Thứ Tư, 5 tháng 4, 2023
CẦN NHẬN THỨC ĐÚNG ĐẮN TRONG ĐẤU TRANH CHỐNG ÂM MƯU PHÁ HOẠI KHỐI ĐOÀN KẾT DÂN TỘC
Kỳ thị dân tộc thường gắn liền với phân biệt đối xử dân tộc, chủng tộc; là sự nhìn nhận đánh giá làm giảm giá trị đối với một dân tộc, một chủng tộc từ quan niệm chính trị, văn hóa hoặc xã hội.
Ở Việt Nam trước đây, chế độ thực dân, đế quốc đã thực hiện chính sách chia để trị và chia cắt nước ta thành vùng miền với nhiều chính sách khác nhau trên các lĩnh vực nhằm tạo ra sự khác biệt cơ bản với âm mưu chia cắt vĩnh viễn đất nước.
Ngày nay, mặc dù chế độ đế quốc, thực dân không còn, nhưng nhen nhóm sự kỳ thị dân tộc vẫn luôn được các thế lực thù địch tuyên truyền, kích động hướng đến tư tưởng dân tộc cực đoan trong 54 đồng bào các dân tộc ở Việt Nam, hòng làm rạn nứt, phá hoại khối đoàn kết dân tộc. Đáng chú ý trên Internet, mạng xã hội hiện nay, cá biệt vẫn còn phân biệt vùng miền, dân tộc đa số, thiểu số với nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do thiếu hiểu biết, dựa trên cảm tính, điều này gây bức xúc trong dư luận xã hội, tác động tiêu cực đến suy nghĩ, tư tưởng, tình cảm của đồng bào các dân tộc.
Mỗi một dân tộc trong cộng đồng các dân tộc ở các quốc gia điều có cội nguồn lịch sử riêng của mình, nhưng quan trọng nhất là tinh thần đại đoàn kết. Bài học về sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu cho thấy, các thế lực thù địch sử dụng triệt để con bài kỳ thị chủng tộc đến chủ nghĩa dân tộc cực đoan để đòi quyền tự quyết của các dân tộc với chiêu bài “dân chủ, nhân quyền” để phá hoại các quốc gia không theo quỹ đạo của mình.
Hiện nay, ở nước ta do điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, khí hâu, thổ nhưỡng nên kinh tế, xã hội, trình độ dân trí một số đồng bào còn gặp khó khăn nên một bộ phận người dân có suy nghĩ lệch lạc đã có những phát ngôn mang tính phân biệt, thiếu chuẩn mực, thiếu tôn trọng người khác, việc này cần phải loại bỏ ngay trong xã hội hiện đại.
Việc cấm phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc, sắc tộc đã được quy định trong nhiều điều ước quốc tế và tạo thành yếu tố quan trọng trong pháp luật của nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, với chính sách và pháp luật thể hiện tinh thần tiến bộ, bình đẳng, công bằng, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc được quốc tế công nhận.
Vấn đề này, càng được Đảng ta quan tâm, trong mục tiêu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế hiện nay, Đảng ta mong muốn xây dựng dân tộc Việt Nam đoàn kết, vững mạnh trong các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng và được cụ thể hóa trong các luật, văn bản dưới luật khác của Nhà nước.
Đoàn kết có vai trò đặc biệt quan trọng và đóng góp to lớn cho sự hình thành, phát triển của một quốc gia. Có những quốc gia, vì giữ được đoàn kết, đất nước họ phát triển bền vững, nhưng cũng có quốc gia vì không đoàn kết, chia rẽ, bè phái, cực đoan dân tộc, tôn giáo… nên nền kinh tế không ổn định, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, thậm chí bị các thế lực bên ngoài thâu tóm, trở thành “sân sau” kiểu mới.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, bên cạnh việc phát huy sức mạnh tổng hợp quốc gia (về chính trị, kinh tế, tài nguyên thiên nhiên, con người, nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, an ninh, quốc phòng, đối ngoại) thì đoàn kết là tinh thần, sức mạnh to lớn để thúc đẩy thực hiện các lĩnh vực, xây dựng đất nước, “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Có thể khẳng định, dân tộc nào cũng có thế mạnh và hạn chế của mình, điều quan trọng là chúng ta cần quan tâm phát huy điểm mạnh, khắc phục hạn chế và cần giáo dục, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết! “Thành công, thành công, đại thành công”; “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.
Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, định hướng, gìn giữ, phát triển tinh thần đại đoàn kết dân tộc trong cương lĩnh chính trị về xây dựng và phát triển đất nước. Vì vậy mỗi công dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác hơn nữa, phát huy trách nhiệm của bản thân trong phòng ngừa, ngăn chặn “mầm mống” phân biệt chủng tộc, dân tộc và tỉnh táo trước mọi âm mưu của các thế lực đối với đất nước ta.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét