Thứ Tư, 30 tháng 11, 2022

MỘT SỐ BIỆN PHÁP KIỂM SOÁT TIN XẤU, ĐỘC HẠI TRÊN MẠNG XÃ HỘI

 

Những năm qua, để ngăn chặn những nội dung xấu độc tràn lan trên mạng xã hội, các cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm kiểm soát, hạn chế những thông tin xấu, độc hại trên mạng xã hội, và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Cụ thể, ngày 28/5/2021, căn cứ trên tình hình thực tế, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Công văn số 1800/BTTTT-PTTH&TTÐT "Về việc tăng cường công tác quản lý, xử lý thông tin vi phạm trên mạng xã hội" nhấn mạnh sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội những năm gần đây, đặc biệt là hai mạng xã hội Facebook và Youtube với "những tác động cả tiêu cực và tích cực đối với đời sống xã hội", đồng thời khẳng định việc tăng cường công tác quản lý để hạn chế những tác động tiêu cực của mạng xã hội, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm của người sử dụng; yêu cầu Google đóng nhiều kênh Youtube khác của người dùng trong nước có nội dung vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, Công văn chưa đề cập đến mạng xã hội TikTok, một mạng xã hội có cơ chế hoạt động khác biệt so với Youtube và Facebook, đã có từ năm 2016. Ðáng nói hơn, hiện nay chính Facebook và Youtube dường như cũng đã nhanh chóng học hỏi cơ chế hoạt động của TikTok, với sự ra đời của Facebook Stories và Youtube Shorts? Thực tế này đòi hỏi các cơ quan quản lý cần tiếp tục bám sát sự dịch chuyển của xu thế mạng xã hội, để có những biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả.

Nhiều ý kiến cho rằng, với mức xử phạt các hành vi vi phạm trên môi trường mạng xã hội hiện còn quá nhẹ, người vi phạm chủ yếu chỉ bị xử phạt hành chính với mức phạt vài triệu đồng là chưa đủ sức răn đe. So với món lợi "khổng lồ" từ quảng cáo, truyền thông trong một clip viral (phổ biến), thì mức phạt này chỉ là quá nhỏ.

Chính bởi hình phạt chưa thích đáng cho hành vi vi phạm cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng "ngập tràn rác" trên không gian mạng. Mà với TikTok, những rác mạng ấy chính là miếng mồi béo để các TikToker câu like, câu view, tăng tương tác. Do đó các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, rà soát, cân nhắc mức xử phạt các hành vi vi phạm trên môi trường mạng xã hội để đủ sức răn đe, ngăn chặn, đặc biệt, phải có chế tài đặc thù xử phạt đối với những hành vi vi phạm đã bị xử lý nhiều lần.

Về phía TikTok, trước phản ứng của dư luận, nền tảng xã hội này đã cố gắng xây dựng và cập nhật thường xuyên bộ Tiêu chuẩn cộng đồng, để từ đó thực hiện công tác kiểm duyệt nội dung, bảo đảm sức khỏe thể chất và tinh thần cho người sử dụng. Như từ tháng 3/2019, TikTok đã nâng cấp chế độ và dịch vụ dành riêng cho thanh thiếu niên. Người dùng có thể sử dụng ứng dụng để bật chế độ dành cho thanh thiếu niên theo yêu cầu, cho phép họ xem các video đã được sàng lọc để phù hợp với lứa tuổi.

Tuy nhiên, thực tế TikTok đang cho thấy có nhiều lỗ hổng trong cách thức kiểm duyệt nội dung dựa trên "Tiêu chuẩn cộng đồng", cũng như cách vận hành các chế độ dành cho thanh thiếu niên không thật sự bám sát đối tượng. Chính vì vậy, TikTok cần phải siết chặt hơn trong khâu kiểm duyệt với những nội dung độc hại, nỗ lực tìm ra biện pháp cải thiện công nghệ thuật toán của mình để có khả năng phán đoán tốt hơn cho các nội dung kiểm duyệt, góp phần xây dựng một nền tảng mạng xã hội với những video giải trí sạch và chất lượng.

Và trên hết, người dùng TikTok cần phải cẩn trọng, có ý thức tự bảo vệ mình khi sử dụng mạng xã hội, thông qua việc tự tạo một "bộ lọc" phù hợp cho bản thân. Hiện nay, mạng xã hội TikTok đã có cơ chế ngăn chặn và báo cáo các nội dung phản cảm, vô bổ, thậm chí gây hại cho cộng đồng.

Do đó, để bảo vệ mình, người dùng cần sử dụng hiệu quả các tính năng này. Với những người sáng tạo nội dung trên TikTok cần phải lưu ý xây dựng những nội dung tuân thủ theo pháp luật, phù hợp với tiêu chuẩn đạo đức và thuần phong mỹ tục của Việt Nam.

Riêng với đối tượng trẻ em, thanh thiếu niên, gia đình và nhà trường cần phối hợp giáo dục nâng cao nhận thức của các em khi sử dụng mạng xã hội. Ðứng trước "ma trận" những trào lưu trên nền tảng TikTok, nếu không được trang bị những kiến thức cần thiết và các biện pháp sử dụng nền tảng một cách an toàn, đối tượng thanh thiếu niên rất dễ bị đầu độc bởi những nội dung xấu và thậm chí vô tình trở thành nạn nhân của những trào lưu độc hại.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét