Thứ Sáu, 28 tháng 4, 2023

Đoàn viên thanh niên tích cực học tập và làm theo lời Bác dạy

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dâng hiến trọn cuộc đời mình cho dân, cho nước, vì độc lập dân tộc, vì tự do và hạnh phúc cho nhân dân. Đến trước lúc đi vào cõi vĩnh hằng Người còn để lại những dặn dò hết sức cụ thể cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cho mỗi con người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ thanh niên, lực lượng quyết định cho sự hưng thịnh của quốc gia dân tộc trong hiện tại cũng như trong tương lai. Thời gian và không gian đã thay đổi, hơn nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng những lời căn dặn của Người mãi mãi như là ánh hào quang soi sáng đường chúng ta đi, luôn luôn nhắc nhở chúng ta trong quá trình hoàn thành nhiệm vụ của mình đối với dân, với nước dù ở bất kỳ tình huống và hoàn cảnh nào. Bác nói: Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là việc rất quan trọng và cấp thiết. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt kỳ vọng vào thanh niên. Năm 1945, khi nước nhà vừa giành độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”. Muốn đạt mục đích đó, thì mỗi thanh niên, nhất là một cán bộ thanh tra phải kiên quyết làm bằng được những điều sau này: 1. Đoàn viên, thanh niên phải suốt đời phấn đấu hy sinh cho lý tưởng của Đảng, của dân tộc. Đó chính là mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Xuất phát từ đó mà Lý Tự Trọng đã từng nói: “Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng và không thể là con đường nào khác!”. 2. Đoàn viên, thanh niên phải đặt quyền lợi của Đảng, của Tổ quốc lên trên hết và lên trước hết, ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc thì Đảng không có lợi ích gì khác. Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra nguyên tắc: “Lợi ích cá nhân nhất định phải phục tùng lợi ích của Đảng. Lợi ích của mỗi bộ phận nhất định phải phục tùng lợi ích của toàn thể. Lợi ích tạm thời nhất định phải phục tùng lợi ích lâu dài”. 3. Đoàn viên, thanh niên phải có một đời tư trong sáng, phải là một tấm gương sáng trong cuộc sống. Điểm nổi bật của Chủ tịch Hồ Chí Minh so với nhiều danh nhân khác ở trong nước và trên thế giới là toàn bộ cuộc đời của Người là tấm gương sáng về đạo đức. Sức mạnh của đạo đức đã lan tỏa, thẩm thấu trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, trở thành giá trị cốt lõi, vĩnh hằng của văn hoá trong các thế hệ các dân tộc ở trên đất nước Việt Nam. Nếu đoàn viên, thanh niên không có một đời tư trong sáng thì sẽ không thuyết phục, vận động được nhân dân trong các phong trào cách mạng. Người đoàn viên, thanh niên, ngoài việc phải hoàn thành tốt công việc chung của Đảng đã được phân công, lại phải còn là một thành viên tốt của gia đình, là một người công dân tốt, kiểu mẫu ở khu dân cư và ngoài xã hội, sống cuộc sống chan hoà, gần gũi với mọi người chung quanh. 4. Đoàn viên, thanh niên phải có đạo đức cách mạng. Đây là yêu cầu “gốc”, “nguồn” đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu. Đây cũng chính là quan điểm xuất phát, một yêu cầu có tính chất tiên quyết đối với cán bộ cách mạng. Không ít lần, Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu ý rằng: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài”, người cán bộ cách mạng không phải là người “làm quan cách mạng”, không phải vào Đảng, không phải làm cán bộ là để “thăng quan tiến chức”, không phải như dưới thời thực dân phong kiến “một người làm quan cả họ được nhờ”, không phải làm cán bộ để “đè đầu cưỡi cổ dân chúng như dưới thời thực dân, phong kiến”,…Người đoàn viên, thanh niên phải tận tụy với sự nghiệp cách mạng, phải trung thành với Đảng, với Tổ quốc, “phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”. Trung thành ở đây trước hết đòi hỏi đoàn viên, thanh niên phải hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình được giao, kể cả trong thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và kể cả khi thời bình, xây dựng đất nước; khi gặp thắng lợi thì không kiêu căng, chủ quan, tự mãn; khi gặp khó khăn, gian khổ, trở ngại thì không hoang mang, dao động; phải luôn luôn có ý thức và hành động bảo vệ Đảng, bảo vệ Tổ quốc. Trung thành với cách mạng là phải hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, là việc gì có lợi cho dân, dù nhỏ, cũng gắng sức làm, việc gì có hại cho dân, dù nhỏ, cũng hết sức tránh.

1 nhận xét: