Cử tri mong Đảng và Nhà nước tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử công khai các vụ án tham nhũng lớn, xử lý nghiêm khắc cán bộ sai phạm, kể cả cán bộ cấp cao.
Chiều nay (11/5), tại phiên họp thứ 11 của Ủy
ban Thường vụ Quốc hội, trình bày dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị
của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Ủy ban
TƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, cử tri và nhân dân bày tỏ sự tin tưởng
vào quyết tâm của Đảng và Nhà nước, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng,
tiêu cực không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm; đồng tình về chủ trương
thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh...
Chủ tịch Ủy ban TƯ
MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến. Ảnh: Quốc hội
Cử tri mong Đảng và Nhà nước tiếp tục chỉ đạo
quyết liệt việc thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử công khai các vụ
án tham nhũng lớn, xử lý nghiêm khắc cán bộ sai phạm, kể cả cán bộ cấp
cao. Như vụ án nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19 tại Công ty CP Công nghệ
Việt Á; vụ án “Nhận hối lộ” tại Bộ Ngoại giao, vụ án “Thao túng thị trường
chứng khoán” ở tập đoàn FLC; “đấu giá đất bất bình thường” và phát hành trái
phiếu trái pháp luật của công ty Tân Hoàng Minh...; xem xét kỷ luật nhiều cán
bộ, đảng viên có chức vụ cao, cả đương chức và đã nghỉ hưu “hạ cánh cũng không
an toàn”…
Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được,
cử tri và nhân dân bày tỏ sự bất bình, lên án mạnh mẽ, phẫn nộ đối với những
hành vi trục lợi trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, mua sắm trang thiết
bị, vật tư tiêu hao, có sự tiếp tay, bao che của một số cán bộ, đảng viên, làm
giảm lòng tin của nhân dân.
Đồng thời, mong muốn các cơ quan chức năng
tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức vi
phạm pháp luật, tránh bỏ lọt tội phạm, bị can bỏ trốn; công khai, minh bạch kết
quả điều tra, xét xử để nhân dân giám sát.
Cử tri băn khoăn, lo lắng về tiến độ triển
khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm. Hoạt động của thị
trường chứng khoán, phát hành trái phiếu, thị trường bất động sản… còn tiềm ẩn
nhiều rủi ro; tình trạng dự án đã được giao nhưng không triển khai hoặc chậm
triển khai đã tồn tại nhiều năm, lãng phí tài nguyên đất đai, khoáng sản...;
tình trạng người dân đã nộp tiền mua đất ở, nhà ở của một số dự án đã nhiều năm
nhưng chưa được giao đất, giao nhà ở gây bức xúc trong nhân dân.
Đoàn Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam kiến
nghị với Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm chỉ đạo, quyết liệt công tác giám
sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để phòng, chống vi phạm, tội phạm trong
công tác đầu tư, mua sắm, thu chi ngân sách…; rà soát, thống kê, tổng hợp các
dự án đầu tư có sử dụng đất đã quá hạn chưa thực hiện đầu tư hoặc đầu tư kéo
dài, có giải pháp xử lý phù hợp, theo quy định của pháp luật, kiên quyết không
để kéo dài tình trạng này, gây bất bình, bức xúc trong nhân dân.
Đồng thời tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng
bộ, hiệu quả các chương trình phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội; khẩn trương
triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia…
Xem xét thận trọng việc đưa Lịch sử là môn học tự chọn
Cũng theo ông Đỗ Văn Chiến, dư luận xã hội còn
băn khoăn, có ý kiến trái chiều về việc đưa môn Lịch sử là môn học tự chọn ở
bậc trung học phổ thông, có thể sẽ gây ra hậu quả, hệ lụy khó lường.
Thực tế, có một số nước phát triển, nền văn
hóa tương đồng với Việt Nam (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) đã đưa trở lại
hoặc vẫn duy trì môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông.
Từ vấn đề trên, Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung
ương MTTQ Việt Nam đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét một cách thận trọng,
đánh giá khách quan, toàn diện chương trình cải cách giáo dục phổ thông, nhất
là việc đưa môn Lịch sử ở bậc THPT là môn học tự chọn.
Đồng thời, cần đổi mới cách dạy và học như thế
nào để nâng cao chất lượng chứ không nên để môn Lịch sử là môn học tự chọn.
Trước đó, nêu ý kiến vào sáng cùng ngày tại
phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho hay, sau khi
được Quốc hội giao về môn học Lịch sử, Ủy ban đã nghiên cứu và tổ chức tọa đàm
với chuyên gia, đại diện một số cơ quan về vấn đề này.
Theo đó, sơ bộ ý kiến của các chuyên gia thấy
rằng về tính cần thiết, môn học Lịch sử này nên xem xét là một môn học đặc thù,
môn học đặc biệt quan trọng và theo hướng là môn bắt buộc. Đồng thời, về mặt kỹ
thuật có thể giải quyết được, không có vấn đề gì khó khăn chỗ này.
Ông Vinh thông tin thêm, Ủy ban sẽ hỏi thêm ý
kiến của các đoàn đại biểu Quốc hội và dự kiến ngày 22/5. Ủy ban sẽ có phiên
họp toàn thể thảo luận vấn đề này.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho hay,
sau khi có ý kiến về giá sách giáo khoa, môn tự chọn, môn tổ hợp... thì Bộ đã
tiếp thu để chỉnh lại cụ thể cũng như báo cáo với Chính phủ, các cơ quan có
thẩm quyền.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét