KỲ TÍCH PK - KQ VIỆT NAM - 10 PHÚT HỦY DIỆT "PHÁO ĐÀI BAY" MỸ !
Kíp chiến đấu với kỳ tích “10 phút diệt hai chiếc B-52” năm 1972. (Từ trái sang: Nguyễn Đình Kiên, Nguyễn Xuân Đài, Ngô Ngọc Lịch, Mè Văn Thi, Nguyễn Văn Phiệt). Ảnh tư liệu.
QĐND - Trong Bảo tàng Phòng không-Không quân (PK-KQ) còn lưu giữ tấm ảnh 5 thành viên thuộc kíp chiến đấu của Trung đoàn 261 (Sư đoàn 361, Quân chủng PK-KQ). Hai người trong tấm ảnh ấy sau này đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, đó là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Tên lửa Phòng không 57 Nguyễn Văn Phiệt và sĩ quan điều khiển Nguyễn Đình Kiên. Chúng tôi tìm gặp Đại tá, Anh hùng Nguyễn Đình Kiên và nghe ông kể về các nhân vật trong bức ảnh-những đồng đội từng cùng ông lập nên kỳ tích “10 phút diệt hai chiếc B-52” của Tiểu đoàn 57.
Năm 1966, Nguyễn Đình Kiên rời quê hương Nghi Liên, Nghi Lộc, Nghệ An ra Hà Nội theo học Trường Đại học Nông nghiệp. Giữa tháng 12-1966, nhà trường có đợt tuyển nghĩa vụ quân sự, anh trúng tuyển nhưng được miễn nhập ngũ vì là con trai duy nhất trong một gia đình liệt sĩ. Nhưng chỉ sau một đêm suy nghĩ, anh đã đến gặp đồng chí thuộc đơn vị tuyển quân để nộp đơn tình nguyện nhập ngũ. Cùng nhập ngũ năm đó, toàn trường có 200 sinh viên.
Về tuyển quân tại nhà trường năm ấy là các đơn vị phòng không. Cũng giống như số đông sinh viên ngày đó, chàng sinh viên Nguyễn Đình Kiên lúc mới về đơn vị cũng gặp nhiều khó khăn, do nhiều người nghĩ rằng họ chỉ là những “công tử bột”. Nhưng qua một thời gian ngắn huấn luyện, anh và đồng đội đã chứng minh mình là những người lính thực thụ. “Cơ duyên” để trở thành sĩ quan điều khiển đã đến với Nguyễn Đình Kiên, sau 6 tháng về đơn vị, anh được chọn đi học. Theo kế hoạch, các học viên sẽ về Trường Sĩ quan Phòng không, nhưng do chưa kịp mở lớp nên đơn vị đã xin cấp trên tự đào tạo.
Đại tá Nguyễn Đình Kiên kể: “Lớp học ngày ấy là một nhà dân, có khi là một nhà bạt dã chiến. Bàn ghế không có, chúng tôi phải ngồi trên ghế đẩu rồi kê sách lên đầu gối để viết. Những chiếc giường cá nhân ban ngày được dựng lên làm bảng, đêm lại ngả xuống lấy chỗ nằm. Mỗi người chỉ được cấp hai thếp giấy xỉn màu để ghi những nội dung cần thiết. Việc thực hành trên xe điều khiển là hiếm hoi, bởi không có khí tài riêng cho công tác huấn luyện, các bộ khí tài đều dùng để triển khai sẵn sàng chiến đấu ngoài trận địa”. Sau khóa học, Nguyễn Đình Kiên đã có những trận thử lửa cùng đồng đội, tham gia chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ và nhất là tham gia cuộc chiến 12 ngày đêm bảo vệ Hà Nội trong Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”.
Ông nhớ mãi lần đầu chứng kiến đồng đội mình đổ máu, đó là buổi trưa 4-9-1972, khi trận địa của tiểu đoàn bị trúng tên lửa không đối đất của địch, làm gần chục người có mặt trên xe điều khiển bị thương, riêng Nguyễn Văn Nhận bị thương nặng và hy sinh. Sau lễ an táng liệt sĩ Nhận tại Nghĩa trang liệt sĩ Đông Anh được vài ngày thì Nhàn-vợ Nhận, đang công tác ở Lạng Sơn đã ghé qua trận địa của đơn vị để thăm chồng, trước khi về quê ở Hải Dương sinh con. Anh em đơn vị không còn cách nào khác đành phải nói dối: “Nhận đang đi công tác”. Trong bữa cơm mời vợ đồng đội, mọi người ngồi trong mâm đều lặng lẽ nuốt nước mắt vào trong. Ngay chiều hôm đó, đơn vị cử một đồng đội cùng quê Hải Dương đưa chị về quê.
Sau sự cố thương vong ấy, đơn vị đã bổ sung Ngô Ngọc Lịch từ kíp 2 lên kíp 1. Lịch đã tiếp thu kinh nghiệm của lớp đàn anh một cách nhanh chóng để lập nên kíp chiến đấu Kiên-Lịch-Thi-Đài của Tiểu đoàn 57, do Nguyễn Văn Phiệt là Tiểu đoàn trưởng.
Ở vị trí sĩ quan điều khiển, Nguyễn Đình Kiên nhận thấy, bất kể lúc nào, 3 trắc thủ với mình luôn phải là một. Điểm thuận lợi của kíp chiến đấu là 3 trắc thủ đều rất trẻ. Trong số đó, Hạ sĩ, Trắc thủ góc tà Ngô Ngọc Lịch mới tròn 20 tuổi. Trắc thủ cự ly Mè Văn Thi là một người ít nói nhưng cẩn thận, tỉ mỉ. Đức tính khiêm nhường của anh làm mọi người trong kíp quý mến. Trong số 3 trắc thủ thì Nguyễn Xuân Đài- Trắc thủ phương vị-là người có kinh nghiệm chiến đấu dày dạn. Từng nhập ngũ cùng năm và chiến đấu nhiều trận với Nguyễn Đình Kiên nên Nguyễn Xuân Đài rất am hiểu tính tình và cách đánh của người sĩ quan điều khiển.
Vào dịp kỷ niệm 40 năm Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, các thành viên kíp chiến đấu của Tiểu đoàn 57, những đồng đội từng trực tiếp “hạ gục” B-52 trên bầu trời Thủ đô đã có dịp gặp lại nhau tại Sở chỉ huy Sư đoàn 361. Sau bốn mươi năm, họ đã cùng nhau làm rõ thời gian, địa điểm, cùng diễn biến của những trận điều khiển “rồng lửa” hạ gục B-52. Qua ký ức, từng trận đánh, từng gương mặt đồng đội và những mẩu chuyện xúc động đã hiện lên. Trong 12 ngày đêm chiến đấu với B-52 cuối tháng 12-1972, các thành viên kíp chiến đấu đã lập nên kỳ tích trong trận đánh diễn ra vào rạng sáng 21-12 ở trận địa Đại Đồng (Thuận Thành, Bắc Ninh). Đó là một trận đánh khó quên, tạo nên một kỷ lục mới của Bộ đội Tên lửa, bởi trong 10 phút, kíp chiến đấu đã tiêu diệt hai chiếc B-52 và Tiểu đoàn 57 trở thành tiểu đoàn tên lửa duy nhất có hai cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, đó là Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Phiệt và Sĩ quan điều khiển Nguyễn Đình Kiên.
Năm 2010, Tiểu đoàn 57 lại vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân vì những thành tích đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
ST
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét