Chủ Nhật, 2 tháng 4, 2023

HIỂU ĐÚNG VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN 06 CỦA CHÍNH PHỦ

 

Ngày 06/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06) với mục tiêu là ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ CCCD gắn chíp điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để phục vụ 5 nhóm tiện ích: Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; phục vụ công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.

Theo lộ trình của Đề án 06, các thông tin công dân sẽ dần được tích hợp trên thẻ CCCD gắn chíp điện tử, cùng với ứng dụng VNEID sẽ giúp người dân chỉ sử dụng thẻ CCCD thay thế nhiều giấy tờ khác để thực hiện các giao dịch với các cơ quan Nhà nước, bảo đảm chính xác và thuận tiện. Hiện nay, Bộ Công an đã kết nối với dữ liệu bảo hiểm xã hội và công dân có thể sử dụng thẻ CCCD gắn chíp điện tử để khám bệnh bảo hiểm tại các cơ sở y tế. Theo lộ trình, các thông tin về y tế, giấy phép lái xe, thẻ tín dụng, an sinh xã hội... tiếp tục được nghiên cứu, tích hợp để thực hiện các yêu cầu đa dạng của người dân trên các lĩnh vực.

Khi Đề án 06 được triển khai, người dân và doanh nghiệp sẽ được hưởng rất nhiều lợi ích. Đặc biệt, khi hệ thống định danh và xác thực điện tử được đưa vào sử dụng sẽ là nền tảng để phát triển hệ sinh thái số trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến gắn kết với chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh bảo đảm thông tin, dữ liệu điện tử chỉ cần cung cấp, số hóa một lần. Mỗi người dân và doanh nghiệp được cung cấp tài khoản định danh điện tử để phục vụ các giao dịch trên môi trường điện tử gắn với các hệ sinh thái chữ ký số, hợp đồng điện tử, thanh toán điện tử… tạo ra điều kiện cho công dân và doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Với các tổ chức tài chính, ngân hàng, thanh toán điện tử, giao dịch điện tử… kết nối, sử dụng các ứng dụng của hệ thống định danh và xác thực điện tử thì các tài khoản người dùng đều được xác thực đảm bảo đúng với danh tính của từng công dân tạo sự minh bạch, góp phần trong công tác đấu tranh, phòng, chống rửa tiền, giảm gian lận và lừa đảo trên không gian mạng. Bên cạnh đó, định danh và xác thực điện tử cũng rất có ý nghĩa với lĩnh vực thuế. Từ đây với mỗi mã số thuế cá nhân sẽ được gắn đúng cho công dân theo số định danh cá nhân, mã số thuế doanh nghiệp sẽ được gắn đúng theo pháp nhân chịu trách nhiệm; qua đó làm giảm tối đa tình trạng trốn thuế, tránh thất thoát cho ngân sách Nhà nước.

Trong khi các cấp, các ngành đang đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án 06 thì có không ít thế lực thù địch, phản động lại phủ nhận, xuyên tạc những lợi ích mà Đề án 06 mang lại. Chúng cho rằng việc định danh và xác thực điện tử, tích hợp các thông tin vào cơ sở dữ liệu dân cư thông qua mã định danh cá nhân của công dân vừa làm tốn tiền bạc, ngân sách Nhà nước, vừa làm tốn thời gian của công dân; là “hành dân” khi mà người dân đã phải “xếp hàng” đi làm căn cước công dân, giờ lại phải tiếp tục đi làm định danh điện tử; đồng thời là để theo dõi, kiểm soát hành động của người dân, làm mất tự do của công dân.

Những luận điệu trên của bọn chúng là hoàn toàn sai trái, bịa đặt, xuyên tạc các quan điểm, chủ trưởng chỉ đạo của Đảng, Nhà nước ta. Thực tế cho thấy, Đề án 06 được thực hiện bao gồm nhiều lộ trình, và chúng ta đang từng bước thực hiện rất tốt lộ trình đó. Bất kì một vấn đề nào mới xuất hiện, cũng sẽ gặp phải những sai lầm, khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, Đảng và Nhà nước ta luôn thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế và đưa ra các giải pháp cụ thể để khắc phục những sai lầm, khuyết điểm đó. Trong Đề án 06 có nêu rõ “Người dân và doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số; lấy phát triển con người, bảo đảm và cải thiện dân sinh làm mục đích; minh bạch hóa và tăng cường sự tham gia của người dân và doanh nghiệp vào hoạt động của cơ quan nhà nước”, triển khai thực hiện Đề án 06 là góp phần xây dựng thành công chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, đẩy mạnh cải cách hành chính, hướng tới mục tiêu người dân chỉ khai báo thông tin một lần với cơ quan Nhà nước trong thực hiện các thủ tục hành chính, sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho đất nước, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc và quyền lợi của người dân, góp phần tiết kiệm, chống lãng phí, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp trong phát triển kinh tế, xã hội nên hoàn toàn không có chuyện triển khai thực hiện Đề án 06 là hao tiền tốn của, là “hành dân”, là kiểm soát người dân như các thế lực thù địch, phản động đã đưa ra.

Có thể thấy rằng, bọn chúng đã lợi dụng sự phát triển mạnh mẽ của Internet và các trang mạng xã hội để đưa ra những thông tin xấu, độc, kích thích sự nghi ngờ của quần chúng nhân dân, nhằm chia rẽ khối Đại đoàn kết dân tộc, gây ảnh hưởng xấu đến quá trình triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ. Vì vậy, những hành vi của chúng cần phải lên án mạnh mẽ. Mỗi người dân cần nâng cao nhận thức, tích cực phê phán, phản biện lại các những luận điệu xuyên tạc, bịa đặt của bọn phản động, thù địch, chống đối; không chia sẻ các bài viết gây hoang mang, sai sự thật có liên quan đến việc triển khai thực hiện Đề án 06. Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cũng cần xử lý nghiêm các đối tượng chủ mưu, cầm đầu, xúi giục, kích động theo quy định của pháp luật./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét