Trong khi gia đình chuẩn bị lễ vật để cúng, voi sẽ được ăn thức ăn ưa thích, như: Chuối, bắp, mía... Lễ cúng được coi là sang trọng và tươm tất khi gia chủ mổ trâu ăn mừng, bình thường là heo, nếu không cũng là gà... tùy thuộc vào gia cảnh của chủ voi. Mở đầu lễ cúng, giàn chiêng sẽ tấu bài chiêng Gông, bài chiêng gọi Yang về chứng giám ban cho buôn làng sức khỏe, mưa thuận gió hòa, đồng thời thông báo mời bà con buôn làng cùng về dự lễ cúng sức khỏe cho voi. Trong lễ cúng, nài voi sẽ thắp một ngọn nến trắng vào đầu móc điều khiển và cho voi tiến vào trước mâm lễ vật. Rượu cần được hút ra bát lớn, được thầy cúng vẩy ra 4 phương, 8 hướng, đồng thời miệng hát, mời các Yang đất, Yang trời, Yang voi, Yang núi về chứng giám ban phước, mong Yang phù hộ voi nhiều sức khỏe để gánh vác công việc cho gia đình và buôn làng.

Thầy cúng ban rượu cho nài chính và nài phụ tại nghi lễ cúng sức khỏe cho voi. 
Thầy cúng ban rượu cho nài chính và nài phụ tại nghi lễ cúng sức khỏe cho voi. 


Sau khi cúng xong, voi sẽ tiến đến gần để thầy cúng đặt đầu heo, gạo, bôi tiết, tưới nước lên đầu voi, chân trước và chân sau của voi. Thầy cúng vừa làm vừa đọc lời khấn cầu mong voi luôn khỏe mạnh, gần gũi và giúp đỡ gia đình, buôn làng trong những công việc quan trọng, đồng thời trực tiếp đeo vòng đồng cho nài chính và nài phụ. Tiếp đến, thầy cúng lấy một phần thức ăn cho các nài voi ăn và khấn cầu mong các nài voi có sức khỏe để chăm sóc voi và dặn dò các nài voi luôn phải bảo vệ voi vì voi cũng là thành viên trong gia đình. Sau khi dặn dò các nài voi, thầy cúng mời họ hàng và bà con buôn làng thưởng thức rượu cần và bài chiêng Knah được tấu lên...

Ông Bùi Xuân Tiệp, Giám đốc Trung tâm Truyền thông-Văn hóa-Thể thao huyện Lắk (tỉnh Đắk Lắk) cho biết: “Nghi lễ cúng sức khỏe cho voi của đồng bào là nét đẹp nhân văn, thể hiện tình cảm giữa người và voi trong cuộc sống hằng ngày. Hơn thế nữa, nó còn thể hiện sự tri ân, tri kỷ của con người đối với voi, vì voi vốn là loài vật rất thông minh, thân thiện, gần gũi với con người, chăm chỉ lao động giúp người dân làm ra của cải, vật chất. Ngày nay, ở không ít nơi, do tính chất thương mại hóa nên người ta thường bắt voi phải lao động cật lực mà ít có thời gian nghỉ ngơi cũng như không còn được trở lại với thiên nhiên hoang dã của núi rừng. Do vậy, việc phục dựng lễ cúng sức khỏe cho voi là để nhắc nhở con người hãy đối xử với loài voi như người trong nhà, không được lạm dụng, bóc lột sức lao động của voi vào mục đích kinh doanh thương mại hóa, mà cần gần gũi, thân thiện, săn sóc, bảo vệ sức khỏe cho voi cũng như cho voi nghỉ ngơi trong môi trường thiên nhiên hoang dã. Có như vậy thì mới góp phần bảo tồn được loài voi”.

Bài và ảnh: TRƯƠNG NHẤT VƯƠNG

nguồn báo QĐND