Thứ Tư, 30 tháng 11, 2022

CỦNG CỐ, TĂNG CƯỜNG MỐI QUAN HỆ GẮN BÓ MÁU THỊT GIỮA ĐẢNG VỚI NHÂN DÂN

 Thực tiễn lịch sử dân tộc ta, thực tiễn cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới đã chứng minh một chân lý: Có dân là có tất cả; mất dân cũng có nghĩa là mất tất cả.

Sức mạnh của Đảng nằm trong mối liên hệ mật thiết với nhân dân: “Dân là gốc của nước, gốc có vững thì nước mới yên”. Ông cha ta đã để lại những tư tưởng bất hủ, như: “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ, bền gốc, đó là thượng sách giữ nước”; “Lật thuyền mới biết dân như nước”; “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”; Cái gốc của nhạc là ở nơi “thôn cùng xóm vắng không có một tiếng hờn giận oán sầu”... An Dương Vương chủ quan, mất cảnh giác, chỉ dựa vào vũ khí, không biết dựa vào sức mạnh nhân dân để chống giặc ngoại xâm nên kết cục là mất nước.

Chủ nghĩa Mác-Lênin đặt vị trí của nhân dân lên một tầm cao mới, khẳng định nhân dân là người sáng tạo ra lịch sử, tạo ra mọi của cải, vật chất và những giá trị văn hóa, tinh thần. Nhân dân là lực lượng cơ bản của mọi cuộc cách mạng xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra những quan niệm rất độc đáo, sáng tạo về nhân dân; không những khẳng định dân là gốc của nước, của cách mạng mà còn đặt nhân dân ở vị trí tối thượng. Người viết: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”; “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là nhân dân là người chủ, mà Chính phủ là người đày tớ trung thành của nhân dân”; “... Quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Người nhấn mạnh: Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân; nhân dân cần Đảng dẫn đường.

Từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn tỏ rõ là một Đảng cách mạng chân chính, hết lòng phấn đấu vì nhân dân, mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân luôn được củng cố, tăng cường. Sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân, đó chính là nền tảng, nguồn gốc tạo nên sức mạnh vô địch của Đảng. Lênin từng căn dặn rằng: Nguy cơ lớn nhất của một đảng cầm quyền là sai lầm về đường lối và quan liêu, xa rời quần chúng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhấn mạnh: Đảng phải gần dân, trọng dân, tin dân, học dân để lãnh đạo dân. Củng cố, tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân là vấn đề có tính quy luật trong sự hình thành, tồn tại và phát triển của Đảng ta.

Để xây dựng, củng cố, tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân, cần nắm vững và làm tốt những vấn đề cơ bản sau đây:

Một là, giải quyết tốt mối quan hệ giữa chính quyền với nhân dân.

Chính quyền phải gần dân, sát dân, thân dân. Khi đã trở thành đảng cầm quyền, mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân trước hết và chủ yếu ở mối quan hệ giữa chính quyền với nhân dân thông qua pháp luật, chính sách, thông qua hoạt động của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước. “Tất cả cán bộ chính quyền... đều phải phụ trách dân vận” như Bác Hồ đã căn dặn. Cần tránh quan niệm cho rằng, cán bộ chính quyền chỉ làm công tác hành chính, không làm công tác dân vận. Không hiểu công tác dân vận và không thực sự làm dân vận thì chưa thể là cán bộ, công chức, viên chức cách mạng, công bộc của dân. 

Hai là, giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội.

Không giải quyết tốt vấn đề này thì khó có thể xây dựng được mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với dân và xây dựng được khối đại đoàn kết toàn dân tộc một cách vững chắc, lâu dài. Lợi ích là nhân tố nổi lên hàng đầu, là vấn đề mấu chốt trong việc củng cố và tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân. Trong điều kiện Đảng cầm quyền lãnh đạo chính quyền quản lý xã hội thì vấn đề quan trọng nhất là các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước phải đáp ứng lợi ích thiết thân của nhân dân, phù hợp với yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân trong sự hài hòa giữa các lợi ích, thống nhất quyền lợi, nghĩa vụ công dân. 

Chủ trương, chính sách đúng với đường lối của Đảng, hợp với nguyện vọng chính đáng của nhân dân, được tổ chức thực hiện dân chủ, mang lại lợi ích thiết thực, cơ bản cho dân sẽ có ý nghĩa cực kỳ to lớn để củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và dân. Nếu chúng ta không chăm lo đến những lợi ích thiết thực của dân, các thế lực thù địch sẽ tập trung khai thác mặt yếu này để tranh thủ quần chúng, kích động khiếu kiện, biểu tình gây mất ổn định chính trị-xã hội.

Ba là, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng-một vấn đề mấu chốt để củng cố, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với dân.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân là cầu nối rất quan trọng thắt chặt mối quan hệ giữa và Đảng, Nhà nước với nhân dân. Đồng thời, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, nơi thể hiện ý chí, nguyện vọng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tham gia phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, qua đó tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố sự nhất trí về chính trị tinh thần trong xã hội, củng cố và tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với dân. 

Khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội và phải luôn được củng cố, phát triển sâu rộng trên cơ sở liên minh vững chắc giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Chính trong sự đoàn kết đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với dân được củng cố, tăng cường và phát triển. Đảng phải là hạt nhân cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc và phải tiêu biểu cho sự đoàn kết đó.

Bốn là, phát huy vai trò làm chủ và thực hiện tốt quyền làm chủ của nhân dân, giữ vững kỷ cương phép nước.

Đảng cần phải tăng cường lãnh đạo các cơ quan nhà nước, các cấp chính quyền chăm lo phát huy và thực hiện trên thực tế quyền dân chủ của nhân dân theo pháp luật, tăng cường đồng thuận xã hội. Các cấp ủy đảng và chính quyền phải thường xuyên đối thoại, lắng nghe, học hỏi, tiếp thu ý kiến, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của nhân dân; tin dân, tôn trọng những người có ý kiến khác; làm tốt công tác dân vận, có cơ chế, pháp luật để nhân dân bày tỏ chính kiến, nguyện vọng và thực hiện quyền làm chủ của mình. Đồng thời, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh những biểu hiện vi phạm quyền dân chủ của nhân dân, cũng như những biểu hiện lợi dụng dân chủ để vi phạm pháp luật, kích động nhân dân, gây rối trật tự công cộng, làm ảnh hưởng đến sự ổn định chính trị, xã hội và chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chỉ có thực sự phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa mới có đồng thuận xã hội và đoàn kết thực sự, bền vững. 

Trong thời kỳ phát triển mới của đất nước, thực hiện đường lối đổi mới, mở cửa, hội nhập của Đảng, đòi hỏi mỗi người cán bộ, đảng viên của đảng cầm quyền phải luôn nêu cao đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính; phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết, thật sự xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân; phải đi sâu, đi sát thực tế, gần gũi quần chúng, thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Có như vậy, mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với dân mới được củng cố, tăng cường. Khi Đảng đã gắn bó máu thịt với dân, dân tin yêu Đảng thì Đảng sẽ có sức mạnh vô địch để vượt qua mọi thác ghềnh, vững tay chèo lái đưa con thuyền cách mạng Việt Nam thẳng hướng đi lên, cập bến quang vinh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét