Trên cương vị một vị tướng cầm quân, một Tổng tư lệnh quân đội, hay một Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, phải góp phần quyết định những vấn đề lớn của chiến tranh, tiếng đàn có lẽ đã tạo nên cho đồng chí Võ Nguyên Giáp những giây phút thư thái, bình lặng trong những ngày căng thẳng, bề bộn của bao việc nước, việc quân.
Vào một buổi tối mùa thu năm ấy, Bác Hồ sang thăm gia đình đồng chí Võ Nguyên Giáp. Giữa câu chuyện, Bác chợt quay sang chị Bích Hà ( vợ của đồng chí Võ Nguyên Giáp), cũng đang ngồi đó. Bác hỏi:
– Có phải không cô Hà, nghe nói chú Văn chịu khó tập đàn? Sao không đánh thử Bác nghe?
Thể tất, đồng chí Võ Nguyên Giáp không thể từ chối. Anh ngồi vào trước cây đàn piano vẫn được kê ngay ở phòng khách.
Cũng cây đàn này, ở phòng khách này, trong những năm tháng căng thẳng nhất của cuộc chiến tranh leo thang của không lực Hoa Kỳ ra miền Bắc và còn điều quan trọng nữa, sau này mới được biết, đó là trong những ngày phải quyết định những vấn đề nghiêm trọng nhất của cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, cũng cây đàn này, ở phòng khách này vẫn vang lên âm thanh của tiếng đàn piano, khi ung dung hoặc có khi rộn rã, thúc giục.
Hôm nay, lần đầu tiên được cất tiếng cho Bác Hồ nghe, một dịp hiếm quý biết bao, đàn ơi, đàn sẽ lấy giọng nào, lên cung bậc nào cho xứng đáng đây?
Sau lời Bác hỏi, anh Văn đã ngồi ngay ngắn trước hàng phím đàn đen trắng. Nhưng chưa đánh ngay, có lẽ anh đang nghĩ xem đánh bài gì bây giờ. Rồi, tiếng đàn vang lên một bài quen thuộc – “Chiến thắng Điện Biên”.
Bác lắng nghe, niềm xúc động ngời lên khóe mắt. Còn người biểu diễn thì hoàn toàn không chờ đợi tiếng vỗ tay, anh Văn đánh tiếp để Bác nghe bản “Sônát” của Bétthôven.
Bác nghe chăm chú, rồi chợt hỏi:
– Chú có chơi các bài dân ca của ta không?
Cây đàn liền vang lên bài “Trống cơm” rồi bài “Trảy hội đêm rằm” mà Anh Văn vẫn ưa thích và hay chơi.
Bác Hồ tỏ ra thích thú rõ rệt. Đã dứt tiếng đàn, Bác mỉm cười, gật gù:
– Chú đánh hay đấy… nhưng mà… – Anh Văn đã rời cây đàn, đứng nhìn Bác, chờ đợi – Nhưng mà, chú đã đánh được bài “Kết đoàn” chưa?
Thật là bất ngờ, vị Tướng như bị đột kích, tuy nhiên anh tươi cười thưa với Bác:
– Dạ, chưa.
Bác Hồ còn tươi cười hơn, rồi Bác cười thật sự mà rằng:
– Đánh giặc, chú đã đánh cả trận to lẫn trận nhỏ. Đánh đàn, chú phải đánh cả bài khó lẫn bài dễ mới là giỏi. Bài “Kết đoàn” ai cũng hát, chưa đánh được bài “Kết đoàn” thì chưa giỏi, hà hà…
Cái bài ca ngắn ngủi, bé nhỏ kia, từ trong cuộc kháng chiến chống Pháp ở mọi nơi, dường như ai cũng biết hát thật. Chính Bác Hồ đã từng có lần bắt nhịp cho chúng ta cùng hát bài “Kết đoàn” ấy. Nhưng có ngờ đâu Bác lại yêu cầu đánh bài ấy trên phím đàn piano? Vì một lẽ đơn giản là chưa có ai viết bài ca bé nhỏ ấy cho đàn piano.
Vậy là, trong buổi tối mùa thu này, đồng chí Võ Nguyên Giáp đành chịu lỗi với Bác. Có lẽ, đây là lần đầu anh chịu lỗi như thế.
Nhưng, ngay ngày hôm sau, không biết có phải vị tướng coi ý của Bác như một mệnh lệnh quân sự, anh nói với người vẫn thường hướng dẫn cho mình tập đàn hãy soạn bài ca “Kết đoàn” thành bài cho pianô. Và khi có bài “Kết đoàn” cho piano rồi, anh đã tập một cách hào hứng và nghiêm chỉnh.
Chả bao lâu, bài “Kết đoàn” đã được vị tướng đánh một cách trơn tru. Điều ấy có khó gì đâu. Vì anh đã từng đánh được những bài khó của bộ sách đàn cổ điển.
Chỉ có điều, cho đến mãi mãi về sau này, trên phím đàn piano, anh Văn không bao giờ có dịp được đánh bài ca “Kết đoàn” cho Bác Hồ nghe nữa.
Bác đã đi xa…
ST
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét