Chủ Nhật, 2 tháng 4, 2023

Bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng


Chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là vấn đề được nhiều quốc gia trên thế giới hết sức quan tâm, nhất là thời gian gần đây. Một số quốc gia xác định đây là nội dung quan trọng trong hoạch định chính sách, chiến lược phát triển đất nước. Tại Việt Nam, vấn đề chủ quyền quốc gia trên không gian mạng tuy còn khá mới mẻ nhưng được Đảng, Nhà nước hết sức coi trọng, với mục tiêu đề ra là bảo đảm tốt nhất an ninh con người, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia.

Thời gian qua, một số đối tượng phản động, cực đoan và tội phạm có tổ chức đã lợi dụng thành tựu của khoa học, công nghệ để tấn công cá nhân, quốc gia trên chính “vùng lãnh thổ mới” này. Chúng đã lợi dụng không gian mạng để chuyển hóa chế độ chính trị như: kích động biểu tình, phá rối an ninh, tiến hành cách mạng màu, cách mạng đường phố, bạo loạn và lật đổ. Điều này thể hiện rõ trong “Mùa xuân A Rập” diễn ra tại Trung Đông và Bắc Phi từ năm 2010 đến 2012.

Từ lời kêu gọi được phát đi trên Facebook, 18 ngày sau, chính quyền của Tổng thống Mubarak tại Ai Cập bị sụp đổ sau 30 năm cầm quyền, dù trước đó ông đã ra lệnh cắt internet và sóng di động nhưng cũng không ngăn cản được làn sóng biểu tình chống đối. Biểu hiện tiêu cực khác là việc sử dụng thành tựu khoa học-công nghệ để tác động vào cử tri đi bầu; thậm chí là quảng cáo chính trị làm thay đổi nhận thức, ý thức hệ nhằm gây ra sự bất mãn trong nhân dân với những ý đồ chính trị đen tối.

Từ những diễn biến phức tạp thời gian qua, vấn đề chủ quyền quốc gia trên không gian mạng đã và đang được nhiều nước hết sức coi trọng, từ đó ban hành những chính sách, biện pháp quản lý, kiểm soát phù hợp. Tại Việt Nam, từ năm 2018, Luật An ninh mạng được ban hành, trong đó xác định “An ninh mạng là sự bảo đảm hoạt động trên không gian mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân” và “Không gian mạng quốc gia là không gian mạng do Chính phủ xác lập, quản lý và kiểm soát”. Trước nguy cơ đe dọa chủ quyền quốc gia trên không gian mạng và bảo đảm an ninh mạng, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 25/7/2018 về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng”; Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 25/7/2018 về “Chiến lược An ninh mạng quốc gia”... Các văn kiện nêu trên thể hiện rõ quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, xác định bảo vệ an ninh mạng là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và cả hệ thống chính trị.

Phát biểu kết luận tại phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo An toàn, an ninh mạng quốc gia ngày 7/4/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Bảo đảm an toàn, an ninh mạng đã được xác định trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia.

Thực tế cho thấy, không gian mạng hiện đang là một vùng lãnh thổ mới rất cần được coi trọng. Theo Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an, không gian mạng là “không gian thứ năm, chiến trường thứ năm, miền thứ năm của quốc gia, bên cạnh vùng đất, vùng trời, vùng biển và không gian vũ trụ” (1). Theo đó, chủ quyền không gian mạng cần được nhìn nhận dưới góc độ chủ quyền và an ninh quốc gia.

Bảo vệ an ninh mạng là cấu thành trọng yếu của hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia. Các thông tin bịa đặt, xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, công kích chế độ, kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc,… cần phải được kiểm soát, ngăn chặn kịp thời. Các quốc gia, cá nhân, pháp nhân, tổ chức khác phải tôn trọng thể chế, pháp luật quốc gia trên không gian mạng.

Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học-công nghệ tạo ra thuận lợi, thời cơ cho đất nước ta đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, với những mục tiêu như xây dựng Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số. Tuy nhiên bên cạnh thời cơ, những thách thức, mối đe dọa từ không gian mạng đối với chủ quyền, lợi ích quốc gia, an ninh quốc gia cũng không ngừng gia tăng. Trong giai đoạn 2010-2021, với việc sử dụng hơn 8.784 web, blog có tên miền nước ngoài, 381 web, blog có tên miền trong nước, các lực lượng chống đối đã phát tán hơn 60.000 bản tin, bài viết nhằm bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, kích động biểu tình trên không gian mạng... nhưng đã bị lực lượng an ninh mạng của Việt Nam xử lý và ngăn chặn kịp thời. Ngoài ra, lực lượng chức năng của Việt Nam cũng đã phát hiện hơn 80% số vụ lộ bí mật nhà nước là qua hệ thống thông tin.

Để bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, bảo vệ hệ thống thông tin trọng yếu của quốc gia và bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ cả trong thời bình cũng như thời chiến, thời gian qua, lực lượng tác chiến không gian mạng của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an làm nòng cốt đã có sự kết hợp chặt chẽ với lực lượng tác chiến không gian mạng, công nghệ thông tin trong khối các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp...

Lực lượng này đã chủ động nắm, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình an ninh mạng trong nước và thế giới; kịp thời phát hiện, tổ chức đấu tranh phòng, chống gián điệp mạng nước ngoài, triển khai các giải pháp bảo vệ an ninh hệ thống mạng thông tin trọng yếu quốc gia; phòng, chống tấn công mạng; vô hiệu hóa các hoạt động chống phá trên không gian mạng; xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, cung cấp, sử dụng mạng internet và thông tin trên mạng...

Giai đoạn tới, dự báo tình hình diễn biến trên không gian mạng diễn ra hết sức phức tạp. Do đó để chủ động ứng phó, tác chiến trong mọi tình huống nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, bảo vệ an ninh mạng, lực lượng tác chiến trên không gian mạng, lực lượng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao cần tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng về bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng và An ninh mạng quốc gia, trọng tâm là Nghị quyết số 29-NQ/TW và Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Ngoài ra, các lực lượng chiến đấu và các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học và toàn xã hội cần nhận thức rõ vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, bảo vệ an ninh mạng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; kịp thời nhận diện các âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống phá và tội phạm trên không gian mạng; trên cơ sở đó chủ động tạo ra sức đề kháng trước các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc, kích động chống phá của các thế lực thù địch và phần tử xấu; luôn đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động bảo vệ an ninh thông tin đối với hệ thống thông tin được giao phụ trách; xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, an ninh nhân dân trên không gian mạng, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nguồn lực trong nhân dân để bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, vô hiệu hóa các luận điệu phản động trên không gian mạng; khẩn trương hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật nhằm thi hành Luật An ninh mạng; bảo vệ dữ liệu cá nhân; trình tự, thủ tục, thẩm quyền thu thập chứng cứ từ nguồn điện tử và biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt; kịp thời ban hành những quy định pháp luật quản lý “tiền ảo”, “tài sản ảo”, các loại thẻ thanh toán dịch vụ viễn thông, trò chơi trực tuyến trái pháp luật...

Việc nhận thức và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng cần được quán triệt đến mọi tầng lớp nhân dân, tổ chức nghiên cứu khoa học, bài bản để từng bước hoàn thiện cả về lý luận và thực tiễn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét