Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2023

Thắp sáng những bản làng nơi biên cương


 Suốt 12 năm qua, anh Hồ Hoàng Liêm (33 tuổi, trú tại quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) cùng cộng sự vẫn luôn miệt mài “cõng” điện mặt trời và “rạp chiếu phim” đến với bà con dân tộc thiểu số và học sinh vùng cao. Những ngọn núi cao chót vót, những hiểm nguy rình rập dưới vực sâu không ngăn được bước chân của chàng trai thành phố biển, bởi phía trước là đôi mắt trẻ thơ đang đợi chờ…

Với Hồ Hoàng Liêm, mỗi lần đưa máy chiếu đến với một điểm trường đều để lại những cảm xúc vô cùng khó tả và rồi sau đó lại càng nỗ lực hơn nữa để có thêm niềm vui đến với trẻ em nhiều nơi. Năm trước, anh và những cộng sự đã tới điểm trường Lũng Chư (xã Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) nằm lọt thỏm giữa những ngọn núi đá hiểm trở. Cuộc sống của cô trò cùng bà con nơi đây đối mặt với bộn bề khó khăn.

Để tạo hứng thú cho các em đến trường, các cô giáo dùng điện thoại của mình để mở cho các em xem một vài đoạn phim hoạt hình đã được tải sẵn trong những lần về xuôi thăm nhà. Khi anh Liêm đến, mang theo chiếc màn chiếu 200 inch, chiếu lên đó những thước phim hoạt hình ngay góc sân trường. Lũ trẻ sau giây phút ồ lên vì ngạc nhiên và sung sướng lại ngồi im phăng phắc, như sợ chỉ cần lơ là trò chuyện một chút là chiếc màn hình kia biến mất. Hôm Liêm về xuôi, lũ trẻ ở Lũng Chư ra tận đầu bản tiễn anh, ánh mắt đầy nuối tiếc.

Thương những đứa trẻ, thương thầy cô giáo điểm trường vùng cao, ngay khi trở về từ Hà Giang, không cần nghỉ ngơi, Liêm lại cùng mọi người “cõng” máy chiếu, pin năng lượng mặt trời đến điểm trường Tắc Pổk (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam). Những lời tâm sự của cô giáo Trà Thị Thu - giáo viên “cắm bản” ở Tắc Pổk nói khiến anh nhớ mãi. Cô Thu bảo rằng, đường đến trường khó khăn, thời tiết khắc nghiệt, đời sống kinh tế của đa phần phụ huynh đều rất nghèo, nên các em thiếu thốn đủ thứ. Giáo viên phải tìm các hoạt động để giữ chân học sinh, đồng thời, động viên phụ huynh để học trò đến lớp. Mỗi ngày, nhất là đầu tuần, cô cùng đồng nghiệp phải đi bộ một vòng trong bản để nhắc nhở học trò đến lớp. Nay có màn chiếu, cô trò được giải trí vào cuối tuần. Thêm vào đó, từ máy chiếu này, giáo viên có thể tìm tòi các bài giảng sinh động hơn để giúp các em hứng thú trong việc học. Liêm và đồng sự làm bằng cái tâm, mong muốn chia sẻ một phần với vất vả, khó khăn của cô trò vùng cao nhưng không nghĩ lại có ý nghĩa lớn đến vậy.

Cứ thế, anh Liêm đã “cõng” tới 5 “rạp chiếu phim” lên núi và “rạp” thứ 6 đang sẵn sàng. Anh nói, mình muốn những ước mơ trong những đứa trẻ nghèo khó ấy đi xa hơn những ngọn núi, trước hết phải cho các em thấy phía bên kia điệp trùng núi non là gì. Đó là lý do trong những thước phim mang đến vùng cao, anh luôn lồng những video chiếu hình ảnh về nhà cao tầng, các điểm đến du lịch, những cây cầu xinh đẹp, các ngôi trường đại học quy mô… ở thành phố.

Cùng với tặng màn hình máy chiếu phim, lắp đặt pin năng lượng mặt trời, suốt 12 năm qua, anh Liêm cùng cộng sự thực hiện rất nhiều chuyến thiện nguyện tặng hàng chục ngàn áo ấm cho học trò vùng cao, hỗ trợ kết nối phẫu thuật sứt môi, hở hàm ếch cho trẻ nhỏ, hỗ trợ đồng bào lũ lụt, tặng cây, con giống cho người nghèo…

“Tôi muốn cho các em thấy phía bên kia một ngọn núi không phải là một ngọn núi khác, mà là những thành phố hiện đại. Muốn đến được nơi đó thì cần phải đến trường, phải nỗ lực học tập. Như vậy, rạp chiếu phim không chỉ đơn thuần là giải trí, mà còn giúp các em học tập” - anh Liêm chia sẻ.

Nghe lời tâm sự của anh Liêm, chúng tôi hiểu rằng, trong sâu thẳm tâm hồn chàng trai này lúc nào cũng tâm niệm sẽ nỗ lực hết sức mình để bù đắp cho các em nhỏ nghèo khó nơi vùng cao, biên giới.

1 nhận xét: