Thứ Sáu, 28 tháng 4, 2023
Tấm lòng nhân ái của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Trước lúc đi xa, Bác đã để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng; đồng thời cũng “gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế”. Hồ Chí Minh là biểu tượng sáng ngời về lòng nhân ái, vị tha mà mỗi chúng ta tự hào
Suốt cuộc đời, từ khi bôn ba ra nước ngoài tìm đường cứu nước đến khi Bác ra đi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều một lòng vì nước, vì dân. Trong thời gian ở nước ngoài, chứng kiến cảnh công nhân bị áp bức bóc lột, Bác đã nghĩ đến những người lao động nghèo khổ cùng cảnh ngộ ở đất nước mình. Bác đã từng nói: “Ở đời và làm người phải thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức”. Ngay từ ngày đầu Cách mạng Tháng Tám thành công, tại cuộc họp đầu tiên của Ủy ban nghiên cứu kế hoạch kiến quốc, Bác đã nêu rõ mục tiêu của Nhà nước là: Làm cho dân có ăn, làm cho dân có mặc, làm cho dân có chỗ ở, làm cho dân có học hành. Để làm được điều đó, Bác đã đề ra nhiệm vụ cấp bách là diệt giặc đói và giặc dốt. Thương nhân dân đời sống khó khăn, Bác nhắc nhở nhiệm vụ thường xuyên là xóa đói nghèo, làm cho kinh tế phát triển; người nghèo thì đủ ăn, người đủ ăn thì khá giàu và người khá giàu thì giàu thêm. Kinh tế có phát triển, đời sống đồng bào có ấm no thì đất nước mới cường thịnh. Bác luôn căn dặn cán bộ, đảng viên, khi đã có chính quyền, phải xây dựng bộ máy trong sạch vững mạnh, đấu tranh với những biểu hiện quan liêu, hách dịch, nhũng nhiễu, xa dân; phải dựa vào dân, khơi dậy sức mạnh tiềm tàng trong nhân dân.
Tình yêu thương con người của Bác không phân biệt miền xuôi hay miền ngược, già hay trẻ, gái hay trai, hễ là người Việt Nam yêu nước đều có chỗ trong trái tim của Bác. Tấm lòng nhân ái, hết lòng vì con người của Bác, không chỉ dừng lại đối với nhân dân Việt Nam, mà còn mở rộng ra với nhân dân lao động toàn thế giới. Bác Hồ đã dành trọn cuộc đời mình để đấu tranh cho tự do, hạnh phúc, cho áo ấm, cơm no của dân tộc.
Học tập Bác, chúng ta cần sống vì mọi người, luôn nêu cao tinh thần tương thân tương ái “Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Trong xã hội công nghiệp hoá, hiện đại hoá hiện nay, đời sống chúng ta phát triển kéo theo đó là sự bận rộn của cuộc sống thường ngày nên đôi khi chúng ta không để ý đến những người xung quanh. Hiện nay, chúng ta cần nhận thức rõ ngoài việc công tác tốt thì cần quan tâm, chia sẻ và giúp đỡ đối với người khác, đặc biệt là những người gặp khó khăn, hoạn nạn bằng những hành động, việc làm cụ thể như: tích cực tham gia đóng góp quỹ tương trợ tại cơ quan, tham gia đóng góp các cuộc vận động vì người nghèo do công đoàn cấp trên phát động.
Thời gian qua, công cuộc xóa đói, giảm nghèo của nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, cả nước vẫn còn nhiều hộ nghèo và hộ cận nghèo, nhất là đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên cương hải đảo… vẫn đang rất cần được sự giúp đỡ của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội một cách mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn. Do đó, chúng ta cần góp phần cùng với Đảng, Nhà nước chăm lo người nghèo, đóng góp vào sự nghiệp xóa đói, giảm nghèo, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và đóng góp vào thành tựu chung của cả nước.
Ngoài ra, bản thân cần tự rèn luyện phẩm chất, tư cách của người công chức, làm tròn nhiệm vụ được cấp trên phân công, sống cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, hòa nhã, thân ái với đồng nghiệp, hết lòng vì công việc để bản thân mình được hoàn thiện hơn nhằm phục vụ tốt hơn cho con đường cách mạng của Đảng./.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
bài viết rất ý nghĩa
Trả lờiXóa