Ngày (29-11), tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức Hội thảo quốc gia về chủ đề “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”. Nhân sự kiện này, Báo Quân đội nhân dân giới thiệu một số bài viết của các chuyên gia nhằm góp phần làm sáng tỏ chủ đề hội thảo quan trọng này.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới… Xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại”(1).
Cơ sở hình thành, xây dựng hệ giá trị quốc gia
Quốc gia-dân tộc nào cũng quan tâm đến xây dựng hệ giá trị của riêng mình trong lịch sử hình thành và phát triển. Hệ giá trị quốc gia luôn mang tính đặc trưng và biểu tượng, kết tinh những giá trị bền vững đã định hình từ truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước, được gìn giữ, phát huy trong hiện tại và dẫn dắt dân tộc đó tới tương lai. Hệ giá trị quốc gia phản ánh trí tuệ và tâm hồn, cốt cách và bản lĩnh của dân tộc đó để tự khẳng định, tự phát triển mình trong cộng đồng thế giới nhân loại mà mình là một thành viên. Quốc gia-dân tộc đó có diện mạo như thế nào, những đức tính, phẩm chất nào làm nên sự ưu trội nổi bật của dân tộc, tỏ rõ sức sống và triển vọng của nó trên con đường phát triển cũng như ảnh hưởng của nó trong đời sống quốc tế?
Những câu hỏi ấy đặt ra để dân tộc tự nhận thức về mình, tự đánh giá về mình và đem lại sự hiểu biết cho các dân tộc khác sẽ tìm thấy câu trả lời từ bảng giá trị của quốc gia-dân tộc. Cũng chính những giá trị đặc trưng và biểu tượng ấy cho thấy những mong muốn, khát vọng của dân tộc hiểu biết các dân tộc khác, đem những tinh hoa của mình nhập vào kho tàng văn hóa nhân loại, từ nhận biết thế giới để nhận ra mình đầy đủ và sâu sắc hơn. Đúng như định nghĩa của Nehru: “Văn hóa là khả năng mình nỗ lực hiểu biết người khác và làm cho người khác hiểu mình”.
Văn hóa còn là biết lắng nghe theo tinh thần dân chủ, biết tiếp thu, học hỏi và vận dụng những cái đúng, cái tốt, cái hay ở bên ngoài mình. Đại thi hào Nguyễn Du không chỉ tài hoa mà còn trí tuệ khi ông viết: “Rằng trong lẽ phải có người có ta”. Câu thơ ấy có thần thái của dân chủ, vượt ra khỏi ý thức hệ phong kiến của ông, đạt đến hiện đại. Văn hóa, trong bản chất đích thực của nó không ích kỷ, hẹp hòi, trái lại là hào hiệp và phóng khoáng. Văn hóa qua lối sống và ứng xử của con người cũng như của cả dân tộc luôn gắn liền giữa “cho đi” và “nhận lại” để đổi mới, hội nhập và phát triển. Từ cảm quan văn hóa mà nhận ra tâm hồn dân tộc qua hệ giá trị quốc gia của dân tộc đó.
Hệ giá trị quốc gia được xây dựng từ những cơ sở nào và điểm quy tụ mọi giá trị quốc gia là những giá trị văn hóa, từ những giá trị đó mà thấy được sức mạnh của trí tuệ-tâm hồn-cốt cách-bản lĩnh và bản sắc dân tộc. Có thể hình dung những cơ sở, những căn cứ xác định hệ giá trị quốc gia như sau:
Thứ nhất, từ lịch sử và đặc điểm hình thành quốc gia-dân tộc. Sự tác động và ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên, xã hội, hoạt động sản xuất-kinh tế, tổ chức đời sống cộng đồng, những thử thách phải vượt qua để tồn tại và phát triển. Chính trong môi trường ấy tạo nên tâm lý tính cách dân tộc, con người, lối sống và bản sắc văn hóa dân tộc.
Thứ hai, từ truyền thống dựng nước và giữ nước, qua những biến thiên, thăng trầm lịch sử mà cộng đồng dân tộc đã trải qua, đã tôi luyện, hun đúc nên những giá trị tinh thần thuộc về phẩm chất, ý chí, năng lực sáng tạo, hoài bão, khát vọng của cộng đồng dân tộc.
Thứ ba, từ những giao lưu tiếp xúc văn hóa của dân tộc với các dân tộc khác dẫn tới nhu cầu hiểu biết, khám phá, sáng tạo để phát triển trước những đòi hỏi mới của tình hình và hoàn cảnh.
Thứ tư, từ những kinh nghiệm, bài học được đúc kết qua thực tiễn lịch sử mà định hình các giá trị của dân tộc, của con người và văn hóa dân tộc.
Thứ năm, từ hoài bão, khát vọng phát triển dân tộc trước yêu cầu mới trong xu thế biến đổi của quốc tế, khu vực, thế giới và thời đại. Khả năng thích ứng và bứt phá của dân tộc để phát triển nhanh và bền vững.
Đó là những cơ sở, những căn cứ để xây dựng hệ giá trị quốc gia. Năng lực tự ý thức, tự phê phán, tự đổi mới để tự phát triển phải được thể hiện qua việc lựa chọn, định hướng các giá trị. Các giá trị đó vừa nói lên đặc trưng, biểu tượng quốc gia-dân tộc, vừa thể hiện phẩm chất, năng lực, bản lĩnh của con người Việt Nam trong thời đại mới.
Các giá trị đó vừa ổn định, bền vững như những hằng số văn hóa Việt Nam, vừa biến đổi, phát triển, được bổ sung bằng những giá trị mới hiện đại hoặc thể hiện tính sáng tạo mới, tính hiện đại để phát triển, nhất là trong bước chuyển từ truyền thống đến hiện đại.
Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, đa văn hóa, đa tôn giáo, có lịch sử hàng ngàn năm dựng nước, giữ nước. Việt Nam tỏ rõ sức sống, bản lĩnh sáng tạo hàng ngàn năm trong quá khứ bị phong kiến phương Bắc đô hộ mà không hề bị đồng hóa, vẫn bảo tồn và phát huy được những giá trị thuần Việt, tinh hoa Việt, tạo nên năng lực sống, năng lực sáng tạo và phát triển của dân tộc Việt Nam đến tận ngày nay. Việt Nam trải qua những thử thách khốc liệt, những tình huống hiểm nghèo trong các cuộc chiến tranh do các thế lực đế quốc hung hãn nhất gây ra nhưng vẫn đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ (Hồ Chí Minh) bằng sức mạnh bền bỉ của lòng yêu nước, đại đoàn kết toàn dân tộc được soi sáng bởi tư tưởng lớn “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” trong thời đại Hồ Chí Minh.
Sức mạnh Việt Nam là sức mạnh của chủ nghĩa nhân đạo, nhân nghĩa và nhân văn: “Đem đại nghĩa mà thắng hung tàn/ Lấy chí nhân mà thay cường bạo”, dựa vào truyền thống dân tộc trọng chân lý và đạo lý, trọng tình thương và lẽ phải. Thiết tha yêu hòa bình, có khát vọng độc lập, tự do nhưng phải là nền hòa bình thực sự, độc lập, tự do thực sự chứ không phải giả hiệu.
Để tồn tại và phát triển, Việt Nam từ muôn vàn trải nghiệm thực tiễn mà biết thích ứng và biết vượt lên mọi hoàn cảnh, nghịch cảnh. Việt Nam nhạy cảm với cái mới và chủ động đổi mới để phát triển. Người Việt Nam đang nuôi dưỡng khát vọng cống hiến. Dân tộc Việt Nam đang đồng hành, nỗ lực thực hiện khát vọng phát triển, thực hiện bằng được tâm nguyện, hoài bão của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết tâm đạt được kỳ tích phát triển vào giữa thế kỷ 21.
Lựa chọn các giá trị và xác lập hệ giá trị quốc gia của Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh phải thể hiện được những điểm nhấn đó.
Đề xuất lựa chọn và xác định các hệ giá trị của Việt Nam
1. Về hệ giá trị quốc gia. Hệ giá trị quốc gia Việt Nam là hệ thống các giá trị chỉ đạo, định hướng sự phát triển của Việt Nam theo lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội theo đường lối và phương pháp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng ta.
Hệ giá trị quốc gia Việt Nam được thực hiện thông qua đổi mới sáng tạo, xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội gắn liền với hội nhập quốc tế, thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, dân tộc cường thịnh, trường tồn. Đó cũng là thực hiện tâm nguyện, hoài bão của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua hai luận đề nổi bật: Dân tộc Việt Nam trở thành một dân tộc thông thái; xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là xây dựng một xã hội văn hóa cao.
Nội dung hệ giá trị quốc gia Việt Nam là một cấu trúc chỉnh thể gồm 3 lớp quan hệ. Quan hệ thứ nhất là các giá trị cốt lõi gồm 4 giá trị: Hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do. Quan hệ thứ hai là các giá trị cơ bản gồm 4 giá trị: Đoàn kết, dân chủ, công bằng, bình đẳng. Quan hệ thứ ba là các giá trị hướng tới mục tiêu gồm hai giá trị: Phồn vinh, hạnh phúc.
Như vậy, có thể định hình hệ giá trị quốc gia gồm 10 giá trị, sắp xếp theo trật tự logic phù hợp với trật tự các lớp quan hệ. Đó là: Hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do, đoàn kết, dân chủ, công bằng, bình đẳng, phồn vinh, hạnh phúc.
Hệ giá trị quốc gia là những giá trị gốc, nền tảng. Từ hệ giá trị này mà xây dựng hệ giá trị văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, mang đặc trưng “dân tộc, nhân văn, dân chủ, khoa học”. Hệ giá trị văn hóa gia đình, hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam cũng sẽ được xây dựng phù hợp với hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị quốc gia Việt Nam.
2. Về hệ giá trị văn hóa Việt Nam, được định hình bởi 7 giá trị gồm: Yêu nước, đoàn kết, khoan dung, lạc quan, sáng tạo, đổi mới, phát triển.
3. Về hệ giá trị gia đình Việt Nam, gồm 5 giá trị: Hòa thuận, hiếu thảo, tình nghĩa, thủy chung, hạnh phúc.
4. Về hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam, gồm 10 giá trị: Trung thực, khiêm tốn, vị tha, nhân ái, khoan dung, sáng tạo, năng động, cống hiến, đổi mới, phát triển.
Chúng tôi cho rằng, cần tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo theo từng vấn đề, thu thập được nhiều ý kiến của các chuyên gia, giới trí thức khoa học và văn nghệ sĩ, các nhà hoạt động xã hội, văn hóa, các nhà giáo dục, các nhà lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành để thảo luận, thống nhất quan niệm, cân nhắc lựa chọn các giá trị thích hợp giữa truyền thống và hiện đại. Đặc biệt là làm rõ các luận chứng khoa học về giá trị, định hướng giá trị, giáo dục giá trị, từ đó xác định các cấp độ: Giá trị quốc gia, giá trị văn hóa dân tộc, giá trị gia đình, giá trị chuẩn mực con người Việt Nam. Các hệ thống giá trị này sau khi đã định hình từ kết quả nghiên cứu của giới chuyên môn cần lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, hình thành dư luận xã hội quan tâm tích cực tới văn hóa và giá trị văn hóa đối với sự phát triển của đất nước, tới hiện tại và tương lai của dân tộc.
GS, TS HOÀNG CHÍ BẢO, Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB Chính trị Quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2021, tập I, tr.143
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét