Thứ Tư, 12 tháng 4, 2023

Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh soi sáng con đường đổi mới ở Việt Nam hiện nay

        Từ khi ra đời đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn là đội tiên phong và là đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam; đồng thời, góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng và tiến bộ trên thế giới. Đây cũng chính là mục tiêu cốt lõi được thể hiện trong chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh mà Người đã nhiều lần khẳng định: “Về phần chúng tôi, chính là do cố gắng vận dụng những lời dạy của Lênin, nhưng vận dụng một cách sáng tạo, phù hợp với thực tế Việt Nam ngày nay, mà chúng tôi đã chiến đấu và giành được những thắng lợi to lớn… chúng tôi giành được những thắng lợi đó trước hết là nhờ cái vũ khí không gì thay thế được là chủ nghĩa Mác - Lênin”. Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, dân tộc ta đã giành được độc lập, thống nhất đất nước và tiến hành công cuộc đổi mới, thu được những thành tựu làm thay đổi căn bản đời sống xã hội, được nhân dân và bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
        Sau sự nghiệp giải phóng dân tộc, cách mạng Việt Nam đã chuyển sang một giai đoạn mới. Nội dung, tính chất của cuộc đấu tranh cách mạng đã thay đổi về cơ bản. Phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường đinh hướng xã hội chủ nghĩa, tạo nên một cơ chế có động lực mạnh mẽ: kết hợp hài hòa các lợi ích vật chất và nhân đạo hơn quan hệ xã hội; xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; đảm bảo một xã hội có kỷ cương và thực hiện trên thực tế quyền làm chủ của nhân dân; dân chủ hóa toàn diện xã hội, phát huy mạnh mẽ sức mạnh của cả cộng đồng và sức mạnh của từng con người Việt Nam; thực hiện khối đại đoàn kết toàn dân, hòa hợp dân tộc; đoàn kết quốc tế, thêm bạn bớt thù; từng bước hoàn thiện mô hình mới của Việt Nam quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Công cuộc đổi mới ở nước ta, xét về phương diện lý luận là sự kế thừa và phát triển sáng tạo bản chất tư tưởng cách mạng và khoa học của Mác, Lênin và Hồ Chí Minh. Tư tưởng xuyên suốt đường lối đổi mới là giải phóng và phát triển - giải phóng và phát triển mọi tiềm năng của đất nước, từng bước hiện thực hóa mục tiêu cao đẹp là phấn đấu để mọi người Việt Nam ai cũng có cơm ăn, ăn no tiến đến ăn ngon; ai cũng có áo mặc, mặc đủ tiến đến mặc đẹp; ai cũng có nhà ở, tiến đến ở khang trang; ai cũng được học hành để không ngừng nâng cao dân trí; ai có bệnh đều được chăm sóc, mọi người sống trong tự do, nhân ái.
        Từ thực tiễn thế giới và những thành tựu, kinh nghiệm lịch sử của các nước xã hội chủ nghĩa trong thế kỷ XX, có thể thấy cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại với kinh tế tri thức chi phối không làm thay đổi giá trị vĩ đại mà chủ nghĩa xã hội hiện thực đem lại cho con người. Nhờ có chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng có được công cụ khách quan và khoa học để phân tích, đánh giá và giải quyết đúng đắn những vấn đề đặt ra trong thời đại mới. Đảng yêu cầu toàn Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải: “Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam”. Trên phương diện lý luận, công cuộc đổi mới ở nước ta là sự kế thừa và phát triển sáng tạo bản chất tư tưởng cách mạng và khoa học của Mác, Lênin và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là hệ thống quan điểm lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; tư duy trong xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa... Nhờ có đổi mới mà nền kinh tế đất nước phát triển năng động với mức tăng trưởng khá; môi trường chính trị, văn hóa, xã hội ổn định và phát triển; quốc phòng, an ninh được giữ vững và tăng cường; quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng… Đó là những minh chứng sinh động, khẳng định sự kiên định và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
        Một số người nhìn vào sự hơn hẳn về điều kiện vật chất, trình độ phát triển về kinh tế, khoa học - công nghệ và một số lĩnh vực khác của các nước tư bản phát triển đã vội cho rằng, chủ nghĩa tư bản là ưu việt và chê bai về chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Đúng là không ai có thể phủ nhận một thực tế là các nước tư bản chủ nghĩa phát triển đã có được những thành tựu kinh tế, khoa học - công nghệ kéo theo những cải thiện nhất định về điều kiện sống của người dân. Nhưng đó mới chỉ là cách nhìn thực tại, phiến diện, lệch lạc, không đúng bản chất vấn đề. Trước hết, đó là những nước ít nhất cũng có 60 năm, nhiều hơn là vài trăm năm hòa bình xây dựng, không bị tàn phá bởi chiến tranh. Trong quá trình đó, giai cấp tư sản ở các nước phương Tây đã vơ vét của cải, bóc lột sức của, sức người của nhiều nước thuộc địa và những người lao động chính quốc để làm giàu. Khoảng cách giàu nghèo ở các nước đó ngày càng rộng ra, lớn hơn lên và không bao giờ có thể khỏa lấp. Hơn nữa, trong khi thực hiện một số chính sách tiến bộ ở trong nước, thì họ vẫn sẵn sàng gây chiến tranh, áp đặt quyền lực, khai thác vơ vét tài nguyên của các nước nghèo, bị lệ thuộc để làm giàu cho mình. Những cuộc xung đột vũ trang gần đây ở Irắc, Libya, Siry... có trách nhiệm lớn của các nước phương Tây. Chính một học giả người Libya Terry Eagleton đã nhận xét: “Những nước tư bản hiện đại là kết quả của một lịch sử nô dịch, diệt chủng, bạo lực và bóc lột một cách ghê tởm”. Từ đó để thấy, câu trả lời thích hợp cho những người còn ảo tưởng về chủ nghĩa tư bản chính là câu châm ngôn của người phương Tây: “miếng pho-mát cho không chỉ có trong bẫy chuột”.
        Song nên nhớ rằng, chủ nghĩa xã hội là một mục tiêu tốt đẹp nhưng không phải tự nhiên mà có hay do một học thuyết nào mang đến, mà do chính chúng ta phải lao động, sáng tạo để xây dựng nên. Đảng Cộng sản là người định hướng đường lối, định hướng chính sách, lãnh đạo Nhà nước tổ chức thực hiện, những lực lượng thực hiện không là ai khác ngoài nhân dân lao động mọi tầng lớp. Cái thuộc về bản chất ưu việt của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội là hạn chế đến mức thấp nhất, tiến tới không có người bóc lột người, tạo điều kiện tốt nhất để người dân được thụ hưởng thành tựu của quá trình xây dựng, phát triển đất nước. Chúng ta đã phải trải qua hơn 30 năm chiến tranh tàn phá, trải qua thời kỳ bao vây cấm vận nghiệt ngã cùng sự thù địch của những người vốn cùng chiến tuyến. Trên thực tế, chỉ từ năm 1990 sau khi rút quân khỏi Campuchia, kết thúc thời kỳ giúp đỡ nước bạn thoát khỏi nạn diệt chủng, chúng ta mới có điều kiện hòa bình, ổn định thực sự để xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, cải thiện cuộc sống của nhân dân. Trong 30 năm, chúng ta đã nâng GDP bình quân đầu người từ 182 USD lên gần 3.500 USD (theo Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới của IMFcông bố tháng 10/2020), tức là tăng hơn 19 lần; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 3%; tỷ lệ bảo hiểm y tế toàn dân đã đạt gần 90%. Đời sống người dân ngày càng được cải thiện toàn diện, bảo đảm ổn định trong cả những điều kiện thiên tai, dịch bệnh. Thực trạng và những thành tựu to lớn của đất nước trong hơn 36 năm đổi mới, xây dựng, phát triển và cải thiện đời sống nhân dân là bằng chứng hùng hồn, không ai có thể phủ nhận về tính chất ưu việt của chế độ chính trị, về sự đúng đắn của mục tiêu xã hội chủ nghĩa  mà nhân dân ta đang xây dựng. Từ thành quả và kinh nghiệm trong tổ chức lãnh đạo cách mạng, Đại hội XIII của Đảng, thống nhất quan điểm: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
        Bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới cũng là góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch. Đây là một nội dung cơ bản, cấp bách, mang tính sống còn của cách mạng Việt Nam, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; đòi hỏi sự thống nhất cao về nhận thức trong nghiên cứu và thực hiện các giải pháp nêu trên, trong đó, lực lượng làm công tác tư tưởng, lý luận, báo chí là nòng cốt, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các cấp ủy đảng, cũng như sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị./. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét