Đứng trên cầu Hiền Lương lịch sử, phóng tầm mắt về các xã vùng hạ du thuộc các huyện Vĩnh Linh và Gio Linh; nơi đâu cũng bạt ngàn màu xanh của sự sống, sự đổi thay của những làng quê một thời là “túi bom, rốn đạn”. Những làng quê hạ huyện, đang là vùng nuôi tôm trù phú. Đêm đêm, dưới ánh đèn điện, nước tung bọt trắng xóa từ những máy sục khí quay đều ở hồ nuôi tôm.

Nắng tháng Tư trải dài khiến cho những cánh đồng lúa chín vàng liền thửa, liền bờ thêm mênh mông; hồ tiêu trĩu hạt, cao su xanh tốt khiến cho những cựu chiến binh năm xưa không còn nhận ra nơi đây từng là vùng “đất chết”.

 Cầu Hiền Lương những ngày tháng Tư lịch sử.
 Cầu Hiền Lương những ngày tháng Tư lịch sử.
Du khách và nhân dân tham quan Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải. 
Du khách và nhân dân tham quan Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải. 

Một điều đáng mừng là, đôi bờ Hiền Lương nay đang thay da đổi thịt trong cuộc sống mới công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Các cụm công nghiệp - làng nghề đã thu hút và giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. Phía biển, Cửa Tùng luôn tấp nập tàu thuyền ra khơi mang về đầy tôm, cá.

Càng đi sâu vào các xã dọc sông Bến Hải, mới thấy hết được sự khởi sắc của bộ mặt nông thôn so với những năm trước. Từ miền núi xuôi xuống đồng bằng, vùng biển, đâu đâu cũng thấy những ngôi nhà mái ngói khang trang, sạch đẹp. Các tuyến đường liên thôn, liên xã được nâng cấp, thoáng đãng đã mở ra cơ hội phát triển ngành nghề rất lớn cho người dân quanh vùng.

Bà con huyện Vĩnh Linh ươm cây giống. 
Bà con huyện Vĩnh Linh ươm cây giống. 

Hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh như kênh mương tưới tiêu, hồ chứa nước được xây dựng khá hoàn chỉnh. Tỷ lệ người dân được tiếp cận các phương tiện nghe, nhìn ngày càng cao; hệ thống truyền thanh phủ kín các xã. Điểm nhấn rõ nét, là những mô hình kinh tế ngày càng đem lại hiệu quả, góp phần thay đổi bộ mặt cuộc sống người dân.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Linh, ông Thái Văn Thành cho biết: "Dọc bờ Bắc sông Bến Hải gồm Vĩnh Giang, Vĩnh Thành, Vĩnh Sơn… đang là những xã nông thôn mới trù phú với nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả như nuôi tôm công nghệ cao, trồng lúa hữu cơ, lúa chất lượng cao… Theo đó, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt, bộ mặt nông thôn nhiều khởi sắc".

Ngư dân huyện Gio Linh sau chuyến đi biển trở về.
Ngư dân huyện Gio Linh sau chuyến đi biển trở về.

Không chỉ ở Vĩnh Linh, đi đến các miền quê ở “đất lửa” Quảng Trị, đến đâu cũng nghe bà con bàn chuyện làm giàu. Từ cung đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, sang Quốc lộ 9 nối Đông Hà với Cửa khẩu Lao Bảo; hay từ đầu đất Vĩnh Linh, trên cung đường 1A, đến cuối đất Hải Lăng đã thấy màu tươi mới của cuộc sống mới hối hả, nhộn nhịp. Các cụm công nghiệp Quán Ngang, Nam Đông Hà… ngày càng thu hút nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư. Diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC ngày càng nhiều, sản phẩm hồ tiêu, cà phê, gạo hữu cơ… đã có mặt trên bản đồ nông nghiệp thế giới.

Trao đổi với lãnh đạo các huyện Gio Linh, Vĩnh Linh chúng tôi được biết, có rất nhiều bài học kinh nghiệm quý được rút ra từ thực tiễn xây dựng và phát triển. Nhưng điều mà các địa phương xem là cốt lõi nhất, đó là Đảng bộ và nhân dân luôn phát huy truyền thống anh hùng trong chiến đấu, lao động dựng xây quê hương giàu mạnh. Truyền thống ấy chính là nội lực quý giá, to lớn giúp Vĩnh Linh và Gio Linh vượt qua những khó khăn, thử thách trong mỗi giai đoạn lịch sử để có được thành tựu đáng tự hào như hôm nay để tiếp diễn cho ngày mai.

Trên vùng cát trắng của miền “đất lửa” Vĩnh Linh, Quảng Trị hôm nay là những ao nuôi tôm của bà con. 

Trên vùng cát trắng của miền “đất lửa” Vĩnh Linh, Quảng Trị hôm nay là những ao nuôi tôm của bà con. 

Rời dòng Hiền Lương, trong tôi trào dâng một nỗi niềm da diết “Bên ven bờ Hiền Lương chiều nay ra đứng trông về, mắt đượm tình quê…”. Để rồi, truyền thống cùng thời cơ, vận hội và những cơ chế chính sách hỗ trợ của tỉnh, vùng Gio Linh, Vĩnh Linh sẽ làm nên những kỳ tích mới, vùng “đất lửa” sẽ nở hoa.

Bài, ảnh: NGỌC THĂNG

nguồn báo QĐND