Thứ Tư, 30 tháng 11, 2022

Cán bộ, đảng viên phải là tấm gương sáng học tập Bác về "tự phê bình và phê bình"

Tự phê bình và phê bình là nguyên tắc, là quy luật phát triển của Đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, uy tín của tổ chức đảng; nâng cao chất lượng, uy tín của đội ngũ cán bộ, đảng viên, thiết thực xây dựng và chỉnh đốn Đảng, để Đảng ta luôn trong sạch, vững mạnh như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn trong Di chúc: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”. Hồ Chí Minh từng nói, người đời không phải thánh thần, ai cũng có tính tốt, tính xấu, nên khó tránh khỏi sai lầm, khuyết điểm. Đảng cũng vậy; Đảng ta cũng từ nhân dân mà ra, nên không thể tránh khỏi những sai lầm, khuyết điểm. Người cũng cho rằng: “Người đời ai cũng có khuyết điểm. Có làm việc thì có sai lầm. Chúng ta không sợ có sai lầm và khuyết điểm, chỉ sợ không chịu cố gắng sửa chữa sai lầm và khuyết điểm. Và càng sợ những người lãnh đạo không biết tìm cách đúng để giúp cán bộ sửa chữa sai lầm và khuyết điểm” và “có hai cách để thực hiện thống nhất tư tưởng, đoàn kết nội bộ là: Phê bình và tự phê bình. Từ trên xuống dưới, ai nấy đều phải dùng nó để ngày càng đoàn kết, tiến bộ”. Việc tự phê bình và phê bình là việc phải làm thường xuyên của mỗi tổ chức cơ sở đảng “như rửa mặt hàng ngày”, nhằm đảm bảo chế độ sinh hoạt Đảng. Trong khi tiến hành tự phê bình và phê bình, người phê bình cần phải khách quan, trung thực, công tâm và công khai, “không đặt điều”, “không thêm bớt”. Khi góp ý phải thẳng thắn, chân thành, có tình, có lý làm cho người được góp ý “tâm phục, khẩu phục”. Muốn vậy, người làm nhiệm vụ phê bình phải lựa chọn phương pháp thích hợp, tế nhị trong lời nói, giọng nói, cách nói. Khi phê bình, cần tránh động cơ vụ lợi, phê bình không đúng đắn vì thành kiến cá nhân, ích kỷ, hẹp hòi, không thừa nhận thành tích của nhau nên lợi dụng phê bình để đả kích, cường điệu khuyết điểm, nhằm hạ uy tín, “hạ bệ” lẫn nhau, gây mất đoàn kết nội bộ. Đặc biệt, không được lợi dụng tự phê bình và phê bình để mỉa mai, chua cay, “đâm thọc”, gây khó chịu, khó tiếp thu, gây ra tự ái hoặc hiểu nhầm cho người bị phê bình; nhất là tránh hiện tượng: “Ai hợp với mình thì người xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau. Ai không hợp với mình thì người tốt cũng chi là xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách dèm pha, nói xấu, tìm cách dìm người đó xuống. Bệnh này rất tai hại cho Đảng, nó làm hại đến sự thống nhất”. Việc tự phê bình và phê bình được tiến hành kiên quyết, ráo riết, triệt để trên cơ sở của tình thương yêu đồng chí lẫn nhau chính là một “cuộc đấu tranh” trong bản thân mỗi cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng, để “cốt giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc tốt hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ”. Trong một tổ chức, sự đoàn kết và thống nhất trong ý chí và hành động chỉ có được khi mỗi thành viên tự phê bình và phê bình đều cùng phải thành khẩn, thành tâm, không giấu giếm khuyết điểm của mình, của đồng chí mình; phải tự giác nhận và vạch ra khuyết điểm của mình cũng như của đồng chí mình trước tập thể. Cả người phê bình cũng như người tiếp thu ý kiến phê bình của người khác đều phải xuất phát từ động cơ trong sáng, đúng đắn: đó là giúp đỡ lẫn nhau, vì sự tiến bộ của mỗi người và sự phát triển vững mạnh của tổ chức. Lịch sử gần 90 năm xây dựng và phát triển của Đảng, hành trình đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân Việt Nam đã cho thấy: trong đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng đã có biết bao tấm gương những người con ưu tú của Đảng và nhân dân ngời sáng tấm gương đạo đức cách mạng: luôn thống nhất giữa lời nói và việc làm; luôn gương mẫu đi đầu “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”; sống cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; luôn đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc và nhân dân lên trước lợi ích của bản thân mình như Chủ tịch Hồ Chí Minh mong mỏi và căn dặn. Nhưng, cùng với sự thay đổi mọi mặt của đời sống xã hội, hệ lụy của nền kinh tế thị trường cùng tác động của bối cảnh toàn cầu hóa đã khiến một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân. Họ không nghiêm túc thực hiện tự phê bình và phê bình, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, sa vào chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc… Bên cạnh đó, ở một số nơi, việc thực hiện tự phê bình và phê bình chưa thực sự nghiêm túc, ảnh hưởng đến chất lượng tự phê bình và phê bình. Một số cấp ủy, trước hết là đồng chí bí thư, thường trực cấp ủy chưa coi trọng và thiếu kiên quyết trong chỉ đạo thực hiện tự phê bình và phê bình; chưa gương mẫu thực hiện tự phê bình và phê bình, chưa nhìn nhận đúng mức khuyết điểm và trách nhiệm của mình trước những hạn chế, khuyết điểm của tập thể. Trong tự phê bình và phê bình vẫn còn có những “vùng cấm”, “vùng tránh” hoặc lợi dụng đấu tranh phê bình để “hạ bệ”, “thanh trừng” lẫn nhau gây chia rẽ, bè phái, mất đoàn kết nội bộ,v.v.. Để thiết thực làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, hơn bao giờ hết, tự phê bình và phê bình càng phải được chú trọng và phải thực hiện nghiêm túc “từ trên xuống”, từ trong Đảng ra ngoài xã hội. Cùng với việc luôn không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, trau dồi kỹ năng, nghiệp vụ quản lý điều hành, quá trình rèn luyện đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, lối sống trong sáng, giản dị… của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo sẽ là tấm gương sáng cho quần chúng học tập, noi theo. Nhờ đó, thu hút, tập hợp đoàn kết quần chúng, tạo nên sự thống nhất trong ý chí và hành động, để có thể hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Tổ quốc và nhân dân giao phó… Nguyên tắc làm gương, nêu gương, nhất là nêu gương trong tự phê bình và phê bình là sự nhất quán, phải được thể hiện rõ trong từng ý tưởng, quyết sách, việc làm thường ngày của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét