Thứ Ba, 1 tháng 11, 2022
Nhận diện thủ đoạn lợi dụng chiêu bài nhân quyền chống phá Việt Nam của các thế lực thù địch
Trong thế giới hiện đại, nhân quyền trở thành giá trị chung của nhân loại, là một trong những vấn đề mang tính toàn cầu… Nhân quyền là một lĩnh vực rộng, liên quan trực tiếp đến đời sống của con người, là tổng hợp của các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội được ghi nhận, bảo vệ trong pháp luật quốc gia và các thỏa thuận quốc tế. Trong đó, những quyền cơ bản, thiết yếu nhất là quyền được sống, quyền được bình đẳng, quyền được phát triển, quyền được học tập, lao động…
Tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy thực hiện nhân quyền là trách nhiệm của tất cả các quốc gia, không phân biệt chế độ chính trị, kinh tế hay sự khác biệt về văn hóa, dân tộc, phạm vi lãnh thổ quốc gia. Tại Việt Nam, từ khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến nay, cả hệ thống chính trị Việt Nam đã luôn nỗ lực để bảo đảm quyền con người ở mức cao nhất có thể. Dù là một giá trị phổ biến, mang tính toàn cầu nhưng quan niệm quyền con người của phương Tây về lợi ích cá nhân và quan niệm của phương Đông về lợi ích của quốc gia, dân tộc là những quan niệm rất khác nhau và do vậy, không thể áp đặt cho nhau.
Tuy nhiên, trong âm mưu thực hiện “Diễn biến hòa bình” đối với Việt Nam, các thế lực thù địch luôn coi “chiêu bài” nhân quyền là một trong những nội dung chiến lược được triệt để lợi dụng nhằm gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tác động chuyển hóa nội bộ, gây sức ép về chính trị, kinh tế, ngoại giao nhằm thực hiện mục tiêu “chuyển hóa dân chủ”; tiến tới thúc đẩy hình thành lực lượng chính trị đối lập với Đảng Cộng sản, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Chúng tự cho mình quyền “can thiệp nhân đạo” và quảng bá quan niệm “quyền con người không có biên giới”, “nhân quyền cao hơn chủ quyền” để phủ nhận quyền của các dân tộc, nhất là quyền tự lựa chọn con đường phát triển của dân tộc.
Thời gian gần đây, các thế lực thù địch đã triển khai nhiều hoạt động lợi dụng nhân quyền để chống phá nước ta và đặc biệt đẩy mạnh các chiến dịch phá hoại tư tưởng khi nước ta diễn ra những sự kiện chính trị quan trọng như: Đại hội Đảng toàn quốc, bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp… hoặc thời điểm đoàn Việt Nam tham gia các hội nghị của Liên hợp quốc nhằm hạ thấp uy tín trên trường quốc tế. Trong đó, chúng tập trung vào một số phương thức, thủ đoạn cơ bản sau:
Một là, ra sức xuyên tạc tình hình nhân quyền ở Việt Nam nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, phủ nhận thành tựu lý luận và thực tiễn về nhân quyền. Lợi dụng những hạn chế, yếu kém trong quản lý xã hội, sơ hở, thiếu sót của ta trong quản lý đất nước hoặc khai thác các vấn đề nhạy cảm, phức tạp diễn ra trong nước được xã hội quan tâm để xuyên tạc vu cáo Đảng, Nhà nước “vi phạm quyền con người, bóp nghẹt, đàn áp các quyền tự do cơ bản của người dân…”. Một số nội dung xuyên tạc mà thế lực thù địch hướng đến trong thời gian gần đây như: (1) Lợi dụng sự khó khăn khách quan, một số phong tục, tập quán lạc hậu của đồng bào dân tộc để vu cáo Đảng và Nhà nước Việt Nam tước đoạt quyền làm người; đồng nhất quyền của quốc gia, dân tộc với quyền của các dân tộc thiểu số; (2) Xuyên tạc Việt Nam vi phạm nhân quyền trên lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; (3) Đưa ra các luận điệu sai trái về việc thực hiện quyền trẻ em, phụ nữ và người khuyết tật ở Việt Nam…
Thông qua các nền tảng số và truyền thông xã hội, các thế lực thù địch sử dụng những tin, bài, hình ảnh của báo chí chính thống trong nước để thêm bớt, đánh tráo khái niệm đưa ra những nội dung “thật giả lẫn lộn” và thông tin sai lệch về các sự kiện. Sau đó triệt để lợi dụng thế mạnh của hàng ngàn trang web, blog, mạng xã hội, hàng trăm tạp chí, báo, nhà xuất bản, hơn 60 đài phát thanh có chương trình tiếng Việt (VOA tiếng Việt, RFA, RFI, BBC Việt ngữ,…) để phát tán rộng rãi. Chúng lập ngụy tạo bài viết dưới những tiêu đề, nội dung giật gân được dư luận quan tâm nhằm lôi kéo tâm lý hiếu kỳ của công chúng. Những cái “bẫy thông tin” nêu trên của các thế lực thù địch ít nhiều đã dẫn dụ và lừa dối được một bộ phận người dân, làm cho cộng đồng quốc tế có nhận thức không đúng, không tốt về Việt Nam.
Hai là, lợi dụng nhân quyền làm điều kiện trong quan hệ ngoại giao với Việt Nam, gây sức ép nhằm can thiệp vào công việc nội bộ nước ta. Chúng triệt để lợi dụng tính phổ biến của vấn đề dân chủ, nhân quyền để tuyệt đối hóa, tùy tiện áp đặt các “chuẩn mực nhân quyền theo tiêu chí phương Tây” trong hợp tác, viện trợ kinh tế, văn hóa… với Việt Nam, từ đó tác động cải cách thể chế chính trị, pháp lý theo chuẩn mực tư sản phương Tây. Thông qua các diễn đàn công khai, đối thoại với các cơ quan chức năng của Việt Nam yêu cầu Nhà nước ta phải đưa ra các lộ trình để đạt được những “tiến bộ cụ thể về nhân quyền, tôn giáo”. Lợi dụng các tổ chức phi chính phủ nước ngoài triển khai dự án hỗ trợ cải cách tư pháp, hướng lái mở rộng các quyền tự do cơ bản của công dân theo tiêu chí của họ, tạo hành lang hoạt động cho số chống đối chính trị, các tổ chức “xã hội dân sự” trong nước…
Ba là, dùng chiêu bài nhân quyền để thúc đẩy, hình thành hội, nhóm, tổ chức chính trị đối lập với Nhà nước. Chúng ra sức tuyên tuyền về vai trò của các tổ chức dân sự trong xã hội, qua đó thúc đẩy sự hình thành các tổ chức chính trị, hội nhóm bất hợp pháp dưới danh nghĩa “bảo vệ dân chủ, nhân quyền” như: “Hội nhà báo độc lập”, “Hội bầu bí tương thân”, “Hội anh em dân chủ”… Để cổ súy, khích lệ số đối tượng trong nước hoạt động quyết liệt hơn; chúng còn tuyên truyền, vận động số người có biểu hiện cơ hội, bất mãn đưa ra những tuyên bố, yêu sách “dân chủ, nhân quyền”, “bảo vệ chủ quyền”; vận động các tổ chức quốc tế trao “giải thưởng nhân quyền” cho các đối tượng chính trị hay đối tượng vi phạm pháp luật ở nước ta…
Bốn là, tác động Quốc hội Mỹ và các nước phương Tây, các tổ chức quốc tế thông qua văn bản xuyên tạc tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Các thế lực thù địch nhân cơ hội từ Quốc hội Mỹ, EU và các nước phương Tây thông qua các dự luật, nghị quyết, báo cáo thường niên… với nội dung xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, đàn áp tôn giáo nhằm làm cho cộng đồng quốc tế hiểu không đúng tình hình trong nước, điển hình như: Báo cáo Tự do tôn giáo quốc tế của Bộ Ngoại giao Mỹ; Báo cáo tình hình nhân quyền thế giới hằng năm của Anh, Úc; Nghị quyết của Nghị viện châu Âu và các báo cáo thường niên của các tổ chức quốc tế như: Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW), Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI); Ngôi nhà Tự do (FH), Ủy ban bảo vệ nhà báo (CPJ)… Ngoài ra, các thế lực bên ngoài còn tác động các chính khách cực đoan trong Quốc hội Anh, Mỹ, Đức, Canada… tổ chức các buổi điều trần, hội thảo nhằm xuyên tạc, thổi phồng các sự kiện thực tế trong nước để rêu rao Việt Nam vi phạm nhân quyền, đàn áp tôn giáo, dân tộc.
Trước bối cảnh tình hình thế giới và trong nước vẫn đang có những diễn biến phức tạp, “Nhân quyền” cùng với các chiêu trò “Dân chủ“, “Dân tộc“, “Tôn ցiáo“, sẽ tiếp tục trở thành 4 đòn đột phá, 4 mũi xunց kích gây chuyển hóa từ bên trong và tạo cớ để can thiệp từ bên ngoài nhằm phá hoại cách mạng Việt Nam. Nhằm đập tan âm mưu, thủ đoạn của chúng, giữ vững ổn định chính trị đất nước đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương và cả hệ thống chính trị cần tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Công tác phòng, chống hoạt động lợi dụng nhân quyền xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội nước ta luôn phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện, tuyệt đối của Đảng; sự quản lý, điều hành của Chính phủ nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị làm thất bại âm mưu, hoạt động lợi dụng dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo chống phá Việt Nam từ cấp cơ sở. Nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò công tác bảo vệ và đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn hoạt động lợi dụng nhân quyền chống phá ta.
Tiếp tục tham mưu cho Đảng, Nhà nước xây dựng và hoàn thiện các chính sách, văn bản pháp luật nhằm đảm bảo ngày càng tốt hơn về quyền con người đi đôi với việc kiện toàn các cơ quan bảo vệ pháp luật. Xây dựng và củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở đảm bảo thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo ở địa phương. Tăng cường công tác quản lý báo chí, xuất bản; kiểm soát chặt chẽ an ninh thông tin, quản lý Internet, tích cực đấu tranh ngăn chặn việc tán phát tài liệu, tin tức xuyên tạc, thù địch về nhân quyền ở nước ta.
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chính sách, thành tựu đảm bảo quyền con người ở Việt Nam. Kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền đối nội và đối ngoại; tận dụng thế mạnh của các kênh ngoại giao, đối thoại, hợp tác làm cho cộng đồng quốc tế, kiều bào ta ở nước ngoài hiểu đúng quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong đảm bảo quyền con người. Các cơ quan báo chí, truyền thông thực hiện có hiệu quả Quyết định số 16/QĐ-TTg, ngày 02/3/2018, của Thủ tướng Chính phủ, về “Đề án nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về quyền con người ở Việt Nam”; tăng cường sử dụng các kênh truyền thông chính thống và mạng xã hội để tiếp cận đông đảo quần chúng nhân dân, vừa tuyên truyền, vừa bóc trần những xuyên tạc vô căn cứ trên lĩnh vực nhân quyền của các thế lực thù địch.
Thường xuyên nắm chắc tình hình, dự báo sớm âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề “nhân quyền” để chống phá của các thế lực thù địch; chủ động có biện pháp đấu tranh phù hợp. Quá trình triển khai các hoạt động đấu tranh phải có trọng tâm, trọng điểm, trực diện vào vấn đề phức tạp; đồng thời, cần tính toán, cân nhắc thời điểm phù hợp, đảm bảo yêu cầu chính trị, pháp luật, đối ngoại theo hướng kiên định về nguyên tắc nhưng linh hoạt về phương pháp trong xử lý các vấn đề nhạy cảm về nhân quyền.
Đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, xoá đói, giảm nghèo, kết hợp với thực hiện công bằng xã hội, không ngừng nâng cao trình độ dân trí, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh bảo đảm ổn định chính trị, trật tự xã hội. Coi trọng phát hiện những cán bộ, đảng viên, chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong các dân tộc thiểu số tiêu biểu để vận động, tranh thủ góp phần định hướng dư luận, đưa thông tin đúng đến nhân dân, không để xảy ra những tình huống bị động gây mất ổn định ở cơ sở. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các cam kết quốc tế và các khuyến nghị về nhân quyền mà Việt Nam đã chấp thuận. Tăng cường hợp tác quốc tế trên lĩnh vực nhân quyền với các quốc gia, tổ chức quốc tế quan tâm vấn đề này ở nước ta./.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét