Thứ Ba, 1 tháng 11, 2022
GIỮ GÌN VÀ PHÁT TRIỂN “SỨC MẠNH MỀM” VĂN HÓA TRONG THỜI KỲ MỚI
Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng và đóng góp to lớn cho sự phát triển chung của nhân loại. Có những quốc gia, nền văn hóa đã và đang đóng góp cho sự phát triển bền vững của thế giới, nhưng cũng có quốc gia vì ít coi trọng văn hóa, nên hình ảnh quốc gia dân tộc dần “hao mòn”, thậm chí có nguy cơ “hòa tan”.
Mỗi dân tộc có truyền thống và hình thức sinh hoạt văn hóa riêng. Ở Việt Nam, khi đất nước ngày càng phát triển, nhu cầu văn hóa càng không thể thiếu trong đời sống xã hội, văn hóa luôn luôn gắn liền với sự phát triển lịch sử dân tộc. Qua hằng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, nhân dân Việt Nam đã và đang vượt qua bao nhiêu khó khăn, gian khổ, thách thức lớn, thậm chí hi sinh hàng triệu người để giành được độc lập, phát triển như hiện nay. Đóng góp cho thành công đó, một mặt là do Đảng, Nhà nước ta quan tâm đến văn hóa yêu nước. Bằng chứng đậm nét nhất là khơi dậy truyền thống yêu nước nồng nàn của dân tộc Việt Nam trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước qua hàng nghìn năm Bắc thuộc và gần 100 năm chế độ thực dân đô hộ, nhân dân Việt Nam không bị “đồng hóa” mà được cha ông ta gìn giữ cho đến ngày nay.
Tuy nhiên, đáng quan tâm hiện nay trên Internet, mạng xã hội không khó để tìm kiếm một tờ báo, bài viết đăng tải thông tin, hình ảnh, việc làm thiếu văn hóa, đi ngược lại với thuần phong, mỹ tục Việt Nam, nhưng lại được một bộ phận người dân tin tưởng, “thần tượng”, “thần thánh hóa”, trong đó đề cao lối sống thực dụng, hưởng thụ, sùng bái chủ nghĩa cá nhân, mê tín, dị đoan, vi phạm pháp luật. Cá biệt, có trang, hội, nhóm Facebook, Zalo, TikTok…vì nhiều mục đích khác nhau nhưng chủ yếu là thương mại, muốn nổi tiếng hoặc chống phá Đảng, Nhà nước đã đăng tải, chia sẻ, “Livestream” thông tin thiếu kiểm chứng để “giật gân”,“câu like”, xúc phạm danh dự, nhân phẩm tổ chức, cá nhân, tác động tiêu cực đến suy nghĩ, tâm lý, tư tưởng, tình cảm của dư luận, nhất là giới trẻ và người thiếu hiểu biết, về lâu dài làm lung lay nền tảng giá trị đạo đức, văn hóa xã hội và không đại diện cho một xã hội.
Vấn đề này, Đảng ta rất quan tâm, trong mục tiêu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế hiện nay, Đảng ta mong muốn xây dựng một thế giới hòa bình, hợp tác, tôn trọng, đoàn kết cùng nhau phát triển ngày càng tốt đẹp. Trong đó, văn hóa là phương tiện, là nguồn cảm hứng thúc đẩy thực hiện mục tiêu đó.
Dù theo nghĩa rộng, hay nghĩa hẹp, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có nêu: “khi nói đến văn hóa là nói đến những gì tinh hoa, tinh túy nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ”.
Đại hội XIII của Đảng ta lần đầu tiên xác định “sức mạnh mềm” văn hóa: Việt Nam là nước có nền văn hóa, văn hiến lâu đời, có bề dày truyền thống hàng nghìn năm. Hiện nay, “cả nước có tới 166 bảo tàng, trong đó 4 bảo tàng quốc gia với hơn 3 triệu hiện vật; 3.486 tổng di tích được xếp hạng quốc gia, trong đó có 1.626 di tích lịch sử; 105 di tích quốc gia đặc biệt; 288 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 27 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới”.
Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, dù trong chiến tranh hay hòa bình, văn hóa luôn là nguồn cổ vũ, khích lệ, huy động tinh thần cho nhân dân. Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Bác Hồ có căn dặn: “Văn hóa nghệ thuật là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy” để giáo dục, động viên tinh thần quân và dân ta, nhất là người làm công tác văn hóa, nghệ thuật phải luôn luôn nêu cao tinh thần yêu nước, dũng cảm trong chiến đấu, xây dựng đất nước.
Có quốc gia xây dựng quảng bá hình ảnh đất nước họ qua thước phim, sức cuốn hút người xem màn ảnh, truy cập, tìm kiếm video trên không gian mạng không chỉ là kịch bản với nội dung phong phú, diễn viên xinh đẹp mà do họ biết kết hợp hài hòa giữa truyền thống văn hóa với hiện đại, đi sâu vào khai thác tâm lý, tình cảm con người với con người, đó chính là ví dụ điển hình “sức mạnh mềm” của nền văn hóa, nhằm xây dựng hình ảnh, uy tín quốc gia.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, bên cạnh việc phát huy sức mạnh tổng hợp quốc gia (về chính trị, kinh tế, tài nguyên thiên nhiên, con người, nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, an ninh, quốc phòng, đối ngoại) thì nguồn lực văn hóa đang được các quốc gia coi là “sức mạnh mềm” để thúc đẩy, phát triển nhanh, bền vững và nâng cao vị thế, vai trò của đất nước trên trường quốc tế.
Có thể khẳng định văn hóa là giá trị vật chất và tinh thần, “sức mạnh mềm” của văn hóa là cội rễ của sức mạnh nội sinh, là nguồn lực và động lực to lớn của đất nước. Quan tâm phát triển toàn diện, đồng bộ lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa đương đại phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh, tiến bộ để tiếp tục lan tỏa văn hóa Việt Nam ra quốc tế.
Văn hóa là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực được “đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. Giao lưu, hợp tác xuyên quốc gia vẫn là xu thế chung trong tình hình quốc tế có nhiều cơ hội, thách thức mới hiện nay để duy trì hòa bình, ổn định, phát triển ở mỗi quốc gia. Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, định hướng, gìn giữ, phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc trong cương lĩnh chính trị xây dựng đất nước. Đó là sự khẳng định vai trò, ý nghĩa to lớn của nền văn hóa đối với sự phát triển của đất nước. Bảo vệ và phát triển văn hóa là trách nhiệm của công dân, không phân biệt thành phần, địa vị xã hội, trong và ngoài nước.
Từ những việc làm nhỏ nhất, là người Việt Nam chúng ta cần chung tay bảo vệ, kế thừa và phát triển văn hóa gắn với đổi mới, sáng tạo, quyết tâm cao và tránh xa thói quen, tật xấu thiếu trách nhiệm, vô văn hóa, lối sống thực dụng “giang hồ”, hưởng thụ, sùng bái chủ nghĩa cá nhân, mê tín, dị đoan…để xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, giàu mạnh và văn minh
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét