Thứ Ba, 29 tháng 11, 2022

Tiếp tục giữ gìn, củng cố và phát triển hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay

Tại Hà Nội, chiều 29-11 Ban Tuyên Giáo Trung ương chủ trì phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Viện Hàn Lâm Khoa học Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” tiếp tục với phiên làm việc thứ hai chủ đề “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị Việt Nam trong thời kỳ mới”. Đến dự và chỉ đạo tại điểm cầu Hà Nội có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng ban chỉ đạo hội thảo; Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó trưởng ban chỉ đạo. Tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế có các đồng chí: PGS, TS Lê Hải Bình, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, thành viên Ban chỉ đạo hội thảo; Lê Trường Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế; Phan Ngọc Thọ, Phó bí thư Thường trực tỉnh Thừa Thiên Huế. Tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh có các đồng chí: Phan Xuân Thủy, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, thành viên đoàn chủ tọa; Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh. GS, TS Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương thay mặt đoàn chủ tọa điều hành phiên thảo luận. Các các nhà khoa học, các đồng chí lãnh đạo và quản lý đã đưa ra những vấn đề về: Hệ giá trị văn hóa là một phương diện quan trọng; Tiếp tục giữ gìn, củng cố và phát triển hệ giá trị quốc gia. Về Hệ giá trị văn hóa là một phương diện quan trọng. Bởi hệ giá trị văn hóa là vấn đề không mới nhưng chưa bao giờ cũ mà luôn được đề cập tới trong các văn bản, nghị quyết, trong các diễn đàn thảo luận về các vấn đề văn hóa- xã hội, trong các công trình nghiên cứu văn hóa và trên truyền thông. Hệ giá trị văn hóa là một phương diện quan trọng của một nền văn hóa và thể hiện rõ nhất bản sắc văn hóa. Hệ giá trị văn hóa đã và đang được thực hành đa dạng, sống động trong đời sống xã hội, việc gọi tên, đúc kết và xây dựng hệ giá trị văn hóa là vô cùng quan trọng, giúp cho chúng ta có những nhìn nhận bao quát hơn, đầy đủ hơn và phát huy được hiệu quả hơn chức năng định hướng, đánh giá, điều chỉnh của hệ giá trị văn hóa. Hơn nữa, việc xây dựng hệ giá trị văn hóa còn thể hiện mong muốn, khát vọng của chúng ta về những hệ giá trị tốt đẹp sẽ được thực hành phổ biến tạo nên sự phát triển phồn vinh và bền vững cho xã hội. Hệ giá trị văn hóa không tồn tại chung chung, mà rất cụ thể trong những không gian nhất định như gia đình, nhà trường và xã hội. Trong xã hội học, đây là các môi trường xã hội hóa quan trọng nhất để hình thành nên nhân cách của con người. Nếu trong gia đình, việc giáo dục, thực hành giá trị văn hóa là qua các bài học làm gương, thì trường học lại là những bài học mô phạm, sinh hoạt có tổ chức, còn xã hội thì thông qua luật pháp, các sự kiện và tuyên truyền khác. Phát huy vai trò của các thiết chế này sẽ tạo điều kiện để các giá trị văn hóa được thực hành, từ đó định hình vững chắc trong đời sống xã hội. Điều quan trọng nữa là phải có sự đồng bộ giữa các thiết chế để những điều được truyền đạt, thực hành trong thiết chế này không bị mâu thuẫn trong các thiết chế khác. Việc xây dựng hệ giá trị văn hóa Việt Nam thời kỳ mới có thành công hay không rất cần sự vào cuộc quyết liệt của tầng lớp lãnh đạo, sự đóng góp trí tuệ, tâm huyết của đội ngũ trí thức, sự tham gia của các gia đình, nhà trường và sự đồng thuận, hưởng ứng của toàn xã hội. Mỗi quốc gia, dân tộc trên con đường xây dựng và phát triển luôn luôn xây dựng cho mình một hệ thống giá trị nhất định hay còn gọi là hệ giá trị quốc gia. Hệ giá trị quốc gia vừa như là đích đến, vừa như là tiêu chuẩn để đánh giá ý nghĩa của các sự vật, hiện tượng đối với cá nhân, cộng đồng xã hội, quốc gia, được các cá nhân, cộng đồng xã hội, quốc gia thừa nhận, trở thành điểm tựa tinh thần để mọi cá nhân, cộng đồng xã hội và cả quốc gia vươn theo, hướng tới và hành động theo. Về tiếp tục giữ gìn, củng cố và phát triển hệ giá trị quốc gia. Việc thực hiện một số giá trị trong hệ giá trị quốc gia này không phải là mới, chúng ta đã tiến hành trong cả quá trình lâu dài xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiệm vụ ngày nay của chúng ta là tiếp tục giữ gìn, củng cố và phát triển hệ giá trị ấy đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh mới. Công cuộc này rất cần tới sự đóng góp trí tuệ, tâm huyết, sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị cũng như mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội. Hệ giá trị quốc gia là nền tảng để phát triển xã hội, hệ giá trị này để soi chiếu lại các hành vi về đạo đức, văn hóa ứng xử. Qua đó để khắc phục những điểm hạn chế và tăng cường điểm mạnh để xã hội phát triển bền vững. Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: Qua một ngày làm việc nghiêm túc, khoa học, dân chủ, hội thảo đã thành công tốt đẹp. Trong cuộc hội thảo hôm nay, các nhà khoa học, các đồng chí lãnh đạo và quản lý trao đổi một cách hết sức cởi mở, dân chủ, thẳng thắn về những vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến nhiệm vụ xây dựng, triển khai thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay. Đặc biệt là chúng ta đã thấy nhiều cấp ủy, chính quyền, Mặt trận ở các địa phương, bộ, ngành đã chủ động, sáng tạo tổ chức thực hiện các giá trị theo tinh thần định hướng của Tổng Bí thư phù hợp với hoàn cảnh cụ thể, góp phần truyền cảm hứng và hành động vì một đất nước Việt Nam phồn vinh và hạnh phúc. Công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, quan tâm đến xây dựng phẩm chất nhân cách con người đã được chú trọng từ trong gia đình, nhà trường và xã hội. Chất lượng xây dựng gia đình Việt Nam theo định hướng giá trị ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh đã từng bước được cải thiện. Các hoạt động xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc đã có những chuyển biến tích cực từ nhiệm vụ bảo tồn và phát huy di sản văn hóa tới sáng tạo các giá trị văn hóa mới theo các định hướng: Dân tộc, dân chủ, nhân văn và khoa học, thống nhất trong đa dạng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét