Thứ Ba, 11 tháng 4, 2023

CHA ÔNG TA GIỮ NƯỚC: ĐẶNG DUNG, ĐẶNG TẤT-HAI CHA CON ĐỀU LÀ BẬC ANH HÙNG CỨU NƯỚC!

"QUỐC SĨ VÔ SONG SONG QUỐC SĨ 
ANH HÙNG VÔ NHỊ NHỊ ANH HÙNG "
Đó là 2 câu thơ của vua Lê Thánh Tông về 2 vị anh hùng có một không hai trong lịch sử Việt Nam, cha con Đặng Tất và Đặng Dung. Có lẽ chúng ta đã nghe và biết đến quá nhiều về hình ảnh của các vị anh hùng trung quân ái quốc, nghĩa khí ngút trời trong lịch sử Trung Hoa qua các tác phẩm tiểu thuyết, điện ảnh. Thế nhưng lịch sử Việt Nam cũng không hề thiếu những bậc anh hùng như vậy, thậm chí còn không cần phải tô vẽ thêm bất cứ điều gì ! 

Cha con Đặng Tất - Đặng Dung chính là 2 vị anh hùng như vậy. 

Trần Ngỗi là con thứ của vua Trần Nghệ Tông, tự xưng là Giản Định Hoàng đế, tổ chức khởi nghĩa ở Mộ Độ (Yên Mô, Ninh Bình). Khi khởi nghĩa của Trần Ngỗi bị đàn áp, phải rút vào Nghệ An, một số thủ lĩnh nghĩa quân và quan lại yêu nước của nhà Trần, nhà Hồ cùng đông đảo Nhân dân Nghệ An tham gia. 

Cũng năm 1407, cha con Đặng Tất, Đặng Dung dấy nghĩa chống Minh ở Hóa Châu rồi khi Giản Định đế rút vào Nghệ An, ông mang theo quân ra phò vua, cùng với Nguyễn Cảnh Chân là hai nhân vật chủ yếu của cuộc khởi nghĩa. 

Trước thế giặc mạnh, Đặng Tất, Đặng Dung cùng vua tôi nhà Hậu Trần vẫn kiên cường chiến đấu và lập được nhiều chiến công hiển hách, trong đó phải kể đến trận Bô Cô với chiến tích vô tiền khoáng hậu, tiêu diệt 10 vạn tinh binh quân Minh cùng với hàng loạt các danh tướng của quân địch. Trận chiến này tuy ít được nhắc tới vì số trời không cho nhà Hậu Trần một lần nữa được làm chủ đất Việt nhưng uy danh của nó thì không hề kém những Bạch Đằng, Chi Lăng, hay Đống Đa. 

Đặng Dung Đặng Tất giết chết được thượng thư bộ binh Lưu Tuấn, Đô ti Lữ Nghị của nhà Minh và 10 vạn đại quân của giặc. Đây có thể coi là trận đánh kinh điển có 1 không 2 trong lịch sử Việt Nam. Trận đánh lấy ít địch nhiều thuộc hàng siêu phẩm này có thể trở thành tuyệt tác trong sách giáo khoa về nghệ thuật quân sự của Việt Nam. 

Trận Bô Cô đã phần nào thay đổi cán cân lực lượng, khí thế nghĩa quân dâng cao ngút trời, cơ đồ nước Việt sắp được trung hưng 1 lần nữa. Thế nhưng thật đáng tiếc vì nghe lời khuyên của hoạn quan là Nguyễn Quỹ và kẻ học trò Nguyễn Mộng Trang, nói rằng Đặng Tất chuyên quyền, vua Giản Định Đế đem lòng ngờ vực đã giết Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân. Đặng Dung tức giận bỏ Trần Ngỗi, cùng Nguyễn Cảnh Dị (con của Nguyễn Cảnh Chân) và Nguyễn Súy đem binh Thuận hóa về Thanh Hóa, rước Trần Quý Khoáng đến Nghệ An lập làm vua.

Sau này bọn Nguyễn Súy bắt được Giản Định Đế, nhưng trước mối thù giết cha, Đặng Dung gạt lệ bỏ qua mà đặt nợ nước lên hàng đầu, vì nghĩa lớn tôn Giản Định Đế lên làm Thái Thượng Hoàng, cùng mưu tính việc lớn.

Dưới trướng minh chủ mới, từ năm 1409 đến 1413, ông cùng Nguyễn Cảnh Dị (con trai Nguyễn Cảnh Chân), Nguyễn Súy, Nguyễn Biểu… giao chiến với quân Minh hàng chục trận lớn nhỏ, giành nhiều chiến thắng, giải phóng được nhiều vùng rộng lớn. Từ Nghệ An, nghĩa quân đã tiến ra Bắc, Đặng Dung tung quân đánh chiếm của Hàm Tử, Bình Than… làm cho quân Minh khốn đốn phải hai lần điều quân sang tiếp viện.

Tuy nhiên, do lực lượng quá chênh lệch, vận khí của họ Trần đã cạn, dù có lúc giành được những thắng lợi lớn, cuối cùng, Đặng Dung không thể giúp nhà Trần dành lại cơ nghiệp. Đặng Dung và nghĩa quân không cản nổi cuộc tấn công của Trương Phụ, Mộc Thạnh.

Đầu năm 1414, Đặng Dung rơi vào tay giặc Minh, Trương Phụ mở tiệc khoản đãi, dụ dỗ ông nhưng Đặng Dung thà chết chứ không can tâm làm tay sai của giặc. Dụ dỗ không được, chúng đưa ông lên thuyền cùng vua Trùng Quang Đế giải về Trung Quốc.

Trên đường đi ông khắc lên ván thuyền bài thơ “Cảm Hoài” gửi tâm sự lại cho hậu thế. Rồi lợi dụng sự canh phòng sơ hở của giặc, ông nhảy xuống sông tuẫn tiết. Bài thơ của ông tỏ rõ lòng yêu nước và khí phách phi phàm, trong đó có những câu như: “Thù trả chưa xong đầu đã bạc. Gươm mài bóng nguyệt biết bao rày“./.
Yêu nước ST.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét