Nói về đoàn kết và hòa giải dân tộc, trong thư gửi đồng bào Nam Bộ năm 1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh có đoạn:
"Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi. Năm ngón tay cũng có ngón ngắn, ngón dài. Nhưng ngắn dài đều họp lại nơi bàn tay. Trong mấy chục triệu người, cũng có người thế này, thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều là dòng dõi tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ. Ta phải nhận rằng, đã là con Lạc, cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối, lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hoá họ. Có như thế mới thành đại đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc chắc sẽ vẻ vang."
Trước và sau ngày 30/4/1975, một số lượng lớn người Việt thuộc chế độ cũ đã vội vàng di tản khỏi Việt Nam sang nước ngoài tị nạn sau khi Sài Gòn thất thủ. Những người "chối bỏ" quê hương đất nước ra đi bởi phần lớn họ tin vào lời tuyên truyền, lo sợ rằng sẽ có "một cuộc tắm máu từ Cộng sản" và 1 phần cũng vì đất nước sau ngày thống nhất còn gặp nhiều khó khăn.
Từ sau 1975 chính phủ CHXHCNVN đã xem vấn đề hòa giải dân tộc là chủ trương cần thiết và cấp bách để phát triển đất nước. Và đó không chỉ là nguyện vọng của các lãnh đạo cấp cao nhà nước Việt Nam mà cũng là mong muốn của một số cựu tướng lãnh chính quyền cũ VNCH.
Bà Nguyễn Thị Bình nguyên Phó Chủ tịch nước từng nói: "Cùng một dân tộc hà cớ gì không thể hoà hợp? Với Mỹ, chúng ta sẵn sàng "gác" quá khứ, để hợp tác, nhìn về tương lai, thì không lý do gì, người cùng một dân tộc, cùng một tổ quốc, mà không thể hòa hợp, đoàn kết với nhau để xây dựng tương lai cho đất nước mình."
Trong cuộc trả lời phỏng vấn Tuần báo Việt Nam năm 2010, nhân dịp 30/4, ông Nguyễn Cao Kỳ cựu Phó tổng thống VNCH cho biết: "Thử hỏi có người dân Việt Nam yêu nước nào muốn chia rẽ đất nước không? Có ai muốn rằng người Việt giữ mãi hận thù với nhau không? Hòa hợp dân tộc sẽ tập hợp được sức mạnh. Cứ đặt lợi ích dân tộc lên trên thì chúng ta tự khắc biết phải ứng xử thế nào cho hợp lẽ".
Vậy nhưng thực tế những nỗ lực mong muốn hòa hợp, hòa giải dân tộc của các nhà lãnh đạo vẫn còn xa vời lắm, bởi lẽ cách biệt không những chỉ là việc "kì thị" cộng sản "phân biệt" cộng hòa", "ngủ quên trên vòng nguyệt quế" của những người chiến thắng mà còn cả "lòng hận thù", sự "cay cú" của những người bại trận còn quá lớn.
Nhiều người trong chúng ta đã vô tình quên đi mình cũng đều là con Lạc, cháu Hồng cùng mang trong người dòng máu đỏ da vàng. Theo cố thủ tướng Võ Văn Kiệt (báo Quốc tế, 31/03/2005): "Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là một vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm nó thêm rỉ máu."
Giờ đây đất nước đã hoàn toàn thống nhất, cuộc chiến tranh mà "nước lạ" mang đến Việt Nam đã kết thúc, hơn 47 năm đã trôi qua. Nhưng cuộc "khẩu chiến bàn phím" của chính những người Việt với nhau vẫn còn kéo dài dai dẵng chưa có hồi kết. Vết thương chiến tranh vẫn chưa lành và có lẽ đó là trở ngại lớn nhất để hòa hợp, hòa giải dân tộc.
Chiến tranh thật quá tàn nhẫn, nó cướp đi quá nhiều thứ của dân tộc Việt. Kể cả lòng vị tha và độ lượng.
_________
Ảnh: Ông Nguyễn Cao Kỳ (thứ 2 từ trái sang) trong một lần về thăm Việt Nam được nguyên Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt đón tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét