Thứ Ba, 11 tháng 4, 2023

CẢNH GIÁC TRƯỚC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC, CHỐNG PHÁ CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH VỀ CHÍNH SÁCH HÒA GIẢI, HÒAHỢP DÂN TỘC CỦA VIỆT NAM

 

Cách đây 48 năm, ngày 30-4-1975, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc lập đã đánh dấu chiến thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Đây là chiến thắng có ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX.

 

Hàng năm, mỗi dịp đất nước kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước thì các tổ chức phản động, các phần tử cực đoan chính trị lại rêu rao những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận thành quả cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Cùng với sự trợ giúp của các tổ chức phản động và chiến lược diễn biến hòa bình, tần suất chống phá ngày một gia tăng, nhất là trên không gian mạng. Mục đích chính của chúng là kích động lòng thù hận trong các thế hệ và chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Các tổ chức khủng bố như Việt Tân, Triều đại Việt đã triệt để tận dụng mạng internet để tạo các luồng thông tin ngược dòng lịch sử, phủ nhận chiến thắng vĩ đại 30-4, xuyên tạc thành tựu của đất nước trong công cuộc xây dựng, đổi mới. Chúng thường xuyên lặp lại những câu từ sáo rỗng như: “30-4 là ngày quốc hận”, đòi hỏi “phục quốc”; suy diễn, đánh tráo bản chất của cuộc chiến bảo vệ độc lập dân tộc của nhân dân ta là “cuộc nội chiến”, chiến tranh “ý thức hệ”.


Trước hết, phải khẳng định rằng, đó là những luận điệu hoàn toàn sai trái, phủ nhận sạch trơn mọi sự hy sinh của thế hệ cha ông để đất nước có được hòa bình, độc lập, thống nhất và phát triển như hôm nay. Trải qua gần 50 năm, kể từ chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam trước đế quốc Mỹ hùng cường, các thế hệ người dân Việt Nam càng cảm nhận đầy đủ và sâu sắc giá trị của chiến công chói lọi mang tầm vóc thời đại này.


Thực tế lịch sử đã chỉ rõ, sự sụp đổ của chế độ ngụy quyền Sài Gòn với hình thức chính thể “Việt Nam cộng hòa” trong cơn bão táp cách mạng giải phóng miền Nam 30/4/1975 là bằng chứng rõ ràng về sự phá sản, thất bại của chủ nghĩa thực dân mới, chủ nghĩa đế quốc. Đó là sự phá sản, thất bại của các thế lực xâm lược bên ngoài hòng áp đặt ách thống trị, nô dịch, áp bức, bóc lột Nhân dân ta ở miền Nam, được ngụy trang và biện minh bằng những lời lẽ tốt đẹp, những “học thuyết” và “chính sách” tô vẽ cho dân chủ, tự do, cho tiến bộ và phát triển đầy giả dối theo hệ giá trị của Mỹ.


Đã có rất nhiều tiếng nói từ những người ở phía bên kia chiến tuyến sau này thừa nhận sai lầm của họ và ghi nhận chiến thắng vĩ đại của cả dân tộc Việt Nam cũng như chiến công của những người cộng sản. Ngay cựu Thủ tướng Việt Nam cộng hòa Nguyễn Cao Kỳ khi nhận xét về việc một số người gọi ngày 30/4 là ngày “quốc hận” và đòi “phục quốc”, ông đã nói rằng: “Thống nhất xứ sở là nhiệm vụ lịch sử của mỗi một người con Việt Nam nhưng chúng tôi đã không làm được. Những người anh em phía bên kia đã làm được, phải chấp nhận đó là lịch sử và đất nước đã được thống nhất rồi. Vậy mà còn quay ra nói phục quốc? Nước Việt Nam có mất cho Tây đâu mà phục quốc?”. Chiến thắng 30/4/1975 là sự khẳng định với toàn thể thế giới về ý chí, nghị lực, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đấu tranh vì độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất non sông. Khát vọng thống nhất đất nước, bảo vệ chủ quyền là một sức mạnh vô song có thể giúp một dân tộc nhỏ, với tính chính nghĩa làm nên những chiến công hiển hách, vĩ đại. 


Cùng với đó có thể khẳng định chắc chắn rằng cuộc chiến 1954-1975 không phải một cuộc nội chiến, bởi lẽ với sự có mặt gần 1 triệu lượt binh lính nước ngoài thuộc 7 nước liên quân, trong đó, hơn 50 vạn quân Mỹ trong suốt cuộc chiến. Chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm sẽ không thể thành lập nếu không có sự giúp đỡ, hậu thuẫn của Mỹ và hơn thế nữa, Hoa Kỳ đã bỏ ra hơn 900 tỷ USD thời điểm đó, 53.000 nhân mạng cho cái mà chúng gọi là "cuộc nội chiến". Lịch sử đã chỉ rõ, từ năm 1949, Mỹ bắt đầu can thiệp, giúp đỡ thực dân Pháp trong cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương. 

        

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954) và Hiệp định Geneve (21/7/1954), Pháp buộc phải rút quân về nước, Mỹ thay chân Pháp, dựng lên chính quyền bù nhìn Ngô Đình Diệm với mục đích phá hoại Hiệp định Genève, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới. Thực chất đây là cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, không phải là “nội chiến” hay chiến tranh “ý thức hệ”. Đối với dân tộc Việt Nam, đây là cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, cùng đi lên chủ nghĩa xã hội. 


Những quan điểm, luận điệu, yêu sách sai trái, tiêu cực không phải xuất phát từ thiện chí hòa hợp, hòa giải dân tộc mà chỉ là một thủ đoạn để khoét sâu hận thù, kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc của những thế lực chống phá đất nước. Hơn ai hết, thế hệ trẻ - những người gắn bó mật thiết với sự phát triển của khoa học, công nghệ - cần tỉnh táo, tiên phong trong việc phản bác lại những quan điểm sai trái, đi ngược lại giá trị của dân tộc Việt Nam, những ý kiến lạc lõng, xuyên tạc về ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng đó, cần phải kiên quyết đấu tranh, bác bỏ. Dù chúng cố tình xuyên tạc, bóp méo thì cũng không thể làm lu mờ giá trị, ý nghĩa của sự kiện 30/4/1975 đối với tiến trình phát triển đất nước Việt Nam từ cội nguồn đến hiện tại và tương lai./. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét