Thứ Tư, 30 tháng 11, 2022

TẬN DỤNG MẠNG XÃ HỘI ĐỂ TUYÊN TRUYỀN CHỦ TRƯƠNG CỦA ĐẢNG VÀ PHÁP LUẬT CỦA NHÀ NƯỚC

Để phát huy thế mạnh cũng như ngăn ngừa, khắc phục những mặt tiêu cực của mạng xã hội trong công tác tuyên truyền chính trị, cần nâng cao nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân về những ưu thế và mặt trái của mạng xã hội để có phương thức ứng xử phù hợp với tinh thần chủ động, tích cực, linh hoạt, an toàn, hiệu quả. Cụ thể, để việc tuyên truyền chính trị trên mạng xã hội đạt hiệu quả, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể chính trị bên cạnh phương thức tuyên truyền truyền thống cần mở rộng kênh tương tác, tuyên truyền trên mạng xã hội bằng việc xây dựng các kênh thông tin, các trang mạng riêng của cơ quan, tổ chức mình, qua đó cung cấp kịp thời thông tin chính thống đến độc giả.

Cần chủ động cập nhật thông tin thời sự, phối hợp tốt với các cơ quan, bộ, ngành liên quan như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an trong việc xây dựng chương trình, trang thông tin tuyên truyền đa dạng, có nội dung phong phú, có sức hấp dẫn, lôi cuốn, tạo môi trường văn hóa lành mạnh với phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, định hướng tư tưởng, tình cảm nhân dân, hướng cộng đồng tới những giá trị chân, thiện, mỹ.

Với những người trực tiếp làm công tác tuyên truyền và các cơ quan, đơn vị phụ trách phải làm chủ công nghệ, xử lý tốt những vấn đề phức tạp nảy sinh, dự báo những tình huống mới có thể nảy sinh khác với mục tiêu, mong muốn tuyên truyền. Đồng thời xây dựng đội ngũ cộng tác viên giỏi về lý luận, am hiểu thực tiễn, sử dụng thành thạo công nghệ để truyền tải chủ trương, chính sách pháp luật bằng những hình thức đa dạng, hấp dẫn như xây dựng các video clip, mô hình hóa những vấn đề trừu tượng bằng những thiết kế đồ họa, tranh ảnh, những mẩu tin ngắn với cách đặt vấn đề đi vào trọng tâm, có nội dung thông tin, gần gũi với quần chúng.

Với các cơ quan quản lý, cần xây dựng, bổ sung, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách đồng bộ, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, minh bạch, bảo đảm môi trường mạng xã hội lành mạnh, trong sạch, nhân văn với những giá trị văn hóa tốt đẹp được lan tỏa, chia sẻ. Cần có chế tài và biện pháp xử lý nghiêm minh, có tính răn đe để cảnh báo cũng như kịp thời xử lý nghiêm những hành vi vi phạm. Có biện pháp ngăn chặn và đẩy lùi những trang mạng có nội dung xấu độc, chống phá Đảng, Nhà nước.

Nhằm khai thác hiệu quả các thế mạnh của mạng xã hội trong tuyên truyền chính trị, cần phát huy vai trò, sức mạnh, sức sáng tạo của quần chúng nhân dân, học tập nhân dân, huy động lực lượng trong dân với mục tiêu để các tầng lớp nhân dân luôn đồng hành cùng Đảng, Nhà nước, bảo vệ những giá trị mang tính nền tảng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Trên không gian mạng, mỗi người dân vừa là đối tượng tiếp nhận thông tin, vừa là người cung cấp thông tin, đồng thời là một “chiến sĩ” trong cuộc đấu tranh với cái xấu, cái ác để cùng với các cơ quan, đoàn thể chính trị bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có những diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường hiện nay.

Việc tận dụng ưu thế của mạng xã hội với tinh thần chủ động, linh hoạt, sáng tạo, tận tâm phục vụ cùng những thông tin hữu ích sẽ tạo chất “keo” gắn kết mối quan hệ bền chặt giữa chính quyền với nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ, tạo sức mạnh, động lực thực hiện thắng lợi những mục tiêu đề ra.

  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét