Nói đến hình mẫu nhân cách con người Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh không thể không nhắc đến hình mẫu nhân cách Bộ đội Cụ Hồ, với những đặc trưng tiêu biểu, đó là: Trung với Đảng, trung với nước, hiếu với dân; không ngại gian khổ, hiểm nguy, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì nghĩa lớn; nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng; tinh thần kỷ luật tự giác, nghiêm minh; ứng xử trên kính dưới nhường, yêu thương đồng chí, đồng đội; khiêm tốn, ham học hỏi, cầu tiến bộ...
Đã có nhiều công trình nghiên cứu, nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật, nhiều bài viết ca ngợi về hình mẫu nhân cách Bộ đội Cụ Hồ và đều thống nhất khẳng định: Sở dĩ nhân dân đặt tên gọi người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND) là “Bộ đội Cụ Hồ” bởi lẽ đó là một kiểu mẫu nhân cách hội tụ những vẻ đẹp cao quý nhất của con người Việt Nam; đồng thời qua đó thể hiện tấm lòng tri ân công lao vĩ đại của lãnh tụ cũng như tự nguyện học tập, noi gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh-người đã thành lập, giáo dục, rèn luyện Quân đội ta.
Nhiều năm gắn bó, công tác trong Quân đội, trưởng thành từ người chiến sĩ Binh nhì đến cấp Đại tá, giữ chức vụ Phó cục trưởng Cục Tư tưởng-văn hóa (nay là Cục Tuyên huấn), Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, sau đó chuyển ngành làm công tác nghiên cứu trên lĩnh lực tư tưởng, văn hóa, văn học, nghệ thuật, GS, TS Đinh Xuân Dũng là một trong những chuyên gia hàng đầu cả trong lý luận và thực tiễn về đề tài Bộ đội Cụ Hồ. Trong hơn 30 tác phẩm đã xuất bản, GS, TS Đinh Xuân Dũng đã chủ biên và sáng tạo nhiều công trình, tác phẩm xuất bản về đề tài văn hóa, văn học, nghệ thuật liên quan đến LLVT và chiến tranh cách mạng được bạn đọc đánh giá cao, tiêu biểu là các tác phẩm: “Hiện thực chiến tranh và sáng tạo văn học” (xuất bản năm 1990); “Văn hóa, văn nghệ và đời sống Quân đội” (1998); “Nuôi dưỡng các giá trị văn hóa trong nhân cách người chiến sĩ QĐND Việt Nam” (1999); “Công tác tư tưởng-văn hóa trong xây dựng Quân đội về chính trị” (2000); “Văn nghệ với người lính và thời cuộc” (2018); “Tổ quốc, đồng đội và văn nghệ” (2019)...
Tiếp nối dòng chảy đó, Nhà xuất bản QĐND mới đây đã xuất bản, phát hành cuốn sách “Chăm lo bồi đắp, phát triển kiểu mẫu nhân cách Bộ đội Cụ Hồ” của GS, TS Đinh Xuân Dũng. Cuốn sách gồm ba phần, phần I: “Đảng với Quân đội. Những tấm gương sáng ngời nhân cách văn hóa”; phần II: “Bộ đội Cụ Hồ-một giá trị độc đáo của văn hóa Việt Nam”; phần III: “Phát huy sức mạnh tổng hợp tiếp tục xây dựng, phát triển nhân cách Bộ đội Cụ Hồ”.
Ở phần I, các bài viết chỉ ra nguyên nhân sâu xa của sự hình thành, phát triển nhân cách Bộ đội Cụ Hồ là do Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, sáng lập, giáo dục, rèn luyện và tôn vinh những tấm gương hội tụ các giá trị văn hóa Bộ đội Cụ Hồ có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống Quân đội, đó là: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Thượng tướng Lê Khả Phiêu, Trung tướng Phạm Hồng Cư...
Dưới góc nhìn của một chuyên gia am tường về đời sống văn hóa Quân đội và vị thế, uy tín, hình tượng người lính cách mạng, trong phần II và phần III, tác giả đã có những cảm nhận sâu sắc, khắc họa đậm nét về Bộ đội Cụ Hồ-một giá trị độc đáo của văn hóa Việt Nam. Đặc điểm và ý nghĩa xã hội của Bộ đội Cụ Hồ thể hiện ở những khía cạnh nào? Đặc trưng lịch sử và văn hóa nhân cách Bộ đội Cụ Hồ bao gồm những nội dung gì? Giáo dục chuẩn mực Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới cần quan tâm những vấn đề gì? Phải làm như thế nào để phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong giai đoạn cách mạng mới? Làm cách nào để khai thác giá trị văn hóa trong yêu cầu xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại... Những vấn đề đó đã được tác giả phân tích, giải đáp một cách thấu lý đạt tình thông qua ngòi bút chính luận vừa giàu tính khoa học, vừa đậm chất văn hóa và lôi cuốn người đọc bằng cách viết nhẹ nhàng, tinh tế. Đó chính là “sức nặng” của cuốn sách này./.
Môi trường (Yêu nước) ST.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét