Với hơn 2.300 con sông dài hơn 10km, Việt Nam có thể được gọi là đất nước của những dòng sông. Tôi đã đến nhiều con sông trên khắp dặm dài đất nước, sông vơi sông đầy, khi trong khi đục, đò dọc đò ngang, ngày nắng ngày mưa. Mỗi con sông đều cho tôi dạt dào những cảm xúc vừa hân hoan gặp gỡ vừa lắng đọng suy tư.
Trong tất cả mảnh đất tôi đã qua, những dòng sông tôi có duyên tương ngộ, có lẽ những cầu những sông trong lòng vùng đất lửa Quảng Trị cho tôi nhiều ám ảnh. Có những cuộc gặp gỡ với sông mà rất nhiều ngày sau, tôi còn nghĩ về nó, tìm kiếm về nó để tri nhận, để được sống những ngày tháng cũ của một thời đoạn, của những kiếp người.
Năm 27 tuổi, lần đầu tiên tôi đặt chân lên cây cầu Hiền Lương, cây cầu huyền thoại, hào hùng và bi tráng, đấy cũng là lần đầu tôi đến với Quảng Trị. Cả buổi chiều mùa xuân hôm ấy, tôi đã đi bách bộ qua gần 200m cầu. Cây cầu này, như nhiều người nói có bao xa đâu mà biết bao gia đình người dân Quảng Trị và cả dân tộc ta ròng rã 20 năm có lẻ mới có thể nối nhịp, sum vầy. Từ phía bờ Bắc, qua phía bờ Nam, trong cái se lạnh của những hạt mưa bụi, tôi được một ông lão ngoại bát tuần kể về những ngày đau thương, chia cắt của đôi bờ Hiền Lương, về “cuộc đấu cờ”, “cuộc đua màu sắc” và “cuộc chiến âm thanh”. Ông kể “cuộc đấu cờ” là cuộc chiến quyết liệt, ròng rã hơn chục năm trời. Bên phía bờ Bắc của ta dựng cờ thì phía bờ Nam tập đoàn Mỹ-ngụy cũng dựng cờ, độ cao của cột cờ, kích thước của lá cờ ngày càng được nâng lên. Cho đến năm 1962, cột cờ bên ta đã cao hơn 38m, lá cờ 134m2 với trọng lượng lên đến 15kg. Đối với cây cầu giới tuyến, phía Mỹ-ngụy chủ trương biến hình ảnh cầu Hiền Lương thành biểu tượng chia cắt nên đã cho sơn nửa cầu phía Nam khác màu với nửa cầu phía Bắc. Để đáp trả, truyền đi thông điệp về khát vọng thống nhất đôi bờ, thu vẹn non sông, ngay lập tức phía bờ Bắc lại sơn màu tương ứng. Cứ như vậy, cây cầu luôn được giữ một màu soi bóng xuống dòng Bến Hải. “Cuộc chiến âm thanh” cũng là cuộc chiến dai dẳng, ngoan cường với ý chí không gì ngăn được lòng người, không gì nhấn chìm được chân lý, chính nghĩa. Bên ta dùng loa công suất lớn phát đi những bản tin thời sự, chương trình ca nhạc, dân ca... thì bên bờ Nam cũng đặt loa công suất không kém với những bài tâm lý chiến lải nhải thâu đêm suốt sáng. Bờ Bắc ta lại sử dụng những cụm loa với công suất lớn hơn. Đến năm 1965, Mỹ tiến hành chiến tranh không quân và hải quân phá hoại miền Bắc lần thứ nhất thì các cụm loa của cả hai phía mới ngừng hoạt động.
Sông Hiếu chảy qua thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: QUANG MINH |
Tôi đã đứng thật lâu dưới chân tượng đài “Khát vọng thống nhất”. Bà mẹ và em nhỏ kia với đôi mắt đau đáu hướng về phía bờ Bắc đã cho tôi thật nhiều cảm xúc. Không hiểu sao ngắm hai bức tượng tôi thấy có nét hao hao người bác và người anh họ của mình. Phải chăng ngóng trông nào, chia cắt nào cũng mang gương mặt vời vợi buồn thương? Bác là vợ liệt sĩ, anh là con liệt sĩ. Bác rể tôi, người chiến sĩ giải phóng quân ngoài hai mươi tuổi ấy đã nằm xuống giữa núi rừng miền Đông Nam Bộ khi chưa kịp nhìn thấy mặt con mình. Bao tháng ngày ngóng trông chồng, bao năm chờ chồng trở về dù chỉ còn là một tấm áo, hai bài hát nằm lòng bác ru con rồi ru cháu là “Mẹ yêu con” và “Câu hò bên bờ Hiền Lương”. Tôi đã nghe rất nhiều ca sĩ nổi tiếng hát hai ca khúc này, nhưng không ai cho tôi nỗi rưng rưng như lời bác. Đấy là những thanh âm chan chứa yêu thương, ngóng trông, da diết. Mẹ tôi từng bảo bác hát bằng nước mắt và máu trong tim mình... Chầm chậm đi xuống với dòng Bến Hải, tôi vục nước lên đôi tay mình. Nước sông trong, nồng và lạnh, thấu vào tâm can.
Cuối năm 2015, tôi trở lại Quảng Trị lần thứ hai. Mấy ngày đó, mưa trắng đất trắng trời. Một buổi sáng ngớt mưa, tôi và Tuyến, quê Thanh Hóa, người bạn cùng tiểu đội thời đại học từ Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị chở nhau ra dòng Thạch Hãn. Nước từ Trường Sơn-phía thượng nguồn-đổ về ngầu đỏ, cuồn cuộn, sôi réo như tấu lên khúc ca bi tráng. Màu đỏ từ sơn lâm, từ điền thổ hay từ những trầm tích máu xương của bao con dân đất Việt đã đổ xuống, đọng lại nay đang cuộn lên giữa dòng sông? Tuyến bảo công tác ở Quảng Trị đã mười năm vậy mà chưa khi nào anh có dịp về bên dòng sông này để tham dự vào những “đêm hoa đăng” linh thiêng, huyền diệu. Nhưng Quảng Trị trong một thập kỷ qua thực sự đã là quê hương thứ hai của Tuyến. Và Thạch Hãn đối với anh là dòng sông thiêng, đôi khi anh soi lòng mình vào lòng sông để thấy rằng cần phải sống, phải cống hiến sao cho xứng đáng với những gì mà lớp lớp thế hệ cha anh đã hy sinh cho mảnh đất này, cho sự thống nhất của non sông nước Việt.
Tôi chạm tay vào bức phù điêu, trên đó khắc 4 câu thơ nổi tiếng của nhà báo, cựu chiến binh Thành cổ Lê Bá Dương: “Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm”. Đọc các câu thơ trong nỗi rưng rưng, tôi nhìn vào những con sóng đang miên man cuộn chảy kia, tự hỏi rằng hàng ngàn người lính năm xưa ngã xuống trong 81 ngày đêm đỏ lửa, nghiêng trời lệch đất, hàng trăm người dân vô tội bị bom đạn kẻ thù sát hại bên dòng Thạch Hãn... họ đang nằm đâu? Họ có được lòng sông ôm trọn, hay trôi dạt về xứ nào? Biết bao máu xương ngày ấy và nỗi nhớ thương, nước mắt của những ngày sau hẳn sẽ còn chảy mãi trong lòng những người tìm về với dòng sông này.
Sông Hiếu (nhiều người vẫn gọi Hiếu giang), mùa xuân năm Quý Mão này đã bao nhiêu tuổi, sông ơi? Tôi không biết, bạn tôi, Hoàng Tiến, một người con của dòng Hiếu giang cũng không biết nữa. Nhưng Tiến kể, theo một số giai thoại, sông mang chữ “Hiếu” bắt nguồn từ sự kiện năm 1306 Huyền Trân công chúa vâng mệnh phụ hoàng Trần Nhân Tông và hoàng huynh Trần Anh Tông qua sông về đất Chiêm Thành làm vợ Chế Mân.
Nhà Tiến nằm bên sông Hiếu. Ba mẹ anh từng sinh 16 người con-một con số kỷ lục trong nhận thức của tôi về đàn con trong một gia đình nông dân Việt Nam. Con số ấy làm tôi không khỏi ngạc nhiên và thán phục trước sự hy sinh, công lao trời biển của những bà mẹ. 16 người con của ba mẹ Tiến đều được ăn học đến nơi đến chốn. Tuổi thơ của Tiến gắn với đồng bãi, với dòng sông Hiếu này. Biết bao nhiêu kỷ niệm, lúc nào cũng đầy ắp trong anh. Đấy là những lần tắm sông, những buổi mò tôm xúc tép, những ngày chứng kiến mẹ cha đổ mồ hôi cấy trồng ngô lúa nuôi đàn con nheo nhóc. Sông đã nuôi lớn anh chị em Tiến và rồi từ dòng sông quê, cũng như nhiều trai gái khác của các thôn làng ven sông, anh chị em Tiến tỏa đi muôn ngả. Cả hai vợ chồng Tiến đều làm việc xa nhà hơn 20km nhưng vẫn kiên quyết bám trụ trên đất làng, chấp nhận mỗi ngày di chuyển hơn 40km để cả gia đình được sống bên sông, nuôi gà, làm vườn như đời ông cha thuở trước.
Tiến dẫn tôi đi một đoạn khá dài bên bờ sông Hiếu gần nhà anh. Ba đứa con trai Tiến tháp tùng chúng tôi chí chóe đùa nhau, chạy vụt lên, tiếng cười vang một khúc sông vắng. Hai người lớn tụt lại phía sau, lặng im thật lâu sau khi tôi được anh kể về gia đình, về dòng sông Hiếu. Ngắm sông tôi cứ liên tưởng đến bà mẹ đã khuất của anh. Công lao sinh dưỡng, sự hy sinh âm thầm và lòng bao dung vô bờ của bà cũng như phù sa, như nước của dòng sông Hiếu chưa khi nào phôi phai, vơi cạn.
Bút ký của QUANG MINH
nguồn báo QĐND
bài viết rất hấp dẫn
Trả lờiXóa