Tham nhũng, tiêu cực không chỉ gây phương hại đến uy tín của
Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị mà còn gây ra những tổn thất nghiêm trọng
về kinh tế, phá hoại những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Chính vì vậy,
Đảng ta đã xác định phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một trong những nội
dung cốt lõi, trọng tâm trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đây chính là
tiền đề, là điều kiện để phát triển kinh tế-xã hội được tốt hơn.
Thực tế cho thấy sau 10 năm hoạt động, Ban Chỉ đạo Trung ương về
phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng
Ban đã có những chỉ đạo quyết liệt, có những bước đột phá trong cuộc chiến với
“quốc nạn” với “giặc nội xâm”. Với quan điểm, chủ trương xử lý “không có vùng
cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”, trong giai đoạn này đã có hơn
170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý bị trừng phạt nghiêm khắc dưới
“thanh bảo kiếm” kỷ luật Đảng. Khi Đảng và Nhà nước càng chống tham nhũng quyết
liệt bao nhiêu thì những luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ cuộc chiến chống “giặc
nội xâm” lại xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều bấy nhiêu. Mỗi khi có vụ
việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn được phát hiện, cán bộ lãnh đạo cấp cao bị
xử lý kỷ luật thì trên nhiều trang mạng của các tổ chức phản động như Việt Tân,
Hội Anh em dân chủ, các hãng truyền thông nước ngoài không có thiện cảm với
Việt Nam như: RFA, VOA, RFI, BBC News Tiếng Việt, Tiếng Dân… cùng các đối tượng
cơ hội chính trị đã lợi dụng triệt để vào công nghệ truyền thông, internet và
các trang mạng xã hội phát tán bài viết, hình ảnh xuyên tạc, bịa đặt cuộc chiến
chống “giặc nội xâm” của Đảng Cộng sản Việt Nam thực chất là “thanh trừng nội
bộ”, là “cuộc đấu đá phe phái, triệt hạ lẫn nhau”, “Cộng sản Việt Nam đang đánh
trận giả chứ không phải thực sự là để chống tham nhũng”… reo rắc sự hoài nghi
trong nội bộ, trong dư luận, chia rẽ cán bộ, đảng viên, chính quyền với nhân
dân, gây ảnh hưởng tới quá trình hội nhập và phát triển kinh tế-xã hội của Việt
Nam. Từ đó kêu gọi muốn chống tham nhũng thì phải “thay đổi chế độ, phải đa
nguyên, đa đảng, phải xây dựng xã hội dân sự…”. Đây không chỉ là cuộc chơi “con
chữ” mà là “cuộc chiến thông tin” trên không gian mạng. Các thủ đoạn chống phá
này ngày càng bài bản hơn, thâm hiểm hơn, có sự phối hợp giữa cá nhân, tổ chức
ở trong nước với nước ngoài. Không chỉ có người dân bị tác động tới suy nghĩ,
nhận thức, mà ngay cả một số cán bộ, đảng viên bản lĩnh chính trị kém cũng dễ
bị rơi vào dòng xoáy của hiện tượng suy thoái về tư tưởng, “tự diễn biến”, “tự
chuyển hóa”, đã trở thành vấn đề không nhỏ và rất nguy hiểm. Hiện nay, trong
đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ về cuộc chiến chống “giặc
nội xâm” đang lộ rõ một “khoảng trống” rất lớn. Đó là chúng ta đang thiếu một
hệ thống tuyên truyền phản kích lại việc phá hoại tư tưởng của các thế lực thù
địch. Các cơ quan truyền thông, báo chí rất lúng túng, rơi vào thế bị động
không biết phải xử lý thông tin đó thế nào, dẫn tới gần như bỏ ngỏ thông tin,
không kịp thời đưa ra tiếng nói phản bác. Việc tự tạo “khoảng lặng, khoảng
trống” về thông tin, tuyên truyền đã tạo điều kiện cho sự phản tuyên truyền của
các đối tượng thù địch, bất mãn, cơ hội chính trị tự do tung hoành, lèo lái
thông tin, dẫn dắt độc giả đi từ hoang mang đến hồ nghi, dần dà suy giảm niềm
tin và không tin vào những nguồn tin chính thống. Mặc dù những điều đó là không
chính xác, không đúng bản chất của sự việc, nhưng vẫn được đông đảo người dân
tìm đọc. Tất nhiên, giữa thông tin xuyên tạc và thông tin phản bác bao giờ cũng
có độ trễ nhất định về thời gian, nhưng không thể đến hằng tuần được? Vì sau
đó, sự quan tâm của công chúng đã chuyển qua vấn đề khác và xã hội đã bị ảnh
hưởng nặng nề bởi các loại thông tin xuyên tạc, bịa đặt, hiệu quả của các thông
tin chính thống sẽ mất tác dụng, đồng nghĩa với niềm tin của người dân bị suy
giảm. Như vậy, để những thông tin chính thống, đúng sự thật không được đi sau
mạng xã hội để không tạo ra những “khoảng lặng, khoảng trống” trong thông tin,
tuyên truyền thì cần phải xây dựng ngay một hệ thống tuyên truyền phản kích có
khả năng tác nghiệp trên không gian mạng, dựa trên cơ sở lấy các cơ quan truyền
thông, báo chí cùng đội ngũ các nhà xã hội học, chuyên gia lý luận chính trị
làm lực lượng nòng cốt. Đây luôn phải được coi là nhiệm vụ chính trị đặc biệt
cần thiết và cần tập trung cải cách để có tư duy lý luận mới theo tinh thần “cọ
xát và đối thoại”, “phân tích và tranh luận” thì mới đủ sức cạnh tranh và đè
bẹp nhưng thông tin thất thiệt, xuyên tạc, bịa đặt. Các cơ quan chức năng, đơn
vị, địa phương phải loại bỏ các rào cản, tạo môi trường cho thông tin được công
khai, minh bạch, kịp thời cho truyền thông, báo chí thông báo công khai các kết
quả xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực để giải tỏa những băn khoăn cho
người dân, cộng thêm với việc áp dụng chế tài xử lý nghiêm khắc đối với hành vi
cản trở, bưng bít thông tin. Mỗi người dân không nên hùa theo những quan điểm
mang tính trào lưu, cần phải tỉnh táo, cần biết “gạn đục khơi trong”, nhận rõ
tính hai mặt của dư luận xã hội, cảnh giác với những thông tin xấu độc…Các cơ
quan truyên thông, báo chí, đội ngũ trí thức, các học giả cần đi trước một
bước, chủ động tiếp cận, khai thác thông tin và phối hợp các cơ quan chức năng
sử dụng công nghệ mạng, truyền thông mạng để kịp thời công bố tin, bài viết đấu
tranh, phản bác những luận điệu sai trái có tầm lý luận, mang ý nghĩa thực
tiễn, có tính thuyết phục, góp phần củng cố và bảo vệ đời sống tinh thần của xã
hội; kịp thời biểu dương những tập thể, cá nhân tích cực, lan tỏa những điều
tốt đẹp ra toàn xã hội; phải lưu ý, các bài viết phản bác không phải chỉ để
“dành tặng” các thế lực thù địch mà còn để giáo dục, thuyết phục đông đảo quần
chúng, bạn đọc nhận rõ bản chất, sự nguy hại của quan điểm sai trái, thù địch,
cùng đấu tranh, ủng hộ, bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối, chủ trương, chính
sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Cũng rất cần xây dựng, thiết lập các diễn
đàn để trao đổi, thảo luận trên các phương tiện truyền thông, nhất là lập diễn
đàn trên không gian mạng để tạo môi trường thuận lợi, phát huy dân chủ để cán
bộ, đảng viên và nhân dân chủ động thể hiện, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, quan
điểm, đề đạt kiến nghị… nhằm huy động trí tuệ, sáng kiến, tâm huyết, trách
nhiệm của các tầng lớp nhân dân vào quá trình bảo vệ nền tảng tư tưởng của
Đảng. Đối với cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa
phương phải tự rèn luyện, tu dưỡng liêm chính từ suy nghĩ tới hành động để quần
chúng nhân dân cùng phấn đấu, học tập làm theo. Đồng thời, mỗi cán bộ, đảng viên
cũng phải là một tuyên truyền viên tích cực cho cuộc đấu tranh chống tham
nhũng, tiêu cực, chống các luận điệu sai trái, thù địch. Mỗi người dân không
nên hùa theo những quan điểm mang tính trào lưu, cần phải tỉnh táo, cần biết
“gạn đục khơi trong”, nhận rõ tính hai mặt của dư luận xã hội, cảnh giác với
những thông tin xấu độc, không chia sẻ bừa bãi trên mạng xã hội một cách vô
cảm, thiếu trách nhiệm để rồi vô tình vi phạm pháp luật, tiếp tay cho các hoạt
động chống phá.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét