Thứ Tư, 30 tháng 11, 2022

VẤN ĐỀ VỀ ỨNG XỬ VĂN HÓA TRÊN MẠNG XÃ HỘI HIỆN NAY Ở VIỆT NAM

 Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của xã hội, công nghệ thông tin nói chung, internet và các trang mạng xã hội (MXH) nói riêng đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt đời sống xã hội và sinh hoạt của con người.. Khi mà con người đã coi mạng xã hội là “môi trường xã hội”, thì văn hóa ứng xử ở đó lại là một vấn đề cần được quan tâm.

Mạng xã hội là một thành tựu khoa học kỹ thuật của con người. Nó đem con người đến gần với nhau hơn. Nó giúp người ta nói lên suy nghĩ của mình được nhiều hơn. Và đặc biệt, nó giúp cho người truyền tải cảm hứng, giúp cho cộng đồng gần gũi nhau hơn. Tới đây, với cuộc cách mạng 4.0, các nhà khoa học còn mong muốn xây dựng sự tương tác mạnh mẽ hơn giữa thế giới ảo và thế giới thật. Dễ thấy, sự tác động của hai thế giới, “ảo” và “thật” đã gần nhau lắm. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều câu chuyện không hay đã diễn ra trên mạng xã hội cho thấy, việc cộng đồng trong xã hội kêu gọi xây dựng văn hóa ứng xử trên mạng xã hội đang trở nên cấp thiết. Có ý kiến cho rằng, việc xây dựng văn hóa phải xuất phát từ hai phía, từ cơ quan quản lý nhà nước và từ mỗi người dân.

Thực tế thời gian qua cho thấy sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là Bộ Thông tin và Truyền thông nên đã hạn chế được nhiều tài liệu xấu độc từng được lưu truyền trên mạng xã hội. Các doanh nghiệp cung cấp mạng xã hội như Facebook, Google, Twitter hay YouTube cũng đã thể hiện thái độ đồng tình, ủng hộ khi chấp hành đầy đủ việc gỡ bỏ những thông tin bịa đặt, xấu độc.

Cách đây khoảng chục năm, sự bùng nổ với nhiều hệ lụy của game online, các nhà chức trách ở nhiều nước đã quản lý tài khoản game qua số công dân. Việc này được cho là đã giảm tải, hạn chế rất nhiều tác động tiêu cực do game online gây ra. Tuy nhiên, mạng xã hội khác game online ở chỗ, người ta biết rõ con người sử dụng tài khoản nhưng lại không thể kiểm soát được những điều họ bình luận, tương tác với cộng đồng mạng. Do đó rất cần sự vào cuộc của cư dân mạng để xây dựng một nền văn hóa mạng trong sạch, lành mạnh.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét