Chủ Nhật, 16 tháng 4, 2023

Cần nhận thức đúng: tự do internet phải đảm bảo trong khuôn khổ pháp luật

 Cần nhận thức đúng: tự do internet phải đảm bảo trong khuôn khổ pháp luật

            Gần đây, có một số quan điểm cho rằng: “Việt Nam kiểm soát Internet”, “người dân không có tự do Internet”. Đây là những lời lẽ cố tình xuyên tạc về tự do Internet tại Việt Nam, thực chất là chiêu trò đánh tráo khái niệm về tự do ngôn luận, dùng tự do internet để chống phá Đảng, Nhà nước, nhân dân ta, cần nhận diện và đấu tranh bác bỏ.

          Chúng ta biết rằng, tự do Internet là một trong những quyền cơ bản của con người trong thời đại ngày nay. Đó là quyền được thông tin, trao đổi, giao tiếp, thể hiện ý chí và nguyện vọng của mỗi cá nhân và tổ chức qua các phương tiện kết nối Internet. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều quyền cơ bản của con người, quyền tự do Internet phải đặt trong khuôn khổ của pháp luật.

          Thực tế, tại nhiều quốc gia - dân tộc trên thế giới đều khẳng định, pháp luật vừa là công cụ quản lý nhà nước hữu hiệu, vừa tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quyền tự do của công dân nói chung và quyền tự do internet nói riêng. Luật An ninh mạng các nước yêu cầu đối với người sử dụng mạng Internet phải tuân thủ pháp luật, cấm các âm mưu sử dụng bạo lực lật đổ an ninh quốc gia, cấm xúi giục hành vi phạm tội; quy định mức phạt đối với những người đăng tải những thông tin sai lên hệ thống máy tính nhằm phá hoại an ninh quốc gia, an toàn công cộng, sự ổn định kinh tế quốc dân hay hạ tầng cơ sở công cộng hoặc gây hoang mang.

          Đối với Việt Nam, là thành viên có trách nhiệm của Liên Hợp quốc, Việt Nam đã sớm tham gia, ký kết các điều ước quốc tế về bảo đảm các quyền cơ bản của con người và quyền công dân, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do Internet. Những quyền cơ bản này đều được khẳng định trong các bản Hiến pháp của Việt Nam và tiếp tục được hiến định tại Điều 25, Hiến pháp năm 2013: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Thực tiễn, nhiều đối tượng lợi dụng Internet chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ đều bị trừng trị thích đáng… Điều này cho thấy, chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do con người, tự do Internet, tuy nhiên mọi hành vi chống phá, xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc đều phải bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật.

          Từ thực tế các quốc gia - dân tộc trên thế giới và ở Việt Nam cho thấy, Internet đã trở thành nhu cầu thiết yếu của mọi người dân, là nền tảng để phát triển kinh tế số, xã hội số trong sự phát triển của nhân loại. Luận điệu cho rằng, “Việt Nam kiểm soát Internet”, “người dân không có tự do Internet” là phiến diện, thiếu khách quan, không phản ánh đúng thực tế ở Việt Nam cần phải được lên án, đấu tranh, bác bỏ kịp thời./.

1 nhận xét:

  1. Chúng ta phải tích cực đấu tranh vạch trần bộ mặt nhơ bẩn của bọn phản động thông qua các bình luận ở các tài khoản của bọn chúng.

    Trả lờiXóa