Thứ Bảy, 29 tháng 4, 2023

TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN VĂN LINH VÀ SỨC SỐNG “ NHỮNG VIỆC CẦN LÀM NGAY”


Dù thời gian đã lùi xa, song soi vào thực tiễn hôm nay, rất nhiều vấn đề Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh chỉ ra trong thời kỳ đầu của đổi mới vẫn còn nguyên giá trị.
Ngày 27/4 năm nay, tròn 25 năm ngày mất của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (27/4/1998-27/4/2023). Ông là Tổng Bí thư của Đảng trong nhiệm kỳ đầu tiên của thời kỳ đổi mới (nhiệm kỳ 1986-1991). Cùng với việc lãnh đạo thực hiện những đột phá trên lĩnh vực kinh tế - tài chính, thực hiện phương châm của Đại hội VI, dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã khởi xướng chuyên mục "Những việc cần làm ngay" trên báo Nhân dân - cơ quan ngôn luận của Đảng.
Ngày 25/5/1987, báo Nhân Dân đăng trên trang nhất bài viết với hàng tít đậm: "Những việc cần làm ngay". Tác giả ký tên N.V.L. Bài viết không dài, chưa tới 400 chữ, song đã đi thẳng vào vấn đề nóng bỏng khi đó là việc tốc độ tăng giá không những không giảm mà còn tăng. Bài báo chỉ rõ “nhiều nguyên nhân bất chính”của hiện tượng này và yêu cầu: “Trật tự của giá cả cần phải được tôn trọng. Các bộ, các ngành, các địa phương, các cơ quan có thẩm quyền cần tích cực lãnh đạo tốt việc này. Các cơ quan tuyên truyền (báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình,.v.v.) phải phản ánh và lên án, phải chỉ đích danh những cá nhân, những cơ quan, những tổ chức... làm các việc trái với chủ trương của Nghị quyết Trung ương 2 như đã nói trên.
Ngay lập tức, bài báo đã thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng. Từ bài báo đầu tiên ngày 25/5/1987 đến ngày 28/9/1990, đã có 31 bài báo được đăng trong chuyên mục "Những việc cần làm ngay", bút danh N.V.L, được bạn đọc ưa thích, chờ đón.
Bằng lối viết ngắn gọn, súc tích, lập luận vững chắc, dựa trên cơ sở khoa học, sâu sát thực tiễn với tinh thần dân chủ, công khai, nói thẳng, nói thật, nói đúng sự thật, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã lên án mạnh mẽ những hiện tượng tiêu cực cùng với tệ quan liêu, mệnh lệnh, tham ô, tham nhũng, hách dịch, cửa quyền, buôn lậu, lẵng phí, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một số cán bộ lãnh đạo và đảng viên biến chất. Những hạn chế, khuyết điểm của các tổ chức, đảng viên biến chất. Các tổ chức đảng và các cấp chính quyền như bệnh giáo điều, sơ cứng, bảo thủ, công tác quản lý nhà nước lỏng lẻo, chưa sâu sát, chưa phát huy được vai trò, định hướng của nền kinh tế- xã hội…
Dù thời gian đã lùi xa, song, soi vào thực tiễn hôm nay, rất nhiều vấn đề mà Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh chỉ ra trong thời kỳ đầu của đổi mới vẫn còn nguyên giá trị, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang đẩy mạnh công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng, quyết liệt chống tham ô, tham nhũng- tiêu cực, các hiện tượng tha hóa về phẩm chất của đội ngũ cán bộ
Đại hội VI của Đảng đã chỉ rõ: Những năm gần đây, phẩm chất của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên bị giảm sút. Một số không ít đảng viên thoái hóa, biến chất. Những biểu hiện tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên là không coi trọng danh hiệu đảng viên, không chịu tu dưỡng nên lý tưởng cách mạng bị phai nhạt; tư tưởng “chạy theo đồng tiền”, tham ô, hối lộ, ăn cắp của công thành của riêng... Một số cán bộ lợi dụng chức vụ quyền hạn tạo cho mình những đặc quyền đặc lợi, ức hiếp quần chúng. Một số không ít cán bộ lãnh đạo các cấp mắc bệnh thiếu trung thực, nịnh trên nạt dưới, độc đoán, gia trưởng, quan liêu xa rời thực tế, lề lối làm việc hình thức, phô trương, lãng phí cũng khá phổ biến.
Những bài báo phê phán hành vi quan liêu, vô trách nhiệm, lãng phí, hách dịch, tham nhũng, ức hiếp quần chúng của một số cán bộ có chức, có quyền, được thể hiện trong bài viết như Nạn ngăn sông cấm chợ (ngày 11/6/1987), Nạn buôn lậu hàng hóa (ngày 19/11/1987), Nhập khẩu tràn lan hàng tiêu dùng xa xỉ làm tăng phí ngoại tệ (ngày 20/9/1989)…
Về công tác xây dựng Đảng, khi bàn về một trong những vấn đề quan trọng bậc nhất có tính chất sống còn của Đảng, tác giả N.V.L đã nêu cao tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu, quyết tâm đổi mới, quyết đấu tranh chống hư hỏng, tiêu cực, cản trở công cuộc đổi mới, góp phần “xây dựng đội ngũ cán bộ thực sự trong sạch, có năng lực, có trình độ và kinh nghiệm thực tế.
Trong bài báo đăng ngày 9/6/1987, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã kêu gọi lãnh đạo các cấp cần nêu gương tốt, giữ mình trong sạch, không quan liêu, không bè phái để có đủ uy tín và sự nghiêm minh trong công việc, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng.
Đặc biệt, bài viết ngày 1/10/1987, tác giả N.V.L. đã nhắc đến 2 văn kiện chỉ thị cho các ban, ngành, đoàn thể, địa phương “cần làm ngay” đó là: Nghị quyết của Bộ Chính trị “Về cuộc vận động làm trong sạch và nâng cao sức chiến đấu của tổ chức đảng và bộ máy nhà nước, làm lành mạnh các quan hệ xã hội” và Chỉ thị của Ban Bí thư “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng nhằm sử dụng tốt hơn báo chí trong công cuộc chống tiêu cực”…
Viết "Những việc cần làm ngay", tác giả N.V.L thể hiện quyết tâm của Đảng và mong muốn quần chúng cùng với Đảng đấu tranh đẩy lùi tiêu cực. Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, đây là dịp để phát huy quyền dân chủ, quyền công dân của quần chúng để từ đó các cấp Đảng và chính quyền đem các vụ việc đó ra xử lý về mặt Nhà nước, về mặt hành chính cũng như về mặt Đảng.
PGS, TS Trần Minh Trưởng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: Những bài báo của tác giả N.V.L. đã gây nên hiệu ứng tích cực trong xã hội, “làm cho lòng dân phấn chấn” và nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng mạnh mẽ của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân; đã tạo ra sự chuyển biến rõ rệt trên nhiều phương diện, nhất là phát triển kinh tế và ổn định đời sống nhân dân, góp phần định hướng trong đấu tranh chống tiêu cực, làm trong sạch bộ máy các cơ quan Đảng, Nhà nước.
Những bài báo với bút danh N.V. L đã khơi dậy và dẫn dắt phong trào đấu tranh chống tiêu cực, quan liêu, lãng phí trên cả nước, trong đó báo chí là lực lượng tham gia rất tích cực. Cuộc đấu tranh này thể hiện quyết tâm của Đảng chấn chỉnh lề lối công tác, đẩy lùi tiêu cực, không cho phép bất cứ cá nhân nào, tập thể nào “có quyền đứng ngoài vòng pháp luật và kỷ cương của chúng ta”.
"Những việc cần làm ngay" và phong trào hưởng ứng "Những việc cần làm ngay" rộng rãi trong nhân dân được các phương tiện truyền thông đại chúng phản ánh kịp thời sau đó chính là những nhát búa mạnh mẽ đập vào “sự im lặng đáng sợ” của những người có chức có quyền, của những cơ quan có trách nhiệm về các vụ việc tiêu cực, tạo nên bầu không khí công khai, cởi mở, dân chủ trong xã hội. Đây là nhân tố môi trường xã hội quan trọng để công khai hóa, dân chủ hóa đời sống xã hội, để chống tiêu cực thắng lợi, để Đổi mới thành công, đưa đất nước thoát dần khỏi khủng hoảng và từng bước làm chuyển biến tình hình.
Sau này, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh kể lại: “Ngay sau Đại hội VI, tôi chủ trương khởi ra một số vụ việc tiêu cực, viết “Những việc cần làm ngay”. Báo chí hưởng ứng đã có tác dụng tốt, tạo khí thế trong nhân dân để đẩy mạnh phê bình, tự phê bình, chống bọn tham nhũng, ăn cắp, ức hiếp nhân dân. Phải tiếp tục phanh phui các vụ, việc và xử lý thật nghiêm”.
Về bút danh N.V.L, đồng chí Nguyễn Văn Linh giải thích, đó là “Nói và Làm”. Có thể thấy, đây cũng chính là cốt cách của người lãnh đạo Đảng ta: Lời nói đi đôi với việc làm, không được nói mà không làm, nói nhiều làm ít, đánh trống bỏ dùi hoặc nói một đằng làm một nẻo.
st
Có thể là hình ảnh về 4 người

1 nhận xét: