Thứ Hai, 17 tháng 4, 2023

ĐẠO ĐÚC CÁCH MẠNG THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

  Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho dân tộc ta một di sản vô giá, đó là tư tưởng của Người, trong đó có tư tưởng về đạo đức. Bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng ngời về đạo đức. Người đã để lại rất nhiều tác phẩm, bài viết về đạo đức.

Xuất phát từ truyền thống yêu nước của dân tộc ta và do yêu cầu của sự nghiệp cách mạng, chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vấn đề đạo đức và giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ đảng viên. Người cho rằng đạo đức là nền tảng của người cách mạng cũng như gốc của cây, ngọn nguồn của sông suối.

Đạo đức phải gắn với tài năng, đức và tài phải có mối quan hệ mật thiết với nhau. Đạo đức phải có trên tất cả mọi mặt của đời sống xã hội, không kể cá nhân nào, lĩnh vực nào. Đạo đức cách mạng chỉ có được qua rèn luyện, đấu trạnh gian khổ của bản thân người cách mạng.

Về nội dung đạo đức cách mạng, theo Hồ Chí Minh có những vấn đề sau:

Trung với nước, với Đảng; hiếu với dân

Đây là chuẩn mực đạo đức nền tảng, điều chỉnh hành vi giữa cá nhân với cộng đồng. Trung, hiếu là các khái niệm đạo đức truyền thống, nhưng được Hồ Chí Minh sử dụng và đưa vào những nội dung mới. Người viết trong tác phẩm “Đạo đức cách mạng” như sau: “Đạo đức cách mạng là tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân. Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc”.

+ Trung với nước, với Đảng: là yêu nước, gắn liền với yêu chủ nghĩa xã hội (CNXH); trung thành với lý tưởng của Đảng, con đường cách mạng mà đất nước, dân tộc đã lựa chọn; có trách nhiệm bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước; phải biết đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của cách mạng lên trên hết và trước hết; quyết tâm phấn đấu thực hiện mục tiêu cách mạng, suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng.

Trong tác phẩm “Đạo đức cách mạng”, Người chỉ rõ: “Mỗi người cách mạng phải hiểu thật sâu sắc rằng: Đảng ta là một đội ngũ tiên tiến nhất và tổ chức chặt chẽ nhất của giai cấp công nhân, là người lãnh đạo của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Người cách mạng phải thấy thật rõ điều đó và đứng vững trên lập trường giai cấp công nhân, để hết lòng hết sức đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, cho giai cấp công nhân và cho toàn thể nhân dân lao động… Đạo đức cách mạng là vô luận trong hoàn cảnh nào, người đảng viên cũng phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết. Nếu khi lợi ích của Đảng và lợi ích của cá nhân mâu thuẫn với nhau, thì lợi ích cá nhân phải tuyệt đối phục tùng lợi ích của Đảng”.

+ Hiếu với dân: là thương dân, quý dân, tin dân, học dân, lắng nghe ý kiến của dân, lấy dân làm gốc; chăm lo mọi mặt đời sống nhân dân một cách tự giác; đấu tranh giải phóng quần chúng nhân dân để dân trở thành người chủ và làm chủ. Trong tác phẩm “Đạo đức cách mạng”, Hồ Chí Minh viết: “Những chính sách và nghị quyết của Đảng đều vì lợi ích của nhân dân. Vì vậy, đạo đức cách mạng của người đảng viên là bất kỳ khó khǎn đến mức nào cũng kiên quyết làm đúng chính sách và nghị quyết của Đảng, làm gương mẫu cho quần chúng. Mọi đảng viên phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng; phải ngǎn ngừa và kiên quyết chống lại chủ nghĩa cá nhân”. Đồng thời, Người nhấn mạnh: “Đạo đức cách mạng là hoà mình với quần chúng thành một khối, tin quần chúng, hiểu quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng. Do lời nói và việc làm, đảng viên, đoàn viên và cán bộ làm cho dân tin, dân phục, dân yêu, đoàn kết quần chúng chặt chẽ chung quanh Đảng, tổ chức, tuyên truyền và động viên quần chúng hǎng hái thực hiện chính sách và nghị quyết của Đảng”.   

Thương yêu con người

Yêu thương tất cả mọi người, trước hết là người lao động nghèo khổ, bị bóc lột, áp bức, những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội: trẻ em, người già, phụ nữ; yêu thương con người trên lập trường của giai cấp công nhân; chăm lo mọi mặt đời sống con người để con người được thỏa mãn các nhu cầu, lợi ích, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân     

Hồ Chí Minh yêu thương con người với một tình cảm vừa bao la, vừa gần gũi thân thương. Người quan tâm đến tư tưởng, công tác, đời sống của từng người. Tình thương đó luôn gắn liền với hành động cụ thể, phấn đấu vì tự do, hạnh phúc cho con người.

Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư

+ Cần: Cần cù, siêng năng, chăm chỉ, dẻo dai, biết phân công, tổ chức hoạt động hợp lý, lao động với năng suất, chất lượng, hiệu quả cao.

+ Kiệm: Tiết kiệm, không hoang phí, tiêu dùng hợp lý; không chỉ tiết kiệm của cá nhân mà còn tiết kiệm của công; tiết kiệm toàn diện: tiền của, nguyên vật liệu, thời gian, sức lao động

+ Liêm: Liêm khiết, trong sạch, không tham tiền tài, địa vị, danh vọng.

+ Chính: Chính trực, ngay thẳng, thật thà đối với mình, đối với người, đối với việc.

+ Chí công vô tư: Đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết, hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung, lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ

Các tiêu chuẩn đạo đức này có quan hệ chặt chẽ với nhau, tạo tiền đề cho nhau. Hồ Chí Minh xác định cần, kiệm, liêm, chính là bốn đức tính cần thiết của một con người, là thước đo trình độ văn minh, tiến bộ của một dân tộc.

Tinh thần quốc tế trong sáng, thủy chung

Nội dung chủ nghĩa quốc tế trong tư tưởng Hồ Chí Minh là sự thương yêu và tôn trọng tất cả các dân tộc, nhân dân các nước, chống bất bình đẳng dân tộc và sự phân biệt chủng tộc.  Tôn trọng, thương yêu các dân tộc; ủng hộ, giúp đỡ các dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng; xây dựng khối đoàn kết quốc tế trên cơ sở cùng có lợi, có lý, có tình.

Chuẩn mực đạo đức này điều chỉnh hành vi ứng xử của con người trong quan hệ giữa các quốc gia, dân tộc; nó có cơ sở từ bản chất quốc tế của giai cấp công nhân và của chế độ xã hội chủ nghĩa.

(Nguồn ảnh: http://tuyengiao.vn/nghien-cuu/ly-luan/tac-pham-dao-duc-cach-mang-voi-cong-tac-xay-dung-chinh-don-dang-116410)

1 nhận xét: