Thứ Tư, 12 tháng 4, 2023

CHA ÔNG TA ĐÁNH GIẶC: NHỮNG KỶ NIỆM KHÔNG QUÊN!

     Chúng tôi không thể nào quên những kỷ niệm đặc biệt khi góp mặt trong đội hình Quân tình nguyện Việt Nam sát cánh cùng bộ đội Pathet Lào giải phóng Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng năm 1972. Thấm thoát thế mà đã hơn 50 năm!

Năm 1972, lực lượng phản động Lào cùng với 6 trung đoàn quân chủ lực của Thái Lan dưới sự chi viện của Mỹ lợi dụng mùa mưa cùng khó khăn của ta và bạn đã đánh chiếm toàn bộ Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng, rồi Phu Tâm, Phu Theng Leng, Bản Tôn, căn cứ Sầm Thông, Bom Lọng... buộc Trung đoàn 866 Quân tình nguyện Việt Nam phải lui về Mường Xén.

Đây thực sự là khó khăn của cả ta và bạn. Trước tình hình đó, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng điều động Sư đoàn 316 quân chủ lực của Bộ đang đứng chân tại Nghệ An vào chiến trường với biệt danh là “Quân tình nguyện 866”.

Cuối mùa mưa ở Xiêng Khoảng, sông suối, lũ nước dâng cao khiến việc di chuyển, nhất là vận tải lương thực, đạn dược cực kỳ khó khăn. Chúng tôi hành quân bộ, ngoài việc mang vũ khí, trang bị còn cố gắng đem theo mỗi người 15-20kg lương thực để bảo đảm cho chiến dịch.

Chấp hành chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Tư lệnh Mặt trận 31 (Mặt trận Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng), chúng tôi đi tiên phong vượt biên giới Việt-Lào. Lúc đó, tôi đang là Đại đội trưởng Đại đội 9, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 148, Sư đoàn 316. Đón chúng tôi tại Bản Ban là một tổ bộ đội Lào gồm 3 đồng chí, tất cả đều nói được tiếng Việt.

Các đồng chí giới thiệu với chúng tôi sơ bộ về tình hình địch và khó khăn thực tế, đặc biệt là về vũ khí, thuốc men và lương thực. Anh em chúng tôi bàn nhau bí mật hành quân và ăn dè ăn xẻn để kéo dài về lương thực, rồi cứ thế đêm đi, ngày nghỉ, đi sâu vào chân dãy núi Phu Tâm để chuẩn bị chiến dịch.

Việc đi lại hết sức khó khăn bởi ban ngày, máy bay trinh sát OV-10 của Mỹ lùng quét, ban đêm thì lực lượng phản động Lào phục kích. Nhưng với quyết tâm như lời Bác Hồ dạy: “Giúp bạn là tự giúp mình”, Tiểu đoàn 6 do anh Đào Trọng Lịch (sau này là Trung tướng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) làm Tiểu đoàn trưởng, được giao nhiệm vụ đánh đồi Năm Mỏm và sân bay Xiêng Khoảng, trong đó Đại đội 9 của chúng tôi đánh hướng chủ yếu.

5 giờ sáng, chúng tôi bắt đầu tấn công đồi Năm Mỏm. Lực lượng phản động Lào và quân Thái Lan chống trả quyết liệt. Nhưng chỉ sau một giờ chiến đấu, chúng tôi đã giải phóng được đồi Năm Mỏm và phát triển xuống sân bay Xiêng Khoảng, cùng các đơn vị khác làm chủ sân bay.

Sau đó, chúng tôi được lệnh sẵn sàng đánh địch phản kích. Bố trí xong lực lượng, tôi điện báo cáo anh Đào Trọng Lịch. Ở đầu dây bên kia, đồng chí Tiểu đoàn trưởng biểu dương Đại đội 9 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và hỏi: “Lân ơi, chiến lợi phẩm có gạo không? Cậu cho tớ một ít, mấy hôm nay Tiểu đoàn ăn cháo với lương khô rồi”. Thế là tôi vội cử một tốp vận chuyển gạo cho Tiểu đoàn. Anh Lịch mừng quá reo lên: “Thế là không những thắng địch mà còn chống đói cho Tiểu đoàn”.

Trong thời gian củng cố công sự, chờ đánh địch phản kích, tìm hiểu qua phía bạn, tôi được biết tổ dẫn đường có anh Douangchay Phichit (sau là Thượng tướng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó thủ tướng, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào). Lúc gặp tôi, anh Douangchay Phichit nói: “Các đồng chí giúp chúng tôi đuổi bọn phản động và tiêu diệt lực lượng nước ngoài, chứ người Lào ít lắm”.

Làm chủ được Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng, chúng tôi lại nhận được lệnh mới của Tư lệnh Mặt trận 31 và Sư đoàn, Trung đoàn. Đại đội 9 khi đó còn hơn 100 đồng chí, có nhiệm vụ thọc sâu, giải phóng căn cứ Sầm Thông. Thế là anh em hăng hái lên đường, vừa hành quân vừa chiến đấu với quyết tâm đánh vào căn cứ Sầm Thông một cách nhanh nhất.

Dưới sự chi viện của pháo binh mặt trận và sư đoàn, lại có phía bạn dẫn đường, chúng tôi nhanh chóng đánh vào sào huyệt địch tại căn cứ Sầm Thông. Nhân dân rất phấn khởi và vui mừng đón quân giải phóng Pathet Lào và bộ đội Việt Nam. Thế nhưng, chỉ ít ngày sau, khi phát hiện lực lượng của chúng tôi quá mỏng, lực lượng phản động Lào cùng 5 trung đoàn quân Thái Lan phản kích tái chiếm Sầm Thông.

Dưới sự chi viện của pháo binh tầm xa của mặt trận và sự dũng cảm chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ Việt Nam và Lào, chúng tôi giữ được gần một tháng trước khi được lệnh của Mặt trận và Trung đoàn vừa đánh địch vừa rút khỏi căn cứ để tập trung lực lượng bảo vệ Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng.

Lúc này, Đại đội 9 của tôi còn gần 60 người. Sau khi hội ý, chúng tôi chia thành 2 tốp, trong đó anh Tiếu, Đại đội phó, chỉ huy một tốp 30 người, còn tôi chỉ huy một tốp gần 30 người vừa đánh vừa rút. Anh Tiếu đi đêm ngày nghỉ, còn tôi ngày đi đêm nghỉ. Hướng của anh Tiếu bị địch phục kích liên tục nên khi về đến căn cứ chỉ còn gần chục đồng chí, hướng của tôi thì còn nguyên vẹn. Về đến căn cứ, Tiểu đoàn trưởng Đào Trọng Lịch ôm chầm lấy tôi và hét lên: “Tao tưởng không gặp được chúng mày nữa”.

Bổ sung quân số và tổ chức lại đội hình, chúng tôi tiếp tục được giao nhiệm vụ chốt đồi Năm Mỏm để đánh địch phản kích. Dưới sự chỉ huy của Mỹ, lực lượng phản động Vàng Pao và quân Thái Lan dùng không quân ném bom rất ác liệt và dùng trực thăng đổ quân xuống sân bay Xiêng Khoảng. Cuộc chiến đấu rất cam go và quyết liệt. Mỗi ngày, chúng ném bom không biết bao nhiêu lần. Có lần, tôi bị vùi sâu hàng mét và nhờ anh em đào bới mới may mắn thoát ra được, nhưng hầm cũng chẳng còn nữa.

Với pháo binh của cấp trên yểm trợ, chúng tôi cùng các đơn vị bạn đã đánh tan hàng chục đợt phản kích của địch, giữ vững trận địa; đồng thời cùng các đơn vị bạn truy quét địch, buộc chúng phải rút khỏi Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng. Từ đó, ta và bạn thực sự làm chủ Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng cho đến ngày đất nước Lào hoàn toàn giải phóng.

Sau này, khi nước ta và Lào đã được sống trong hòa bình, anh Douangchay Phichit trở thành Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào, còn tôi được giao nhiệm vụ làm Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng Việt Nam. Tôi vẫn nhớ mỗi lần sang thăm, trong chương trình của anh Douangchay Phichit bao giờ cũng không thể thiếu một nội dung, đó là đến Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc tế Việt-Lào (huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An) để thắp hương cho các đồng đội, đồng chí đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng nhân dân Lào.

Viết đôi điều như vậy để tưởng nhớ những người đồng đội đã hy sinh vì cách mạng Lào và trân trọng các bạn Lào, dù ở cương vị nào cũng đối xử với chúng ta rất sâu sắc và biết ơn.

Hơn 50 năm đã trôi qua, nhưng một người lính từng trải qua khó khăn, gian khổ trong chiến tranh như tôi luôn tin tưởng rằng, từ các đồng chí lãnh đạo cao nhất của hai Đảng đến cán bộ, chiến sĩ và nhân dân hai nước Việt-Lào vẫn giữ vững tinh thần “hạt gạo chia đôi, cọng rau sẻ nửa”, cùng nhau đoàn kết phấn đấu vì hạnh phúc của nhân dân hai nước./.
Yêu nước ST.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét