Thứ Ba, 29 tháng 11, 2022
Cần xây dựng hệ giá trị văn hóa Việt Nam theo Nghị quyết số 33-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa XI đã xác định
Hiện nay, trong bối cảnh đất nước ta đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, sự thay đổi nhanh chóng của các điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội đang có những tác động lớn lao tới hệ giá trị con người Việt Nam. Bên cạnh những giá trị tốt đẹp tiếp tục được củng cố và phát huy, thì cũng có không ít biểu hiện “lệch chuẩn”, hành vi “phản giá trị”, ứng xử vô văn hóa xuất hiện ngày càng nhiều trong cuộc sống.
Vấn đề xây dựng hệ giá trị văn hóa Việt Nam hiện nay đang đặt ra vô cùng cấp thiết. Chính vì thế, Nghị quyết số 33-NQ/TW của Đảng đã đặt ra mục tiêu: “Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam”. Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã xác định những đặc trưng cơ bản của văn hóa Việt Nam là: Dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.
Trong đó giá trị dân tộc được phản ánh qua cả nội dung và hình thức của nền văn hóa, thể hiện sự phong phú, độc đáo, sức sống của văn hóa dân tộc. Giá trị dân tộc mang đậm bản sắc văn hóa, thể hiện truyền thống văn hiến của dân tộc, được nuôi dưỡng từ mạch nguồn dân tộc. Đó cũng là nền văn hóa độc lập, tự chủ, không bị nô dịch, bị lấn át trước văn hóa ngoại lai, nhưng đồng thời có khả năng tiếp thu, “dân tộc hóa”, “Việt hóa” những ảnh hưởng tốt đẹp của văn hóa bên ngoài, làm giàu và nâng tầm văn hóa dân tộc ngang tầm thế giới và thời đại. Giá trị dân chủ là một giá trị tiến bộ của thời đại, đề cao các quyền tự do cá nhân, tự do ngôn luận, tự do sáng tạo văn hóa, mọi công dân đều bình đẳng và được tôn trọng. Người dân vừa là chủ thể vừa là khách thể của văn hóa, vừa là người sáng tạo vừa là người hưởng thụ các giá trị văn hóa. Giá trị nhân văn đề cao tình nghĩa, nhân ái, yêu thương con người, tôn trọng nhân phẩm, đặc trưng cho văn hóa Việt Nam vốn trọng tình cảm, thương yêu con người, đề cao tình nghĩa. Giá trị khoa học là hướng các hoạt động xây dựng con người có thế giới quan khoa học, nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức cho con người đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế tri thức và xã hội học tập.
Để xây dựng thành công hệ giá trị văn hóa Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong giai đoạn mới đòi hỏi phải xác định được đúng đắn, xác đáng hệ giá trị mới, trên cơ sở khoa học và thực tiễn khách quan, tránh chủ quan, duy ý chí, hô hào suông. Điều đó đòi hỏi một cách tiếp cận hệ thống, tổng thể, đa chiều, vừa có được sự đồng thuận cao trong giới nghiên cứu khoa học và các nhà lãnh đạo, vừa được đông đảo các tầng lớp nhân dân ủng hộ và thực hiện.
Hoàn thiện thể chế, chính sách. Do văn hóa là lĩnh vực rộng lớn và có quan hệ mật thiết với tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội nên việc hoàn thiện thể chế, chính sách chính là cách chúng ta đưa hệ giá trị văn hóa thấm sâu vào toàn bộ xã hội. Bên cạnh đó cần phải tiến hành đồng thời với đổi mới phương thức lãnh đạo văn hóa, đổi mới tư duy quản lý văn hóa dựa trên tư tưởng về quyền văn hóa và tinh thần xây dựng hệ thống hành chính công hiện đại; từng bước xây dựng cơ chế phân cấp, phân quyền mới theo nguyên tắc các cơ quan nhà nước tập trung vào phát triển hệ thống thể chế, đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng chủ chốt, phát triển nguồn nhân lực cao, tổ chức một số hoạt động và sự kiện văn hóa nghệ thuật quốc gia.
Đẩy mạnh dân chủ hóa xã hội đồng thời giữ nghiêm kỷ cương, phép nước. Giữ gìn và phát huy hệ giá trị văn hóa cần dựa trên thực hành dân chủ hóa đời sống xã hội nhưng dựa trên tinh thần thượng tôn pháp luật, theo đó người dân được thực hiện những điều pháp luật không cấm, đồng thời tôn trọng quyền của người khác và tôn trọng cộng đồng. Pháp luật là văn hóa tối thiểu, văn hóa là pháp luật tối đa. Tôn trọng các biểu đạt đa dạng của văn hóa, tránh máy móc trong việc áp dụng các mô hình phát triển văn hóa là một nguyên tắc quan trọng để giữ gìn và phát huy hệ giá trị.
Nêu cao vai trò tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và đội ngũ văn nghệ sĩ. Giữ gìn và phát huy hệ giá trị văn hóa cần dựa trên sự thực hành các giá trị đó. Trong bối cảnh xã hội rất phức tạp, khiến con người rất dễ phân tâm trong việc xác định định hướng giá trị của mình thì việc làm gương là một giải pháp quan trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: Đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Do tầng lớp lãnh đạo, quản lý xã hội và đội ngũ văn nghệ sĩ là những người được nhân dân quan tâm, chú ý nên việc làm gương của họ có ý nghĩa rất lớn trong việc định hình và thực hành giá trị văn hóa.
Tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về giá trị và hệ giá trị. Nhận thức đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng hành vi của con người, trong đó có giữ gìn và phát huy hệ giá trị văn hóa. Khi chúng ta hiểu rõ ý nghĩa, vai trò của hệ giá trị văn hóa trong việc phát triển con người, đất nước, chúng ta sẽ có những hành động phù hợp để giữ gìn và xây dựng những giá trị này. Để làm được điều đó, chúng ta nhất thiết phải tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về giá trị văn hóa.
Việc tuyên truyền phải được thực hiện một cách sinh động, có nội dung phong phú, hình thức đa dạng trên nhiều phương tiện và môi trường khác nhau, đặc biệt chú ý đến môi trường internet, mạng xã hội. Việc tuyên truyền phải coi trọng nguyên tắc lấy cái tốt, đẹp dẹp cái xấu, ác để tạo môi trường lành mạnh cho sự phát triển hành vi của con người.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét