Thứ Tư, 30 tháng 11, 2022

KẾ SÁCH GIỮ HÒA BÌNH, KHÔNG XẢY RA CHIẾN TRANH


Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; giữ nước từ khi nước chưa nguy là tư tưởng chỉ đạo mang tính chủ động trong xây dựng để phòng vệ, gìn giữ hòa bình, sự ổn định của quốc gia - dân tộc; là những công việc về chuẩn bị, làm trước một bước để tự tin đối phó với xung đột, chiến tranh nếu nó xảy ra. Đó là những bài học kinh nghiệm quý báu được đúc kết, khái quát thành quy luật sinh tồn, phát triển của dân tộc Việt Nam, trở thành kế sách giữ nước, bảo vệ các giá trị chân - thiện - mỹ của ông cha ta qua hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước, giữ nước. Vì vậy, kế thừa, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng này trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa có vị trí, vai trò rất quan trọng, nhất là việc nâng cao khả năng phòng thủ, xây dựng “thế trận lòng dân”, không để đất nước bị động, bất ngờ trước mọi tình huống.


Ưu điểm vượt trội của kế sách này là chủ động nghiên cứu dự báo, nắm chắc diễn biến tình hình, có biện pháp phòng tránh, ứng phó với mọi tình huống nảy sinh, sớm loại bỏ các nguy cơ xung đột, chiến tranh, đe dọa hòa bình; giữ cho đất nước thái bình; dân no, dân an, dân tin chế độ; cùng nhau “chung sức đồng lòng” xây dựng quốc gia hùng cường, thịnh vượng. Nhờ đó, “nội yên, ngoại tĩnh”, bên trong thì không có cát cứ, tạo phản, tiếng ai oán lầm than; chính sự không có phiên hà; kế sách “ngụ binh ư nông” được phát huy, nên “quân hùng, tướng mạnh”, bên ngoài thì tránh được nạn binh đao, đổ máu, giữ yên bờ cõi, biên thùy; mở rộng các mối quan hệ hòa hiếu, tương giao thân thiện. 


Tư tưởng bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; giữ nước từ khi nước chưa nguy được kết tinh, thể hiện sâu sắc trong tư tưởng nhân văn quân sự Việt Nam, đỉnh cao là tư tưởng nhân văn quân sự Hồ Chí Minh, cô đọng ở lời dạy của Bác: “Các vua hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”; do đó, “Bất kỳ hòa bình hoặc chiến tranh, ta cũng phải nắm vững, chủ động, phải thấy trước, chuẩn bị trước”. Nhờ tiếp thu, vận dụng và phát triển sáng tạo kế sách này, Đảng đã lãnh đạo quân và dân ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức; ngăn ngừa được các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; “chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố bất lợi, nhất là các nhân tố bên trong có thể gây ra đột biến”. 


Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy bao gồm bảo vệ Tổ quốc từ bên ngoài biên giới, lãnh thổ quốc gia và bảo vệ Tổ quốc từ bên trong đất nước, gắn chặt với phòng thủ, ngăn ngừa từ trước các mầm mống, nguy cơ xung đột, chiến tranh; tích cực chuẩn bị mọi mặt, nhất là kinh tế, chính trị, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… làm cho nó ngày càng mạnh lên, triệt tiêu các tiêu cực; không để tiềm ẩn các rủi ro, nguy cơ, bất ổn về chính trị, an ninh, nhất là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; sự tha hóa, biến chất nhân cách con người; sự sinh sôi, nảy nở của tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, quan liêu; “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang...


Kế sách này rất cần cho chúng ta giữ nước trong bối cảnh tình hình mới rất phức tạp hiện nay. Vì vậy, Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng, đề cao, nghiên cứu khai thác tối đa ưu thế, sức mạnh của kế sách này, hướng sự tập trung vào đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn, hoạt động “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù địch, làm cho: “Đảng vững, nước giàu, dân yên, quân mạnh, thêm bạn bớt thù”. Đây là kế sách - thượng sách gìn giữ hòa bình, không để xảy ra chiến tranh, đổ máu. Vì vậy, chúng ta cần:


 (1) Tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đây là giải pháp căn cốt nhất để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; là “chìa khóa” để thực hiện tốt phương châm: “Phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng, củng cố quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên”. Nhờ đó, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thật sự là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam. Đồng thời, khẳng định sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp đổi mới; thật sự “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. 


(2) Thực hiện thắng lợi mục tiêu và các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Mũi nhọn và điểm đột phá của kế sách này là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; không ngừng cải thiện, nâng cao mức sống, đời sống vật chất, tinh thần và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; phát triển toàn diện văn hóa và con người Việt Nam. Ưu tiên phát triển kinh tế tri thức, kinh tế xanh; chú trọng kết hợp phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh trong các quy hoạch, kế hoạch, từng bước thu hẹp khoảng cách giàu nghèo; đẩy mạnh thực hiện phong trào: “Xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”… từng bước củng cố “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc.


(3) Tập trung xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu cao, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và lợi ích quốc gia - dân tộc; bảo vệ, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong điều kiện mới.


(4) Đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tăng cường công tác đối ngoại, nâng cao uy tín, vị thế của đất nước và quân đội; chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại song phương, đa phương. Trong đó, ưu tiên quan hệ hợp tác toàn diện, ổn định vững chắc với Trung quốc, Lào, Campuchia, các nước ASEAN, các nước lớn, các nước bạn bè truyền thống; chú trọng công tác ngoại giao thân thiện; xây dựng, củng cố lòng tin chiến lược với các nước, các đối tác. Thực hiện chính sách “bốn không” và ứng xử khôn khéo phương châm: vừa hợp tác, vừa đấu tranh; tăng cường nghiên cứu, dự báo chiến lược đối ngoại, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin đối ngoại; loại trừ các nguy cơ xung đột, chiến tranh từ ngoài biên giới, lãnh thổ Việt Nam./. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét