Thứ Sáu, 28 tháng 4, 2023

KHÔNG PHẢI “SÂN CHƠI QUYỀN LỰC” CỦA ĐẢNG!

         Có luận điệu chống phá cho rằng, các kỳ họp Quốc hội bất thường chỉ để hợp thức hóa ý chí, là “sân chơi quyền lực” của Đảng Cộng sản Việt Nam, chứ không phải là đại diện cho quyền lực, ý chí của cử tri và nhân dân; Quốc hội chỉ giữ vai trò “biểu quyết một chiều” chấp thuận để thông qua các quyết định của Đảng. Vậy, thực chất của luận điệu này là gì?

Mối quan hệ biện chứng, hai chiều
Sau kỳ họp bất thường của Quốc hội, BBC News Tiếng Việt ngày 17-6-2022 đăng bài viết: “Quốc hội Việt Nam: Quyền bính thực chất vẫn trong tay Đảng”. Một số trang mạng phản động “té nước theo mưa”, lan truyền bài viết với giọng điệu hằn học quy chụp “Quốc hội Việt Nam chỉ là công cụ của Đảng”. Một số phần tử cơ hội chính trị lập luận suy diễn rằng “họp Quốc hội bất thường chỉ là hội nghị Đảng Cộng sản mở rộng, là nơi hợp thức hóa ý chí, sân chơi quyền lực của Đảng”. Chúng kêu gọi “giải tán Quốc hội” bởi vì “quy trình Đảng cử, dân bầu vẫn khiến Quốc hội chỉ là cây cảnh của Đảng hơn là cơ quan quyền lực tối cao”.

Chẳng còn lạ gì chiêu trò phủ nhận, loại bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội là mục tiêu mà các thế lực thù địch không bao giờ từ bỏ. Chúng coi đây là “đột phá khẩu”, là con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất để xóa bỏ thành quả cách mạng và con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Lợi dụng những sự kiện chính trị quan trọng được đông đảo người dân quan tâm, đặc biệt là việc Quốc hội khóa XV tổ chức thành công 4 kỳ họp bất thường chưa có trong tiền lệ, thông qua các kênh thông tin, nhất là internet và mạng xã hội, các thế lực thù địch càng tăng cường công kích, xuyên tạc, phá hoại nhằm hạ bệ vai trò lãnh đạo của Đảng, kêu gọi người dân và cử tri Việt Nam tẩy chay một “Quốc hội rỗng”.

Không ngừng công kích, chống phá, nhưng thực tiễn đã chứng minh hành động đó của các thế lực thù địch luôn thất bại ê chề trước niềm tin sâu sắc của nhân dân vào Đảng và chế độ - một chế độ chính trị mà toàn thể dân tộc Việt Nam đang đồng lòng, nỗ lực xây dựng, chế độ chính trị pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Nhà nước “của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Vai trò lãnh đạo của Đảng được quy định rõ trong Hiến pháp của Việt Nam, mà mới nhất là Hiến pháp năm 2013, phù hợp với ý chí của toàn dân tộc, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Trước khi được thông qua, dự thảo Hiến pháp năm 2013 được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi toàn dân, bằng nhiều hình thức phong phú, cả ở trong nước và nước ngoài. Kết quả lấy ý kiến cho thấy, đối với vai trò lãnh đạo của Đảng, người dân đều đồng tình như dự thảo Hiến pháp và cho rằng mục tiêu, lý tưởng của Đảng không có gì khác hơn là lợi ích của dân tộc, đất nước và nhân dân.

Hiến pháp năm 2013 cũng quy định rõ: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước”. Quốc hội do nhân dân bầu ra, là cơ quan nhà nước cao nhất thực hiện quyền lực của nhân dân. Chỉ Quốc hội mới có quyền thể chế ý chí, nguyện vọng của nhân dân thành Hiến pháp và pháp luật, thành các quy định chung mang tính chất bắt buộc phải tuân thủ đối với mọi tầng lớp trong xã hội.

Hiến pháp đã khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Điều này không hề làm mất đi vai trò của Quốc hội. Bởi quyền lực nhà nước ở nước ta là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, nhưng đó là sự lãnh đạo có nguyên tắc và theo quy định. Điều 4, Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Như vậy, mối quan hệ giữa Đảng và Quốc hội là mối quan hệ biện chứng, hai chiều, nghĩa là Đảng lãnh đạo hoạt động của Quốc hội, nhưng sự lãnh đạo đó vẫn phải trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, không thể đứng trên, đứng ngoài Hiến pháp và pháp luật đã được Quốc hội thông qua. Đảng lãnh đạo nhưng luôn tôn trọng và phát huy vai trò của Quốc hội, không áp đặt, không bao biện, làm thay, can thiệp, tác động, làm sai lệch ý chí, nguyện vọng của quần chúng nhân dân, làm thay đổi quyết định của Quốc hội. Sự lãnh đạo của Đảng là để các hoạt động của Quốc hội được thực hiện bài bản, đúng định hướng phát triển đất nước, củng cố khối đoàn kết dân tộc.

Cơ cấu tổ chức và nguyên tắc vận hành của hệ thống chính trị ở nước là: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ. Với cơ chế vận hành ấy thì nhân dân là chủ thể cao nhất trong mối quan hệ đó. Cả ba chủ thể Đảng, Nhà nước, nhân dân đều hoạt động vì mục tiêu nhân dân làm chủ. Quyền lực của Đảng cũng như quyền lực Nhà nước không phải “từ trên trời rơi xuống” hay của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào mà đều bắt nguồn, tồn tại và phát triển từ quyền lực của nhân dân.

Giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ vừa độc lập, vừa có mối quan hệ mật thiết với nhau, ở đó quyền lực chính trị là thống nhất và tập trung ở nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Trong đó, Quốc hội là cơ quan đại diện của nhân dân có quyền lực cao nhất trong bộ máy Nhà nước có chức năng lập hiến, lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Với cơ chế vận hành đó, không thể có chuyện Quốc hội là cơ quan hợp thức hóa quyền lực của Đảng như các phần tử cơ hội trắng trợn vu khống.

"Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị... Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, phát huy dân chủ, pháp quyền, tăng tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội, trong thực hiện chức năng lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao".
 Đại hội XIII của Đảng

Hội tụ ý chí, nguyện vọng của nhân dân
Đặt người dân ở vị trí trung tâm của mọi quyết sách tại các kỳ họp Quốc hội bất thường, thế nhưng nhiều kẻ cơ hội chính trị vẫn rêu rao rằng Quốc hội Việt Nam thông qua một số đạo luật là để ngăn cản dân chủ, nhân quyền, đi ngược lại mong muốn, nguyện vọng của nhân dân. Thông qua việc chia sẻ những luận điệu xuyên tạc trong bài viết của Đài RFA (Đài Châu Á tự do): “Quyền tự do tham chính của dân Việt bị hạn chế thế nào?”, nhiều phần tử phản động kêu gọi người dân quay lưng với Quốc hội với lập luận: "Nếu có cơ cấu như Quốc hội ở Việt Nam thì không cần dân bầu làm gì, Đảng cứ tự chọn ra một số người, gọi là "đại biểu" vì sự kiểm soát của Đảng Cộng sản với Quốc hội là 100%. Thực chất, cơ quan này chỉ là công cụ của Đảng”.

Phải khẳng định rõ, từ khi được thành lập đến nay, Quốc hội Việt Nam luôn trung thành với lợi ích của nhân dân, của dân tộc. Quốc hội là cơ quan được nhân dân trao quyền, thay mặt nhân dân quyết định những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân. Quốc hội là cơ quan duy nhất do cử tri cả nước bầu ra dựa trên nguyên tắc: Phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Đây là những quy định đảm bảo cho mỗi người dân tự do bầu cử, lựa chọn những đại biểu theo ý chí của mình. Nếu đại biểu Quốc hội hoạt động không hiệu quả, không vì lợi ích của nhân dân, không còn được nhân dân tín nhiệm nữa thì sẽ bị bãi nhiệm.

Quốc hội Việt Nam là thiết chế có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc đảm bảo, thực thi quyền lực của nhân dân. Tính đại diện của Quốc hội được quy định, thể hiện bằng Hiến pháp, pháp luật và qua hoạt động thực tiễn. Điều 6 của Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước”. Theo đó, Quốc hội là một trong những cơ quan đại diện cho quyền lực của nhân dân trong bộ máy Nhà nước và là cơ quan đại biểu quyền lực cao nhất của nhân dân. Trên thực tế có nhiều đại biểu Quốc hội không hoàn thành trọng trách đại diện cho nhân dân đã bị bãi nhiệm tư cách đại biểu, như: Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Đặng Thị Hoàng Yến, Châu Thị Thu Nga, Nguyễn Quốc Khánh, Phan Thị Mỹ Thanh, Phạm Phú Quốc... 

Với tư cách là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, Quốc hội có trách nhiệm cao cả là thay mặt nhân dân không chỉ thực hiện đúng và đầy đủ những nhiệm vụ, quyền hạn được giao, mà còn phải một lòng, một dạ phục vụ nhân dân, vì lợi ích của nhân dân. Để làm được điều đó thì đại biểu Quốc hội luôn lắng nghe ý kiến của nhân dân, liên hệ chặt chẽ với cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng của cử tri với Quốc hội và các cơ quan nhà nước hữu quan; xem xét, đôn đốc, theo dõi việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và hướng dẫn, giúp đỡ công dân thực hiện các quyền đó. Các đại biểu Quốc hội phải xuất phát từ lợi ích của nhân dân để quyết định những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Trong các cuộc bầu cử, công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt gái, trai, tôn giáo, mức tài sản, trình độ văn hóa, không phân biệt nòi giống đều có quyền tham gia. Đó là một cách rất hợp lý để nhân dân lao động thực hành quyền thống trị của mình”. Học tập, làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh, để bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, Quốc hội nước ta đã không ngừng nỗ lực để thực hiện có hiệu lực, hiệu quả các chức năng, nhiệm vụ được giao, phản ánh đầy đủ ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân trong cả nước. Trên thực tế, kể từ những kỳ họp đầu tiên, Quốc hội đã phát huy tinh thần dân chủ, đoàn kết, sáng tạo để quyết định những vấn đề hệ trọng của nước nhà. Đặc biệt, tại các kỳ họp bất thường vừa qua, Quốc hội càng thể hiện rõ tinh thần hành động, cống hiến, vì lợi ích của nhân dân. Quyết định tại các phiên họp bất thường này của Quốc hội về những vấn đề quan trọng của đất nước ngày càng phát huy hiệu quả trong thực tiễn, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

Báo cáo Hạnh phúc Thế giới năm 2023 được công bố, trong đó chỉ số hạnh phúc của Việt Nam đã tăng 12 bậc, từ vị trí 77 vào năm 2022 lên vị trí 65. Nhìn vào những thành tựu mà Việt Nam đạt được, không ai có thể phủ nhận chúng ta đã có những bước tiến dài trên tất cả lĩnh vực. Chính những thành quả mà Việt Nam đạt được là chất keo vững chắc củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, nâng cao niềm tin của nhân dân vào Đảng, Quốc hội, đồng thời là minh chứng thực tiễn khẳng định tính hiệu quả của Quốc hội Việt Nam.

Đại hội XIII của Đảng đánh giá: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Thành quả ấy khẳng định sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, trong đó không thể không kể tới vai trò đặc biệt quan trọng của Quốc hội với những quyết sách đột phá và kiến tạo.

Thực tiễn minh chứng, Quốc hội Việt Nam đã đồng hành cùng dân tộc trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử. Trong bối cảnh mới, với những nỗ lực, quyết tâm, cố gắng không ngừng và sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, Quốc hội tiếp tục cùng nhân dân vượt qua mọi khó khăn, thách thức và đạt được những thắng lợi to lớn. Sức mạnh của Quốc hội chính là sức mạnh của nhân dân và nhân dân là điểm tựa, mục tiêu hướng tới trong mọi hành động, quyết sách của Quốc hội. Chính niềm tin của người dân và cử tri cả nước đối với Quốc hội, thành quả của Quốc hội nói riêng và của đất nước nói chung là bằng chứng đanh thép đập tan những luận điệu, âm mưu chống phá của các thế lực thù địch.

"Quốc hội nước ta đã luôn luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, không ngừng phát huy vai trò, vị trí là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, đóng góp to lớn và quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".
Tổng Bí thư NGUYỄN PHÚ TRỌNG./.


Yêu nước ST.

1 nhận xét:

  1. Để ngăn chặn các thông tin xuyên tạc, bịa đặt, chống đối chính quyền trên các trang MXH; thì các lực lượng chức năng cần chủ động phát hiện, đấu tranh chặn và xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.

    Trả lờiXóa