấu, cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và Nhân dân ta. Là người cộng sản kiên cường, suốt đời cống hiến, hy sinh vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của Nhân dân; người chỉ huy quân sự tài ba, quyết đoán, dám chịu trách nhiệm, dạn dày kinh nghiệm trận mạc, có nhiều đóng góp trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và làm nhiệm vụ quốc tế cao cả; nhà lãnh đạo xuất sắc, có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, với nhiều dấu ấn nổi bật trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
CHÂN DUNG ĐẠI TƯỚNG LÊ ĐỨC ANH (01/12/1920 - 22/04/2019)
Đồng chí Lê Đức
Anh, sinh ngày 01-12-1920 tại làng Trường Hà, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên -
Huế; quê quán xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Sinh ra và lớn lên trong cảnh nước mất, nhà tan,
phải chứng kiến người dân nô lệ mất nước sống cơ cực dưới chế độ thực dân,
phong kiến, đã hun đúc trong đồng chí Lê Đức Anh lòng yêu nước và tinh thần đấu
tranh cách mạng. Năm 17
tuổi đồng chí chính thức tham gia hoạt động cách mạng ở địa phương. Năm 18
tuổi, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương; sau
đó được tổ chức phân công phụ trách các nghiệp đoàn cao su ở Lộc Ninh.
Sau Cách mạng
tháng Tám 1945, đồng chí tham gia quân đội và bắt đầu cuộc đời binh nghiệp
đầy gian khổ và oanh liệt, là người chỉ
huy quân sự tài ba, quyết đoán, dám chịu trách nhiệm, dạn dày kinh nghiệm trận
mạc, có nhiều đóng góp trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp,
đế quốc Mỹ, bảo vệ biên giới Tây Nam và
cùng quân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng, tái thiết đất nước. Trong
từng trận chiến, qua những gian nguy đã giúp đồng chí tôi luyện thêm
ý chí, tài năng, không ngừng trưởng thành và có những đóng góp quan trọng trên
các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Quân đội giao phó. Đồng chí đã trực tiếp tham
gia chỉ huy nhiều chiến dịch lớn, như cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu
Thân năm 1968; Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử tháng 4 năm 1975,…
Từ năm 1976 đến
năm 1980, đồng chí kinh qua các chức vụ Tư lệnh Quân khu 9; Tư lệnh kiêm
Chính ủy Quân khu 7, Chỉ huy trưởng Tiền phương Bộ Quốc phòng ở mặt trận Tây
Nam; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại
Campuchia; Phó Trưởng ban, rồi Trưởng ban Lãnh đạo Đoàn Chuyên gia Việt Nam tại
Campuchia. Đồng chí được phong quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng năm
1974; được thăng quân hàm Thượng tướng năm 1980, Đại tướng năm 1984. Tháng 12-1986,
đồng chí được bổ nhiệm giữ chức Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt
Nam. Từ tháng 02-1987, là Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy
Trung ương), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Ngày 23-9-1992,
Quốc hội khóa IX đã bầu đồng chí Lê Đức Anh làm Chủ tịch nước Cộng hòa xã
hội chủ nghĩa Việt Nam cho đến tháng 12-1997.
Đồng chí là
Ủy viên Trung ương Đảng từ khóa IV đến khóa VIII; Bí thư Trung ương Đảng
khoá VII; Ủy viên Bộ Chính trị từ khóa V đến khóa VIII; Ủy viên Thường vụ Bộ
Chính trị khóa VIII; Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt
Nam từ tháng 12-1997 đến tháng 4-2001; Đại biểu Quốc hội các khóa VI,
VIII và IX.
Ngày 22-4-2019,
đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh qua đời tại nhà công vụ trong Trạm khách Bộ Quốc
phòng (T66), số 5 Hoàng Diệu, Hà Nội.
Suốt cuộc đời
hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Đức Anh đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng.
Đồng chí đã có những đề xuất xác đáng với Bộ Chính trị về giải quyết vấn đề
biên giới, về công tác đối ngoại; có
nhiều đóng góp quan trọng trong xúc tiến bình thường hóa quan hệ Việt Nam -
Trung Quốc, mở ra một trang sử mới trong quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Trung
Quốc. Đồng chí đã đề xuất với
Đảng, Nhà nước và trực tiếp chỉ đạo giải quyết nhiều vấn đề lớn, quan trọng về
quân sự, quốc phòng. Đồng chí đặc biệt quan tâm và có tầm nhìn
chiến lược về phòng thủ, bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Trên
cương vị Chủ tịch nước, đồng chí Lê Đức Anh đã cùng các đồng chí
trong Bộ Chính trị đã dồn hết tâm lực cho công việc với quyết tâm và cố gắng
cao nhất, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, phát huy mọi động lực mới, khai
thác mọi tiềm năng để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống Nhân dân. Cùng với
việc phấn đấu hoàn thành các công việc về công tác xây dựng pháp luật, công tác
cán bộ, tiếp dân, thi đua - khen thưởng..., Đồng chí còn dành thời gian đến các
địa phương để nắm bắt tình hình thực tế, nắm những khó khăn cần tháo gỡ. Đặc biệt
sau khi đề xuất và được Bộ Chính trị đồng ý, đồng chí đã ký Lệnh số 36
L/CTN, ngày 10/9/1994 công bố Pháp lệnh quy định Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà
Mẹ Việt Nam Anh hùng” và Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, đây thể
hiện sâu sắc đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.
Ngoài ra, Chủ
tịch nước Lê Đức Anh còn có nhiều đóng góp quan trọng trên lĩnh vực đối ngoại
của đất nước, nổi bật là việc xúc tiến bình thường hóa quan hệ với Mỹ và thúc
đẩy Việt Nam gia nhập ASEAN. Sáng 12-7-1995 (theo giờ Việt Nam), hai nước tuyên
bố bình thường hóa quan hệ. Tháng 10-1995, Chủ tịch nước Lê Đức Anh sang New
York dự Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Liên Hợp quốc; Đồng chí trở thành Nguyên
thủ quốc gia đầu tiên của Việt Nam đặt chân tới Mỹ. Cùng với xúc tiến bình
thường hóa quan hệ với Mỹ, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã có nhiều đóng góp cho
tiến trình thúc đẩy để Việt Nam gia nhập ASEAN vào ngày 28-7-1995.
Đồng chí Lê Đức Anh đã cùng Bộ Chính trị chỉ đạo sát sao các bộ, ngành để mở rộng quan hệ với các nước. Sau khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ, hàng loạt các quốc gia tìm đến Việt Nam để tìm hiểu và hợp tác, đầu tư về kinh tế và khoa học công nghệ. Trong nhiệm kỳ này, thay mặt Nhà nước và Nhân dân ta, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã tham dự nhiều hội nghị quốc tế quan trọng; thăm chính thức và làm việc với 13 nước trên thế giới; đón tiếp 26 nguyên thủ quốc gia thăm hữu nghị chính thức và nhiều đoàn khách quốc tế tới thăm Việt Nam…
Suốt cuộc đời
hoạt động cách mạng sôi nổi, phong phú, với bao khó khăn, thử thách, đồng chí
Lê Đức Anh luôn hoàn thành xuất sắc trọng trách trước Đảng, Nhà nước, Tổ quốc
và Nhân dân; đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây
dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đúng như Cố Tổng Bí thư Đỗ Mười đã khẳng định, “là
một trong những nhà chính trị tầm cỡ, nhà quân sự lớn của Đảng và Nhà nước ta”(1).
Trong Điếu văn
tại Lễ truy điệu đồng chí Lê Đức Anh, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ghi
nhận: “Đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh đã có nhiều công lao to lớn và
cống hiến xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, dân tộc ta, tuyệt
đối trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa
xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Là cán bộ lão thành cách
mạng, được tôi luyện, vào sinh ra tử, trưởng thành qua các cuộc kháng chiến
và trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đồng chí luôn giữ vững ý chí,
phẩm chất của người chiến sĩ cộng sản, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân
dân; không ngừng rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng, có bản lĩnh chính trị
vững vàng, nâng cao tri thức, sáng tạo, sắc sảo, quyết đoán và hành động quyết
liệt trong mọi công việc”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét