Thứ Ba, 4 tháng 4, 2023

ANH HAI


Nhà mình có 4 anh em trai, “Đức, Lộc, Trung, Thành”. Với mình, anh Hai rất đặc biệt vì nhiều lẽ. Anh sinh năm 1950, khi mà cả ba má cùng tham gia kháng chiến chống Pháp tại Xưởng Quân giới Liên khu V (Trà Bồng, Quảng Ngãi). Còn lại ba đứa mình sinh sát nhau 1957, 1958 và 1961.


Hồi ấy, Ba mình tham gia kháng chiến khi mới 15 tuổi (1945) và đã là dân trí thức học trường Tây (ông Nội mình vốn là Thầy giáo dạy học nay đây, mai đó có 10 người con đều trai cả và đặt tên con theo địa danh nơi sinh – Ba mình tên Lộ vì sinh ở Cam Lộ). Khi ấy, Má của mình là tiểu đội trưởng và lớn hơn Ổng một tuổi nhưng vì mê chàng học sinh trí thức, giỏi tiếng tây và là tay đàn Mandolin điêu luyện. Đám cưới thời kháng chiến đơn sơ chỉ trà, bánh, kẹo nhưng có giá trị rất lớn vì những gia đình ấy hình như bền vững suốt cuộc đời. Đám cưới ngày ấy ở đơn vị còn có Lãnh đạo làm Chủ hôn, Bác ấy về sau trở thành nhân vật lãnh đạo Nhà nước nổi tiếng.


Khi anh Hai ra đời, Má mình về sống tạm cùng gia đình bên nội. Ngày ấy vốn khó khăn, nghe kể Má phải vác tà vẹt (thanh ray đường sắt) để kiếm sống. Bà nội cũng sinh chú Út nhỏ hơn anh Hai vài tháng, nhưng vì Bà ít sữa nên chú cũng bú chung cùng cháu… Sau này, khi đoàn tụ họ hàng ngày đất nước thống nhất, má mình cũng thương yêu Chú út một cách kỳ lạ.


Năm 1954, Ba mình theo đoàn quân tập kết ra miền Bắc với ước hẹn 2 năm đoàn tụ. Má mình được phân công ở lại quản lý cơ sở ruộng, vườn của đơn vị. Tưởng rằng kẻ bắc, người nam nhưng chỉ vài tháng sau khi tình hình bất ổn, Má cũng gánh anh Hai ra Quy Nhơn bằng đường bộ, một bên là anh Hai và bên kia là những cục đá để lên chuyến tàu tập kết cuối cùng của Ba Lan. Ngày chia tay gia đình bên nội, cũng là ngày anh Hai có bức ảnh kỷ niệm 4 tuổi tại tiệm hình thị xã Quảng Ngãi (sau này trở thành bức ảnh duy nhất của anh Hai - báu vật của mình và gia đình). Cùng tập kết, nhưng kẻ trước, người sau phải mất hai năm ba má mình mới sum họp và liên tiếp có được thêm ba anh em trai chúng mình.


Những ngày đầu trên đất bắc vô cùng gian khổ, anh Hai dù chỉ hơn 4 tuổi cũng phải ăn cháo cám heo sinh phù thũng khắp người do thiếu dinh dưỡng… sau khi gặp lại Ba, cuộc sống gia đình cũng dần ổn định theo kiểu xã hội mới ở miền Bắc với tinh thần “Tất cả vì miền Nam thân yêu”, và rồi ba anh em mình liên tiếp ra đời. Khi chưa được 5 tuổi vào cuối hè, mình cùng nhóm bạn cùng tuổi mỗi đứa một bảng đen và cục phấn tự đến lớp học “vỡ lòng” với thầy giáo tên Cát (thương binh cụt một tay thời chống Pháp nên có biệt hiệu là thầy Cát cụt). Hồi nhỏ mình thuận tay trái, nhưng thầy không cho viết bằng tay thuận nên bị đánh dữ lắm, cứ thước kẻ vụt tay đau điếng người. Thế là mình không chịu viết, chỉ chờ Thầy quay lưng bèn chuyển phấn viết thật nhanh. Nhưng sao qua mắt được thầy, lại ăn thước kẻ… và rồi không biết từ bao giờ mình viết được bằng tay phải. Hồi ấy trẻ em chơi nhiều trò chơi dân gian ngày nay không mấy trẻ được chơi, nào là “bắn bòm”, khăng, bắn bi, đất sét, ô quan, nhảy ngựa, nhảy dây, đánh xèng, đánh đáo, bắn thung, bắn ná, thụt giấy… nhưng mình vẫn thích những chuyến phiêu lưu dọc đường tàu đổ dế (đổ nước vô tổ dế) nhằm bắt dế về chọi nhau, hay bắt những con cánh cam xanh biếc rực rỡ, chọi cỏ hay quấn nhựa mít vào cành cây dính bắt chuồn chuồn… Thôi thì đủ loại chuồn chuồn mang những tên độc đáo: chuồn chuồn ớt, kim, ngô, đá… muôn màu, muôn sắc.


Mới học vỡ lòng vài tháng, chiến tranh phá hoại miền Bắc xảy ra. Người ta gọi là chiến tranh “Giôn Xơn”, tức là máy bay Mỹ ném bom… cả 4 anh em đều sơ tán về vùng quê tiếp tục việc học, cha mẹ vẫn ở lại Thủ đô làm việc. Đây cũng là quãng đời tự lập kéo dài tới 4 năm. Do lớn hơn đứa em kế tới 7 tuổi nên anh Hai đã thể hiện rõ bản tính nghiêm khắc cai quản đàn em đang tuổi chơi, tuổi lớn. “Lộc, Trung, Thành” là tiếng hét của anh mỗi khi đến giờ ăn, giờ học, khiến cho ở bất kỳ trò chơi nào, xó xỉnh nào cả ba đứa đều “dạ” thật to và có mặt liền. Nghiêm khắc, hung dữ thế nhưng anh Hai cũng hết mực thương yêu ba đứa em trong đói khổ. Mình thấy anh làm thơ lục bát cầu mong hòa bình, thầm trách ba mẹ sao 1 tháng mới về thăm và tiếp tế đồ ăn… nhưng rồi anh cũng hiểu chiến tranh bom đạn khốc liệt, đường sá xa xôi khó đi còn công việc cơ quan thời chiến… Mỗi bữa ăn anh Hai đều nhìn các em ăn trước sau đó mới vét những gì còn sót lại.


Thời ấy làm gì có thức ăn, cơm độn khoai, sắn, ngô với thường trực là muối hột rang nếu may mắn được miếng hành dính vào cho thơm, còn như khó nuốt trôi thì chan nước vối cho dễ ăn. Cơm rang (cơm chiên), muối vừng kể cả cơm trộn đường cũng chỉ là ước mơ lâu lâu mới có, mỗi lần như thế mình thường chầm chậm thưởng thức từng hạt cơm rang, từng cọng giá xào… Mình còn nhớ lúc ấy mới 6 tuổi mà hàng đêm phải ẵm và ru em út 3 tuổi ngủ với câu chuyện duy nhất thuộc lòng “Con gấu và chú chim Vàng anh” (giờ này gần 55 năm rồi, mình không còn nhớ nội dung, nhưng không thể nào quên tựa câu chuyện). Tiêu chuẩn lương thực cấp phát còn có bột mỳ (hàng viện trợ của Liên Xô), nhưng cũng chẳng biết làm gì để ăn, chỉ duy nhất nhồi bột vo tròn đem luộc sau đó chỉ cạp được bên ngoài nhão nhoét, bên trong bột sống nhăn lại nhồi luộc tiếp… Thế là cuộc sống cứ dần trôi, buổi sáng đi học, buổi chiều học bài trong lúc chăn trâu, cắt cỏ. Không biết bơi, nên mình rất thích cưỡi trâu vượt sông để đến những đồng cỏ rậm rạp cho trâu ăn mau no (nhờ nhìn vào vùng trũng bên hông trâu) mong sớm về trước khi trời tối. Thế rồi được biết cây đa, bến nước, sân đình, bãi chợ phiên… Cái đình làng to lớn ngày ấy với tất cả tượng gỗ sơn đen đỏ với hình thù dữ tợn dồn về một góc (mỗi năm một lần dân làng tổ chức kiệu hoa rước tượng đi một vòng quanh làng khóc lóc thảm thiết?), sân đình để phơi lúa, rạ, rơm mùa gặt, trong đình được chia ra thành các lớp học trường làng. Ấn tượng nhất là những đêm khuya yên tĩnh, nằm trên tường rào bằng đất, hay trên bảng tin hợp tác xã ngắm bầu trời sao cao vút thanh bình, nhấm nháp vài hạt lúa rang hay cao cấp hơn là ngô, hạt dẻ rang và nghe bản giao hưởng hùng vĩ của thiên nhiên của vạn vật hòa trong nhạc nền rì rào của gió… nhưng không chỉ có vậy, hầu hết ngày nào cũng bom nổ ầm ì, tối đến pháo bắn máy bay như giăng lưới trên bầu trời, rồi thị xã, trường huyện trúng bom nghe nói mất mát thương đau ngút trời.


Mình rất mê hoa, nhưng miền quê thuở ấy nhiều nhất là hoa dại không tên, hoa li ti mang sắc trắng, đỏ, tím với thân cây đầy lông và mùi ngai ngái. Rồi hoa dâm bụt đỏ thắm trong hàng rào, hoa rau muống, rau lang bình dân tim tím mộng mơ. Nhưng yêu nhất phải kể đến là hoa gạo to lớn, đỏ rực mỗi tháng ba về và hoa xoan thường mọc bờ ao tím nhạt nhớ thương với hương thơm ngào ngạt lạ lùng. Hồi ấy, mình rất giỏi câu cá. Chỉ cần thanh trúc, dây cước, lưỡi câu và phao là ruột cây sắn (khoai mì) với mồi câu phong phú từ giun, tép, cơm nguội tùy theo loại cá muốn câu. Này nhé cá diếc, cá rô, cá lóc, cá quả, cá trê… cả một nghệ thuật thả câu với độ nông sâu thả mồi. Chỉ nhìn phao là mình biết chắc cá gì ăn mồi, lớn hay nhỏ. Nhưng mình thích nhất là câu tôm, nó lại đòi hỏi sự khéo léo, nhẹ nhàng như dụ, đánh đố con tôm khi còn ở dưới nước.


Mình thứ Tư, nhưng anh Hai lại thương mình nhất, cho đến tận những ngày cuối cùng. Có lẽ vì mình trắng trẻo ngược với nước da bánh mật đậm màu của anh, cũng có lẽ mình dạn dĩ hơn người thường được anh nhờ đi cùng mỗi tối đi ngoài ở bãi tha ma đầu làng vì anh sợ ma vả lại còn gì vui thú bằng “Nhất quận công…”. Thế là mỗi tháng, đến kỳ phiên chợ huyện anh lại dắt mình đi, chỉ là đi xem bãi chợ người ta mua mua, bán bán lèo tèo và phần thưởng chỉ là nắm ốc hút với cách ăn điệu nghệ là để mày ốc dính đầy trên môi không rớt đất. Nhớ ngày đầu tiên đi chợ phiên, khi qua cầu tre vắt vẻo anh hỏi: qua được không? mình nói qua dễ mà. Nhưng do với không tới tay vịn, mình ôm cầu nhích tới giữa sông thì rơi, anh vớt mình lên sau khi uống nước bất đắc dĩ và xanh mặt vì sợ. Thế rồi mình quyết tâm học bơi, thôi thì chuồn chuồn cắn rốn tan nát, đau điếng nhưng cũng chẳng bơi được, mỗi lần mò cua bắt ốc được phân công ôm chậu nhựa chứa ít nước, đậy lá khoai đạp chân theo mọi người bắt cá, tôm bỏ chậu cải thiện bữa ăn, thế là bỏ chậu biết bơi hồi nào không hay.


Qua bốn năm sơ tán vì chiến tranh, anh em mình trưởng thành nhanh bằng cuộc sống tự lập xa cha mẹ. Mình học được môn vật ở sới vật đình làng hàng năm và trở thành bảo bối thường sử dụng khi trở về Hà Nội, nó làm cho mình cảm giác của kẻ vô địch trong đám bạn cùng trang lứa. Nhưng thực sự 4 năm sơ tán là những kỷ niệm yêu thích nhất tuổi thơ mình có được.


Thế rồi cuộc chiến tranh “Giôn Xơn” kéo dài 4 năm cũng kết thúc. Đầu năm 1969, 4 anh em mình trở về Hà Nội bắt đầu cuộc hành trình của những ngày không thể nào quên. Anh Hai cũng tốt nghiệp phổ thông nơi trường huyện và thi vào đại học, dù kết quả không cao nhưng vẫn được chọn đi học ở Liên Xô do tiêu chuẩn học sinh miền Nam tập kết. Nhưng anh cương quyết không đi, không học nữa mà đăng ký đi bộ đội. Đương nhiên ba má mình không chấp nhận, anh Hai xin làm thợ rèn để luyện thêm sức khỏe chờ ngày lên đường.


Nhà mình lúc này ở phòng số 52 Nhà C3 khu tập thể Kim Liên, hầu hết các gia đình trong khu nhà đều là miền Nam tập kết nên quý mến, thương yêu và giúp nhau bất kể điều gì. Mình học lớp 5D tận trường làng Phương Liệt (một hành trình tập thể từ 5D đến 10D và trở thành huyển thoại của cuộc đời mình). Vì đi học xa, thôi thì đủ trò nhảy xe lửa, xe điện, đu theo xe tải, bơi hồ đá, leo trèo hái trái… với tính nghịch ngợm mình còn nhặt hạt thối bọc bùi nhùi đốt trong góc lớp phá tan cả buổi học, kết quả phải đứng phạt ngoài cột cờ cả buổi. Được cái thông minh, học giỏi nên 3 năm cấp hai mình đều đạt học sinh A2 (học sinh giỏi chỉ thua A1). Hồi ấy, tụi mình có ba đứa bạn thân nhất, dạng như Lưu – Quan – Trương của Tam quốc Tàu. Và ai cũng phải có biệt hiệu đính kèm, Phong trần mì (bạn thích ăn mì sợi luộc) cao lênh khênh với hai tay dài gần tới đầu gối (giống Lưu Bị) có nhiều tài lẻ như nhớ dai (ngày nay mà bạn thuộc cả danh sách điểm danh thời còn học vỡ lòng) vẽ máy bay rất đẹp… Quang sều, ngược lại giống như Quan Công, thần thái anh minh, sáng sủa lúc nào cũng trượng nghĩa, phương phi. Bạn có biệt hiệu sều cũng do mình, hai đứa chơi thổi ống thủy tinh trộm từ cơ sở y tế và dùng hạt cơm nguội thổi bắn nhau, vì hết đạn mình cúi đầu cứ chĩa ống về phía bạn lao tới, kết quả mình rách đầu còn bạn rách môi, thế là sều… còn mình biệt hiệu là Trung cựa, tính nóng giống Trương Phi, gắn liền với bản tính nghịch ngợm hay đánh nhau. Thân nhau đến mức cả ba làm cam kết thề không lấy vợ, rồi cùng ký tên bỏ trên hốc cột đình nơi trường học và tuyên bố nếu ai vi phạm sẽ trở về chốn cũ lấy cam kết để trừng phạt…


Rồi một ngày đầu năm 1969, anh Hai mình tự nhiên biến mất, cả nhà đổ xô tìm kiếm mọi nơi, mọi chỗ, hỏi thăm tất cả bạn bè của anh. Nhưng rồi tất cả chỉ là vô vọng. Bẵng gần một tháng trôi qua, bỗng có lá thư lạ từ Quảng Bình xa xôi báo tin anh Hai đang luyện quân chuẩn bị vào Nam. Đó là thư từ chủ nhà nơi anh Hai đóng quân phát hiện anh mình không có tư trang, đồ lạnh, không liên hệ gia đình như những tân binh khác và thậm chí ngơ ngác không nhớ tên mình. Hóa ra, anh ra đi dưới tên một người khác trốn ngũ khi gọi tên (thời ấy việc trốn quân ngũ là cực hiếm, mặc dù ra đi không nghĩ sẽ trở về). Ba mình vội lấy xe Com măng ca cơ quan chạy ra Quảng Bình và thỏa thuận với Chỉ huy cho anh tiếp tục tham gia quân đội, nhưng đơn vị không chấp nhận mà phải trở về tham gia tuyển quân lại từ đầu. Kết quả, Ba má mình đã đồng ý cho anh Hai tham gia đợt tuyển quân kế tiếp.


Trước ngày ra đi, anh Hai đã đốt sạch những gì thuộc về anh, kể cả những ảnh gia đình hiếm hoi được Ban Thống Nhất Trung ương chụp dùng để gởi về Nam cho Ông nội (công tác tuyên truyền, và cũng vì Ông nội mình là người có nhiều ảnh hưởng tới cả hai bên, đây cũng là lý do anh chỉ còn tấm hình chụp lúc vừa 4 tuổi ở thị xã Quảng Ngãi năm 1954). Anh nói ra đi tự nhiên và chấp nhận hy sinh tự nhiên không gì phải vướng bận. Mãi về sau này, Ba mình mới kể lại hồi đó anh Hai có nói: “nhà mình có 4 anh em trai, con xin ra đi để các em con sống”. Câu nói ấy mỗi khi nhớ tới lòng mình xao xuyến và nước mắt rưng rưng… thương anh quá anh ơi!


Ngày cuối cùng trước khi lên đường, anh Hai chở mình bằng xe đạp đi cùng một người bạn thân nhất của anh (mình không để ý tên gì, ước sao ngày nay tìm được) đi một vòng Hà Nội với toàn những điểm mơ ước của thanh niên mà cả năm chưa chắc đã dám đến. Đó là bánh tôm Hồ Tây, Kem Thủy Tạ Hồ Gươm và trên đường Nam Bộ lúc trở về có cả ly nước dừa hạt sen với những sợi dừa sắt nhỏ… chao ôi! Mình mê tít chỉ lo thưởng thức món ngon cả đời mơ ước mà không để câu chuyện tâm tình của anh Hai. Mình chỉ còn nhớ lõm bõm anh Hai nói với bạn đây là đứa em anh thương yêu nhất trên đời…


Hơn năm sau, có người từ chiến trường trở về tin tức duy nhất là anh Hai mình đang ở đơn vị pháo binh (phụ trách khẩu đại liên 12,7 ly), đó cũng là tin tức cuối cùng của anh khi còn sống.


Đầu năm 1973, khi chiến tranh ném bom miền Bắc lần hai vừa kết thúc với những ngày ác liệt nhất của cuộc chiến B52 trên bầu trời Hà Nội. Khi mà hàng đêm B52 rực cháy như bó đuốc lớn trên trời chậm chạp rơi xuống, những cánh dù trắng tưởng gần nhưng mãi chạy ra xa tít của phi công Mỹ. Đang ngủ dưới sàn nhà tầng một (khác với các loại máy bay nhỏ với bom lớn, B52 chỉ mang những bom nhỏ xíu để rải thảm hủy diệt, nên trong 12 ngày đêm của B52 người ta ngủ ngay dưới sàn nhà cao tầng còn an toàn hơn dưới hầm tránh bom), Ba mình đánh thức dậy để bắt xem cảnh B52 cháy rơi như một cảnh tượng hiếm thấy (mãi sau này mình mới nhận ra giá trị của việc này, thật vậy chỉ có thời điểm duy nhất này, người ta mới được nhìn thấy Pháo đài bay B52 bị bắn rơi cháy sáng rực trên bầu trời). Trong một buổi chiều đi học về, thấy trong nhà có nhiều người lạ, Ba Má mình ngồi trong góc nhà rưng rưng nước mắt. Người ta xuống trao Giấy báo tử, anh Hai đã hy sinh với dòng chữ đặc trưng duy nhất giống nhau của các liệt sĩ “Hy sinh tại chiến trường B2”…lúc đó mình cảm thấy bàng hoàng không thể tin được. Người anh nhanh nhẹn, khỏe mạnh suốt đời chỉ biết thương yêu nhường nhịn và bảo vệ các em, một báu vật trải qua những ngày kháng chiến chống Pháp gian nan ở miền Nam, lớn lên và trưởng thành như chàng trai Hà Nội. Một người anh mà mình chưa từng thấy có bạn gái mặc dù nhiều thiếu nữ ưa thích với vẻ ngoài dễ mến cùng danh hiệu học sinh miền Nam… Rồi mình vùng bỏ chạy trong cái lạnh buốt của mùa đông, trong những hàng cây mùa rụng lá xơ xác trên đường, cả mặt đường như trắng xóa dưới mưa phùn ẩm ướt… và mình đã khóc như chưa từng được khóc.


Suốt những năm sau ngày giải phóng thống nhất đất nước. Gia đình mình lại về thành phố Hồ Chí Minh, Má mình vẫn thường nói ước gì anh Hai trở về, anh Hai vẫn còn đâu đó. Cứ sau mỗi bữa cơm chiều, Bà lại ngồi đăm chiêu trên ghế trường kỷ như đợi, như trông. Hình ảnh ấy cứ như xé gan xé ruột mình. Tất cả tìm kiếm, kể cả nhờ cậy tâm linh chỉ là vô vọng. Sức khỏe yếu dần, Má phải ngồi xe lăn.


Một buổi trưa hè năm 2008, khi đang dự triển lãm vườn tượng tại công viên Tao Đàn, mình nhận được điện thoại từ ông bạn ruột (Phong trần mì): “Mẹ Phong tập thể dục nghe các bà nói chuyện đã tìm được mộ anh Hai tại Điện Bàn, Quảng Nam nhưng không liên lạc được với người thân do gia đình chuyển về Nam”. Mình vội bỏ tất cả, dồn sức liên lạc với thương binh xã hội Hà Nội, Quảng Nam. Cuối cùng ngày ấy cũng đến, trong cái tin đau thương nhưng lại chứa cả niềm vui đem anh Hai về với Má với gia đình.


Anh Hai hy sinh ngày 24 tháng 4 năm Nhâm Tí (nhằm ngày 05 tháng 6 năm 1972) tại Điện Thắng, Điện Bàn, Quảng Nam. Cùng năm, cùng tháng ấy chỉ 4 ngày sau Ông nội mình cũng qua đời tại quê nhà Quảng Ngãi. Anh hy sinh cùng một chiến sĩ trẻ Hà Nội với khẩu đại liên 12,7 ly mà anh là chỉ huy trong trận chiến đơn vị tăng cường cùng du kích xã Điện Thắng chống càn vào Mùa Hè đỏ lửa. Sau này mình đến đây rất nhiều lần để thăm và nghe chuyện kể từ hai nữ du kích chôn cất anh và đồng đội ngày ấy. Nơi chôn hai anh bây giờ là ruộng lúa xanh ngát. Mặc dù đã quy tập hai anh về Nghĩa Trang Điện Bàn từ năm 1980, nhưng nhân dân trong vùng vẫn chừa một gò nhỏ nơi chôn cất ban đầu để thắp nhang, tưởng nhớ. Người dân Điện Thắng vẫn kể cho nhau nghe có hai anh bộ đội với khẩu pháo cùng vài du kích đã chặn bước tiến của cả một tiểu đoàn địch, cuối cùng phải nhờ đến pháo bầy biến trận địa, bụi tre nơi công sự của hai anh thành bình địa. Xin cám ơn Chị Xin, chị Bán những nữ du kích của trận chiến ngày nào; xin cám ơn nhân dân Điện Thắng, Điện Bàn thương yêu trân quý anh và đồng đội… Mình cũng thường đến Nghĩa trang Điện Bàn đẹp nhất nước, nơi anh mình nương náu để nghe tiếng hát trong tiếng gió reo, tiếng lá dừa xào xạc như bản giao hưởng của thiên nhiên kỳ vĩ lạ lùng để cảm nhận yêu thương cuộc sống. Mình như vẫn còn thấy đôi mắt nhân từ của anh khi nhìn đàn em tranh ăn với ngô, khoai, sắn nhiều hơn cơm và nhẫn nhịn ăn từ những phần sót lại thay bữa tuổi thanh niên… Mình vẫn nhớ và khóc khi nghĩ về câu nói của anh lúc ra đi “Con xin ra đi để các em con sống”…


Giờ đây, Má và anh Hai đều đã đi xa, mình rồi cũng không ngoại lệ. Cuộc sống này, cuộc đời này với mình thật ý nghĩa lớn lao vì có hai người mãi mãi là thần tượng là vĩ đại của riêng mình…. MÁ và ANH HAI.

Nguyễn Trung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét