Thứ Tư, 30 tháng 11, 2022

TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG, ĐIỀU HÀNH CỦA NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÔNG TÁC ĐỘNG VIÊN QUỐC PHÒNG


Động viên quốc phòng gồm tổng thể các hoạt động, biện pháp xây dựng và huy động mọi nguồn lực của đất nước hoặc một số địa phương cho nhiệm vụ quốc phòng, tạo sức mạnh tổng hợp, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.


Đây là giải pháp cơ bản, xuyên suốt, quan trọng hàng đầu, quyết định đến kết quả xây dựng và huy động nguồn lực động viên, phát huy sức mạnh tổng hợp của đát nước, các tổ chức, cá nhân tham gia công tác động viên quốc phòng.


Để thực hiện giải pháp này, cần đổi mới nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của cấp ủy đảng, hệ thống chính trị, nhất là vai trò của tổ chức đảng trong các bộ, ngành Trung ương, địa phương đối với nhiệm vụ xây dựng và huy động nguồn lực động viên cho quốc phòng; nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền giáo dục nhiệm vụ động viên đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp trong sạch, vững mạnh, đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng; phân công trách nhiệm cho từng cán bộ, đảng viên, cấp ủy viên chịu trách nhiệm theo dõi, chỉ đạo từng nội dung, từng lĩnh vực cụ thể về công tác động viên quốc phòng.


Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong hoàn thiện cơ chế, chính sách động viên quốc phòng; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát thực hiện nhiệm vụ động viên quốc phòng; đồng thời, tăng cường sự quản lý, điều hành của Nhà nước thông qua việc nâng cao chất lượng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về động viên quốc phòng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước thông qua hoạt động quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền các cấp; coi trọng hoàn thiện và thực thi chính sách động viên quốc phòng.


Nâng cao chất lượng giáo dục chấp hành pháp luật động viên quốc phòng cho các đối tượng. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác động viên quốc phòng. Củng cố, tăng cường hệ thống công cụ, phương tiện quản lý nhà nước về động viên quốc phòng, cải cách hành chính, đầu tư thích đáng cho công tác xây dựng, huy động nguồn lực động viên. Chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và công tác phối hợp của các cơ quan Nhà nước trong xây dựng và huy động nguồn lực động viên quốc phòng.


Phát huy sức mạnh tổng hợp của các ban, Bộ, ngành Trung ương, địa phương và hệ thống chính trị, nhằm huy động cao nhất vai trò, trách nhiệm, khả năng của các tổ chức và Nhân dân trong thực hiện công tác động viên quốc phòng. Động viên cho quốc phòng là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị.


Do đó, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của các bộ, ngành Trung ương, địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị trong xây dựng kế hoạch động viên quốc phòng trên cơ sở kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; chủ động tổ chức, chuẩn bị chu đáo, toàn diện công tác động viên quốc phòng ngay từ thời bình, làm cơ sở để huy động kịp thời mọi nguồn lực của đất nước đáp ứng yêu cầu từng trạng thái quốc phòng.


Kết hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành Trung ương, địa phương trong xây dựng và huy động nguồn lực động viên. Trong đó, Bộ Quốc phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đóng vai trò trung tâm, nòng cốt.


Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách là cơ sở pháp lý cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức kinh tế, doanh nghiệp, cá nhân thực hiện nhiệm vụ động viên quốc phòng đúng pháp luật, nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý, điều hành của Nhà nước về xây dựng và huy động các nguồn lực động viên cho quốc phòng. Hiện nay, hệ thống các văn bản pháp luật, cơ chế vận hành, các chính sách bảo đảm cho công tác động viên quốc phòng đã được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và ban hành khá đầy đủ. Tuy nhiên, các yếu tố chi phối đến công tác động viên quốc phòng luôn vận động phát triển không ngừng, những quy định của pháp luật và chính sách đang vận dụng có những quy định không còn phù hợp trong thực tiễn.


Vì vậy, các ban, Bộ, ngành Trung ương, địa phương và các tổ chức có liên quan cần tiếp tục chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách động viên quốc phòng. Trong đó, tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh; đầu tư xây dựng các nguồn lực động viên, cơ chế hoạt động của các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp trong động viên quốc phòng.


Quá trình thực hiện, cần chủ động rà soát, nghiên cứu các văn bản, chính sách hiện hành; tổ chức đánh giá cụ thể mức độ phù hợp của từng văn bản, chính sách và những hạn chế, bất cập, không còn phù hợp với quy định pháp luật so với hoạt động thực tiễn đặt ra cho công tác động viên quốc phòng. Cơ quan chuyên môn phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan, nghiên cứu, đề xuất, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách, bảo đảm phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ động viên quốc phòng trong tình hình mới.


Theo: Pháp luật và xã hội

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét