Việt Nam là quốc gia ven biển có địa vị chính trị và địa vị kinh
tế rất quan trọng,với bờ biển dài trên 3.260 km trải dài từ Bắc xuống Nam, đứng
thứ 27 trong số 157 quốc gia ven biển, các quốc đảo và các lãnh thổ trên thế
giới. Chỉ số chiều dài bờ biển trên diện tích đất liền của nước ta là xấp xỉ
0,01 (nghĩa là cứ 100 km2 đất liền có 1 km bờ biển). Trong 63 tỉnh, thành
phố của cả nước thì 28 tỉnh, thành phố có biển và gần một nửa dân số sinh sống
tại các tỉnh, thành ven biển1.
Theo Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982,
nước ta có diện tích biển khoảng trên 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất
liền, chiếm gần 30% diện tích Biển Đông (cả Biển Đông gần 3,5 triệu km2). Vùng
biển nước ta có khoảng 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ và 2 quần đảo xa bờ là Hoàng Sa
và Trường Sa (điều này đã được công bố, minh chứng trong lịch sử, các tư liệu
khoa học và pháp lý về chủ quyền biển, đảo Việt Nam). Một số đảo ven bờ còn có
vị trí quan trọng được sử dụng làm các điểm mốc quốc gia trên biển để thiết lập
đường cơ sở ven bờ lục địa Việt Nam, từ đó,xác định vùng nội thủy, lãnh hải,
vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, làm cơ sở pháp
lý để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên các
vùng biển2.
Có thể nói, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông
(DOC)- còn gọi là Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Nam Trung
Hoa (Declaration on Conduct of the Parties in the South China Sea)
là một văn kiện được các nước ASEAN và Trung Quốc ký kết
ngày 04/11/2002 tại Phnom Penh, Campuchia,nhân dịp Hội nghị
thượng đỉnh ASEAN lần thứ 8.Đây là văn kiện chính trị đầu tiên mà ASEAN và
Trung Quốc đạt được có liên quan đến vấn đề Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) và
được coi là bước đột phá trong quan hệ ASEAN – Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.
Việc ký văn kiện này là kết quả nỗ lực của các nước ASEAN, đặc biệt là 4 nước
liên quan trực tiếp tranh chấp ở quần đảo Trường Sa (Việt
Nam, Philippines, Malaysia, Brunei) trong việc duy trì hòa bình
và ổn định ở Biển Đông và Tuyên bố cấp cao kỷ niệm 10 năm DOC3.
Ý nghĩa quan trọng nhất của Tuyên bố chung nằm ở 3 điểm: các nước
ASEAN và Trung Quốc tái cam kết ở cấp cao nhất với những nguyên tắc của DOC;
nhất trí với nhau ở cấp cao nhất cùng hướng tới bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông
(COC); nâng cơ chế thực hiện lên cấp Bộ trưởng. Việc tái cam kết những nguyên
tắc ở cấp cao nhất sẽ hỗ trợ nhiều hơn cho việc bảo đảm hòa bình, ổn định an
ninh, an toàn hàng hải và giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật
pháp quốc tế và Công ước Luật Biển. Tuyên bố chung này càng có ý nghĩa khi đặt
trong bối cảnh các nước đã có những bước tiến nhất định trong việc xây dựng
lòng tin và thực hiện DOC trong 10 năm qua nhưng vẫn còn những diễn biến phức
tạp.
Để xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và bảo vệ Tổ
quốc, Đảng ta xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh là: bảo vệ
vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ
Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Quan điểm của Đảng là tập trung trước hết về phát triển kinh tế
độc lập tự chủ, kinh tế biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, giữ vững chủ quyền
biển, đảo, biên giới, vùng trời của Việt Nam trong quá trình phát triển và hội
nhập quốc tế; coi đây là một trong những động lực cơ bản cho sự phát triển bền
vững của đất nước. Điều này được khẳng định trong các văn kiện Đại hội của Đảng
lần thứ VII, VIII, IX, XI và XII, đặc biệt trong các nghị quyết, chỉ thị như:
Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 06/5/1993 của Bộ Chính trị khóa VII về một số nhiệm
vụ phát triển kinh tế biển trong những năm trước mắt; Chỉ thị số 20-CT/TW ngày
22/9/1997 của Bộ Chính trị khóa VIII về đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo
hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đặc biệt, tại Hội nghị Trung ương 4 (khóa
X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, quan điểm chỉ đạo của
Đảng là: "Đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia
mạnh về biển, giàu lên từ biển”4.
Tiếp tục khẳng định quan điểm chỉ đạo của Đảng ta, đó là:
"Chủ động, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp phù hợp, bảo
vệ được chủ quyền biển, đảo, vùng trời và giữ được hòa bình, ổn định để phát
triển đất nước”5. Xác định rõ hơn quan điểm nhất quán của Đảng và
Nhà nước, của quân và dân trong công cuộc bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ
quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển và lợi ích quốc gia trên biển:
"nhận thức của toàn hệ thống chính trị, nhân dân và đồng bào ta ở nước
ngoài về vị trí, vai trò của biển, đảo đối với phát triển kinh tế, bảo vệ chủ
quyền quốc gia được nâng lên rõ rệt. Chủ quyền, an ninh quốc gia trên biển được
giữ vững” (đây là nội dung trong Chiến lược phát triển bền vững kinh tế
biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045)6.
Việc đổi mới tư duy, phát triển nhận thức của Đảng trên các vấn đề
cơ bản khác của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó để
hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, điều tiên quyết đặt
ra là phải không ngừng củng cố, tăng cường sức mạnh quốc gia, xây dựng thế trận
quốc phòng toàn dân trên biển đã được chỉ rõ tại Nghị quyết Đại hội XII của
Đảng: "Phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả
hệ thống chính trị, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc
tế; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống
nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ
xã hội chủ nghĩa; bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại
hóa, bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc”7. Đó là trách nhiệm chung của toàn
Đảng, toàn dân và toàn quân ta, trong đó có thanh niên được xác định là lực
lượng nòng cốt, xung kích đi đầu trong bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ toàn
vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam.
Cụ thể hóa các văn kiện, nghị quyết của Đảng nhằm xây dựng thế
trận lòng dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ
quốc, Luật Biển Việt Nam năm 2012 quy định về chính sách quản
lý và bảo vệ biển, trong đó nhấn mạnh việc phát huy sức mạnh toàn dân tộc và
thực hiện các biện pháp cần thiết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài
phán quốc gia trên các vùng biển, đảo và quần đảo, bảo vệ tài nguyên và môi
trường biển, phát triển kinh tế biển; xây dựng và thực hiện chiến lược, quy
hoạch, kế hoạch quản lý, sử dụng, khai thác, bảo vệ các vùng biển, đảo và quần
đảo một cách bền vững phục vụ mục tiêu xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội,
quốc phòng, an ninh và thực hiện các chính sách ưu tiên đối với nhân dân sinh
sống trên các đảo và quần đảo; chế độ ưu đãi đối với các lực lượng tham gia quản
lý và bảo vệ các vùng biển, đảo và quần đảo (tại Điều 5 của Luật Biển
năm 1982). Nhấn mạnh rõ vai trò của thế hệ trẻ Việt Nam trong sự nghiệp bảo
vệ biển, đảo và Tổ quốc.
Nhìn lại lịch sử địa lý của Việt Nam liên quan đến chủ quyền biển
đảo, có thể khẳng định: hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt
Nam, điều này đã được xác định rõ trong công trình nghiên cứu về vấn
đề biển đảo cũng như tìm hiểu 24 bộ sách dư địa chí Trung Quốc từ thời Hán đến
thời Thanh của các nhà khoa học, nhà lịch sử (quốc tế và Việt Nam) đã cho
thấy, trong các tư liệu này đều không ghi hai quần đảo Hoàng Sa,
Trường Sa thuộc sở hữu của Trung Quốc. Trong khi đó, các thư tịnh, bản
đồ cổ của các nhà tư bản, các cố đạo phương Tây đều ghi nhận hai quần đảo này
là của Việt Nam, đặc biệt ghi chép nhiều lần Chúa Nguyễn cứu trợ những người
mắc nạn trên 2 đảo.
Trong các thư tịch cổ lưu giữ tại cố đô Huế cũng ghi chép về sự
thành lập đội Hoàng Sa, các chỉ dụ chỉ đạo việc bố phòng canh giữ… của các đời
vua nhà Nguyễn. Bản đồ chủ quyền của Pháp khi xâm lược Việt Nam cũng quy hoạch
rõ có việc sở hữu hai quần đảo thuộc Việt Nam năm 1954, khi Hiệp định Giơ-ne-vơ
ký kết (Trung Quốc là một thành viên Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc tham dự
cũng thừa nhận phần Nam vĩ tuyến 17, bao gồm lục địa biển quần đảo Hoàng Sa,
Trường Sa là do chính quyền Việt Nam cộng hòa quản lý).
Với những tư liệu lịch sử ghi nhận tính sở hữu hai quần đảo của
Việt Nam vừa mang tính pháp lý phù hợp với Công ước Liên hiệp quốc về Luật
Biển năm 1982 và trên cơ sở pháp luật của Việt Nam, toàn Đảng, toàn
dân, toàn quân, khẳng định rằng: Việt Nam có chủ quyền và quyền chủ quyền đối
với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
V3.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét