Thứ Ba, 11 tháng 4, 2023

CẢNH GIÁC TRƯỚC NHỮNG “CHIÊU TRÒ” CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH TRÊN LĨNH VỰC VĂN HỌC - NGHỆ THUẬT

 Nếu như văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, là sức mạnh nội sinh của đất nước, thì văn học - nghệ thuật là nhu cầu thiết yếu thể hiện khát vọng chân - thiện - mỹ của con người, là một trong những nguồn lực to lớn, trực tiếp góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Theo suốt chiều dài lịch sử, văn học - nghệ thuật đã đồng hành cùng công cuộc trường chinh của dân tộc, khích lệ, cổ vũ tinh thần yêu nước của quân và dân ta, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển đất nước, con người Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những lĩnh vực mà các thế lực thù địch, phản động cùng những phần tử cơ hội thường xuyên lợi dụng để chống phá công cuộc xây dựng và phát triển đất nước của chúng ta.

Với mục đích tạo ra “mũi đột phá”, “thọc sâu” vào ý thức hệ của Nhân dân, nhằm làm tan rã niềm tin, gây hỗn loạn về tư tưởng, tạo ra “khoảng trống” để dần dần đưa hệ tư tưởng tư sản vào và tiến tới xóa bỏ hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa, các thế lực thù địch đã sử dụng nhiều âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn học - nghệ thuật một cách tinh vi, xảo quyệt cả trực tiếp lẫn gián tiếp trong quá trình sáng tạo, quản lý, truyền bá và lý luận, phê bình văn học - nghệ thuật bằng những vỏ bọc “văn học”, “nghệ thuật”, “những sự kiện có thật”, đánh vào thị hiếu của con người.
Các thế lực thù địch đã truyền bá các tác phẩm văn học, hội họa, những chương trình ca nhạc, phim ảnh có nội dung chống chế độ, dưới chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” để phủ nhận thành quả của cách mạng, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và chế độ xã hội chủ nghĩa. Chúng còn đẩy mạnh tuyên truyền sai lệch về quan điểm, đường lối văn học, nghệ thuật của Đảng, rằng: “đường lối văn nghệ của Đảng là cứng nhắc, ép buộc”; cáo buộc các tác phẩm “phải chịu sự kiểm duyệt chặt chẽ của Nhà nước”, hay vu cáo “sự độc đoán về tư tưởng đã bóp chết văn học, nghệ thuật”...
Bên cạnh đó, các thế lực thù địch tăng cường kích động xu thế “giải thiêng” trong văn học. Xét mặt tích cực, đây là một trong những dấu hiệu thể hiện sự đổi mới trong tư duy, cảm thức, cách tiếp cận và phương thức tự sự lịch sử đương đại. Tuy nhiên, một số cây bút có tư tưởng phản động đã cố tình “cài cắm” luận điệu tự do trong sáng tác và coi đó là “bản lĩnh” của các nhà văn, là một sự “cách tân” trong văn học. Với luận điệu Nổi loạn là bản chất của sự sáng tạo,... một số tác giả có ý đồ cố tình công bố những tác phẩm xếp vào hàng “đổi mới”, nhưng kỳ thực không có tư tưởng gì mới, mà chỉ bộc lộ những bất mãn, chống đối, xuyên tạc và vô hình làm cho các thế lực thù địch triệt để lợi dụng tung hô, cổ súy. Họ đang mưu toan dấy lên một cuộc gọi là “chấn hưng văn hóa dân tộc” bằng việc đánh giá sai lệch, phiến diện, phủ nhận, cố tình lãng quên thành tựu của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, làm lẫn lộn hoặc cố tình lập lờ về bản chất, tính chính nghĩa của các cuộc kháng chiến; từ đó, gây ra sự hoài nghi, mất niềm tin của Nhân dân vào Đảng và chế độ. Một số tác phẩm văn học - nghệ thuật lệch lạc, bóp méo, bôi đen lịch sử hoặc dùng những hình tượng mang tính ẩn dụ đen tối nhằm giễu nhại con đường cách mạng của dân tộc mà Đảng và Nhân dân ta đã lựa chọn. Một điều dễ nhận thấy là, nội dung chính của những tác phẩm dạng này có tư tưởng khôi phục, giải oan, đề cao các nhân vật lịch sử đã từng có tội với dân tộc.
Một biểu hiện nguy hiểm khác đó là, để đẩy nhanh “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, các thế lực thù địch đã tăng cường kích động văn nghệ sĩ phát tán những công trình nghiên cứu, lôi kéo một bộ phận văn nghệ sĩ ngả nghiêng theo các luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật về Đảng và Nhà nước ta với mục tiêu hòng thay đổi hệ giá trị văn hóa Việt Nam bằng hệ giá trị văn hóa tư sản. Một số tác phẩm xa rời những vấn đề lớn của đời sống đất nước, lảng tránh những vấn đề đang đặt ra trong sự phát triển; đi vào những cái tầm thường, coi đó là mục tiêu của sáng tạo văn học - nghệ thuật. Nghiêm trọng hơn là trong giới văn nghệ sĩ đã có người phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, văn học - nghệ thuật.
Chúng còn lợi dụng ảnh hưởng của các nhà văn, nhà thơ lớn nhưng có sự dao động về tư tưởng để dẫn dụ, định hướng dư luận trước những vấn đề bức xúc của xã hội nhằm thổi phồng những nguy cơ, mặt trái của đời sống xã hội để tăng cường chống phá; hoặc “cài cắm” những quan điểm nhầm lẫn giữa cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc chống kẻ thù xâm lược với những cuộc nội chiến phi nghĩa, hao xương tổn máu mà các thế lực phản động quy kết từ đó xuyên tạc chân lý, giễu nhại con đường cách mạng mà Đảng và Nhân dân ta đã lựa chọn. Một số văn nghệ sĩ chỉ chú trọng “phanh phui” mặt tiêu cực, góc tối, cái xấu của xã hội và con người với một giọng điệu đầy ác ý và vô cảm. Họ không nhận ra rằng, điều đó đã góp phần làm xói mòn giá trị chân - thiện - mỹ cao đẹp, đánh mất lòng tự tôn, tự hào dân tộc, coi nhẹ giá trị nhân văn cốt lõi của sáng tạo văn học nghệ thuật. Số lượng “tác phẩm” loại này không nhiều nhưng tác hại lại rất lớn, vì nó đánh phá vào niềm tin của con người; dẫn dụ một bộ phận cán bộ, quần chúng tự tách mình ra khỏi cuộc sống, tự coi mình là vô can để có quyền phủ định, giễu nhại, phán xét.
Mặt khác, một số tác giả hải ngoại đã phát tán nhiều tài liệu, bình luận với dụng ý hạ thấp, bôi nhọ danh dự Chủ tịch Hồ Chí Minh, cố tình trích dẫn và bình luận dụng ý xấu các cuốn sách, tư liệu đã hội thảo về Bác Hồ, các chí sĩ yêu nước, anh hùng dân tộc. Một số tác giả còn công bố những bài phân tích ca ngợi một chiều các nhân vật cơ hội chính trị, tư tưởng dao động bằng nhiều chi tiết không có thật, lẩn tránh cái nhìn toàn diện, biện chứng và dẫn đến sự cố tình không trung thực trong học thuật.
Chính vì vậy, nhận diện, cảnh giác trước những chiêu trò, âm mưu, thủ đoạn và đấu tranh chống lại những quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật sẽ góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, làm trong sáng đời sống tinh thần, tư tưởng cho con người và toàn xã hội. Trách nhiệm đó đang đặt lên vai các văn nghệ sĩ chân chính nhằm đưa nền văn học - nghệ thuật Việt Nam nói chung, văn học – nghệ thuật Quảng Trị nói riêng ngày càng tiến bộ, luôn là một phần tinh túy của văn hóa, là nền tảng tinh thần xã hội, là động lực phát triển đất nước. Mặt khác, hơn lúc nào hết, người tiếp nhận hiện nay cũng cần có cái nhìn khách quan, trung thực, biết gạn đục, khơi trong để không mất thì giờ đối với “những câu chuyện bịa đặt”./.
Minh Huyền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét