Chủ Nhật, 16 tháng 4, 2023

CHỦ ĐỘNG ĐẤU TRANH VỚI CÁC ÂM MƯU, THỦ ĐOẠN CHỐNG PHÁ CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH GÓP PHẦN BẢO VỆ TỔ QUỐC TỪ SỚM, TỪ XA

 

CHỦ ĐỘNG ĐẤU TRANH VỚI CÁC ÂM MƯU, THỦ ĐOẠN CHỐNG PHÁ CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH GÓP PHẦN BẢO VỆ TỔ QUỐC TỪ SỚM, TỪ XA                                       

 

Lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc ta luôn phải đứng trước những kẻ thù lớn mạnh hơn nhiều lần. Vì vậy, để “giữ nước từ khi nước chưa nguy”, cha ông ta đã rất coi trọng công tác nắm tình hình và đấu tranh với địch. Hiện nay, trước xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, hiện nay Việt Nam đã hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của Liên hợp quốc, chúng ta đã tham gia hầu hết các tổ chức, diễn đàn của Liên hợp quốc và nhiều tổ chức đa phương khác ở khu vực và thế giới; Việt Nam có 17 đối tác chiến lược (trong đó có 4 đối tác chiến lược toàn diện là Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc) và có quan hệ đặc biệt với Lào, Cuba,...; ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới cả song phương và đa phương... Đây là những cơ sở thuận lợi để Việt Nam nâng cao hình ảnh, uy tín trên trường quốc tế góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

 

Trong thời gian tới, các thế lực thù địch sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện “diễn biến hoà bình” với âm mưu, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, thâm độc hơn nhằm thực hiện ý đồ xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và chế độ xã hội chủ nghĩa, thiết lập chế độ thân phương Tây ở Việt Nam. Theo đó, chúng sẽ tiếp tục triển khai các thủ đoạn, biện pháp tác động “ngầm, sâu, mềm” trong nội bộ Đảng và hệ thống chính trị các cấp; thực hiện “diễn biến hòa bình” trên các lĩnh vực, kết hợp “tự diễn biến” bên trong với bên ngoài, tập trung bên trong, bên trên là chính; thông qua “diễn biến hòa bình” thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, kết hợp với bạo loạn lật đổ, “cách mạng màu”, răn đe quân sự và sẵn sàng tiến công quân sự khi có thời cơ. Do vậy, cần “Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố bất lợi, nhất là các nhân tố bên trong có thể gây ra đột biến”.

          Các biện pháp chủ yếu chúng sẽ tập trung tiến hành “diễn biến hòa bình” đối với Việt Nam bao gồm: (1) Cố tình xuyên tạc, hạ thấp vai trò chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vai trò cầm quyền, lãnh đạo của Đảng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam; (2) Đẩy mạnh hoạt động xâm nhập, móc nối, tác động, “chuyển hóa” vào nội bộ ta bằng sự chuyển hóa từng bộ phận cấu thành hệ thống chính trị; (3) Xâm nhập, tác động, hướng lái báo chí, truyền thông Việt Nam theo hướng “dân chủ hóa”, xa rời tôn chỉ, mục đích và định hướng của Đảng; (4) Triệt để lợi dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo để gây sức ép và chống phá Việt Nam; (6) Tác động, chuyển hóa nhằm thực hiện ý đồ phi chính trị hoá lực lượng vũ trang,...

Từ những vấn đề trên và những điểm mới trong âm mưu, thủ đoạn, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch cho thấy, chủ động đấu tranh với các âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa là tất yếu khách quan. Đồng thời, cũng là cơ sở giúp chúng ta chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm những nguy cơ để có kế sách triệt tiêu những nhân tố bất lợi, nhất là các nhân tố bên trong có thể gây ra “đột biến” chính trị - xã hội; chuẩn bị các “điều kiện cần” ngay trong thời bình, từ khi đất nước chưa nguy.

Để chủ động nắm, đấu tranh có hiệu quả với các âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa trong tình hình mới, cần tập trung thực hiện một số nội dung, biện pháp sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong đấu tranh với các âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.

Đây là vấn đề có tính nguyên tắc, được Đảng ta khẳng định trong nhiều văn kiện, chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả đường lối, quan điểm của Đảng về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 25/10/2013 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 16/4/2018 của Bộ Chính trị về “Chiến lược Quốc phòng Việt Nam”; Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 25/10/2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới,... Quá trình tổ chức thực hiện, cần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, phát huy vai trò, trách nhiệm, sự sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện của cấp ủy, cán bộ lãnh đạo chủ trì các cấp, sự định hướng, chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước.

Hai là, nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, tư tưởng, tăng cường “sức đề kháng” cho cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân.

Đây là biện pháp có ý nghĩa quan trọng trong đấu tranh với các âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Trước hết, cần nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng ở các cấp, các ngành để cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân nhận thức đúng về mục tiêu, yêu cầu bảo vệ Tổ quốc; vị trí, vai trò, yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; âm mưu, thủ đoạn, phương thức, lực lượng, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; nhận thức rõ đối tượng, đối tác trong tình hình mới. Đẩy mạnh đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục tuyên truyền, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch theo hướng chủ động, có tính thuyết phục cao. Trong đó cần chủ động cung cấp thông tin chính thống một cách kịp thời, chính xác cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo về hưu, văn nghệ sĩ, trí thức, học sinh, sinh viên…, từ đó định hướng dư luận, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng trước những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch. Đồng thời, chủ động ngăn chặn có hiệu quả, xử lý, xóa bỏ thông tin xấu, độc trên internet, mạng xã hội.

Ba là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, bảo vệ chính trị nội bộ, công tác tổ chức, cán bộ; phòng, chống nội gián, bảo vệ an ninh quốc gia.

Tiếp tục quan tâm lãnh đạo đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời, kiên quyết, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm Cương lĩnh, Điều lệ Đảng; siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong Đảng. Các cấp ủy và tổ chức đảng, mọi cán bộ, đảng viên phải chấp hành nghiêm kỷ luật phát ngôn; nghiêm cấm để lộ bí mật của Đảng, Nhà nước, lan truyền những thông tin sai lệch hoặc phát tán những đơn, thư có nội dung xấu, xuyên tạc, vu khống, kích động. Phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy các cấp trong phát hiện, xử lý những phần tử “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, cơ hội chính trị; giải quyết triệt để các vấn đề nảy sinh; phòng ngừa, ngăn chặn sự can thiệp, móc nối của các thế lực thù địch. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý và sử dụng internet, mạng xã hội theo Luật An ninh mạng, trong đó, chú trọng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và các giải pháp kỹ thuật phù hợp với sự phát triển nhanh của internet, mạng xã hội; rà soát, sửa đổi, ban hành mới các văn bản dưới luật, tạo hành lang pháp lý nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý trong các hoạt động sử dụng internet và mạng xã hội; tổ chức tốt công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật và các quy định của Nhà nước về sử dụng internet và mạng xã hội, nhất là Luật An ninh mạng.

Bốn là, triển khai đồng bộ, toàn diện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế để tạo môi trường thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại nói chung, đối ngoại quốc phòng phòng nói riêng, phát triển quan hệ hợp tác với tất cả các nước, góp phần bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc là một trong những biện pháp quan trọng trong đấu tranh với các thế lực thù địch. Trong đó, cần tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác với các nước trên cơ sở không phân biệt sự khác nhau về chế độ chính trị, trình độ phát triển và không chấp nhận quan hệ hợp tác dưới bất kỳ điều kiện áp đặt hoặc sức ép nào, không để mất độc lập, tự chủ trong quan hệ đối ngoại. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp và thông lệ quốc tế. Đồng thời đẩy mạnh việc tham gia, đóng góp thực chất và mở rộng hơn nữa quy mô, phạm vi hoạt động của Việt Nam trong khuôn khổ Liên hợp quốc. Sẵn sàng tham gia các cơ chế hợp tác quốc phòng, an ninh phù hợp với khả năng của đất nước. Tăng cường hợp tác, xây dựng, củng cố lòng tin giữa các nước, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Quá trình tham gia các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế phải đặt mục tiêu lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, phù hợp với tư duy bảo vệ Tổ quốc, vị thế quốc tế của đất nước, thực hiện phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh; xác định rõ đối tác, đối tượng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

1 nhận xét:

  1. Hiện nay có rất nhiều kẻ phản động vì những đồng tiền dơ bẩn đã xuyên tạc và chống phá đất nước; chúng ta phải vạch trần và đấu tranh loại bỏ thủ đoạn của chúng

    Trả lờiXóa