Lợi dụng thứ tự xếp hạng của hộ chiếu Việt Nam trong bảng xếp hạng Henley quý IV/2019 để xuyên tạc, bôi nhọ, làm nhục quốc thể là hành vi không thể chấp nhận của các đối tượng chống đối.
Vừa qua, theo Bảng xếp hạng Henley quý IV/2019, hộ chiếu Việt Nam đứng thứ 90 cùng với Turkmenistan và Trung Phi, được miễn visa 51 nước và vùng lãnh thổ. Chỉ số hộ chiếu Henley dựa trên dữ liệu do cơ quan Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cung cấp bao gồm 199 hộ chiếu và 227 điểm đến du lịch. Chỉ số được cập nhật theo thời gian thực trong suốt cả năm và khi những thay đổi về chính sách thị thực có hiệu lực. Bảng xếp hạng về chỉ số này chỉ đơn thuần là thứ hạng giữa các quốc gia trong vấn đề xác định số lượng quốc gia và vùng lãnh thổ công dân được miễn thị thực khi xuất cảnh sang các quốc gia này, hoàn toàn khách quan và phù hợp với điều kiện thực tiễn của mỗi quốc gia.
Song lợi dụng vấn đề này, một số trang mạng chống phá Đảng, Nhà nước ta đã xuyên tạc, phê phán, bôi nhọ hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Trang VOA tiếng Việt mượn sự việc này để chế nhạo: “Thứ hạng năm nay của hộ chiếu Việt Nam bị tụt 15 bậc so với năm ngoái (hạng 75), tiến gần hơn về phía nhóm 10 các quốc gia bị xếp vào loại “hộ chiếu tệ nhất”. Bài viết này nói rằng, hộ chiếu của công dân Việt Nam bị xếp hạng 90 vì chỉ được tự do đi đến 51 quốc gia, sau Campuchia (hạng 88, 53 nước) và hơn Lào (hạng 92, 49 nước). Từ đó, họ viện dẫn những phát ngôn của một số cá nhân chỉ trích “hộ chiếu tồi tệ” và miệt thị đến quốc thể Việt Nam. Một số đối tượng đưa lên trang mạng các bình luận, nói rằng họ “hổ thẹn khi mang hộ chiếu Việt Nam”. Có đối tượng còn nêu ra những tồn tại của xã hội, từ việc kinh tế còn chậm phát triển đến vấn đề tham nhũng, tiêu cực để quy chụp đất nước “xuống đáy” do sự lãnh đạo của Đảng, do độc đảng, do mô hình chủ nghĩa xã hội… Chính việc suy diễn, quy chụp này cho thấy rõ ý đồ xuyên tạc, chống phá, mượn cớ xếp hạng hộ chiếu để bôi nhọ đất nước, đưa ra những đòi hỏi phi lý.
Rõ ràng đây chỉ là những luận điệu xuyên tạc của các đối tượng chống phá chính trị nhằm bôi nhọ, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước. Không thể lấy một vấn đề đơn thuần, lấy những con số chỉ mang tính chất so sánh tham khảo để đưa ra bình luận, soi xét, quy chụp cho sự điều hành, lãnh đạo của cả hệ thống chính trị, bôi nhọ, làm nhục quốc thể. Đây là những hành vi tuyệt đối không thể chấp nhận. Khách quan mà nói, chỉ số Henley chỉ là sự đánh giá về độ mở của hộ chiếu, cho phép công dân đi đến bao nhiêu quốc gia mà không cần visa. Việc hộ chiếu của một quốc gia cho phép công dân đi đến nhiều quốc gia mà không cần hộ chiếu hay không tùy thuộc vào điều kiện chính trị, văn hóa, xã hội cũng như mối quan hệ ngoại giao của quốc gia đó đối với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác. Do đó, không thể quy chụp rằng hộ chiếu đi được nhiều quốc gia thì nước đó là nước văn minh, tiến bộ hơn nước có hộ chiếu đi được ít quốc gia hơn.
Thực tiễn cho thấy, đối lập với luận điệu xuyên tạc trên, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước không ngừng nỗ lực có những cải cách, thay đổi chính sách, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước đối với công tác cấp, quản lý hộ chiếu, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân trong hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh. Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Bộ Công an đã trình Quốc hội dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam với những quy định mới nhằm tạo thuận lợi hơn cho công dân trong hoạt động xuất, nhập cảnh và tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thu thập thông tin, dữ liệu, cấp, quản lý và sử dụng giấy tờ xuất nhập cảnh. Theo đó, dự án Luật có 8 điểm mới nhằm tạo thuận lợi cho người dân khi xin cấp hộ chiếu:
– Không đặt vấn đề “nộp hồ sơ” khi đề nghị cấp hộ chiếu mà chỉ quy định điền ào tờ khai theo mẫu hoặc khai qua mạng Internet để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.
– Người đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông lần đầu ở trong nước nếu có căn cước công dân có quyền lựa chọn thực hiện thủ tục tại Công an địa phương nơi thuận tiện nhất, trong khi đó quy định hiện hành là nơi thường trú hoặc tạm trú dài hạn.
– Đối với hộ chiếu phổ thông, không đặt vấn đề hộ chiếu còn hạn hay hết hạn, mà quy định người đề nghị cấp hộ chiếu từ lần hai trở đi được lựa chọn nơi tiếp nhận tờ khai, trong khi đó quy định hiện hành, hộ chiếu hết hạn 1 ngày vẫn phải về Công an địa phương nơi thường trú để nộp hồ sơ, còn hạn 1 ngày có thể nộp tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh.
– Công dân có quyền lựa chọn nơi nhận hộ chiếu nhằm tạo thuận lợi nhất cho người dân, tránh thủ tục phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực.
– Hộ chiếu cấp riêng cho từng người, trong khi đó quy định hiện hành, người chưa đủ 9 tuổi cấp chung với bố, mẹ, thời hạn 5 năm.
– Người từ đủ 14 tuổi trở lên có quyền lựa chọn đề nghị cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử hoặc không gắn chíp điện tử.
– Luật hóa việc khôi phục giá trị hộ chiếu bị mất được tìm thấy, nếu người dân có yêu cầu; để tạo thuận lợi cho người dân, nhất là các trường hợp có thị thực của nước ngoài còn thời hạn.
Về giấy tờ xuất nhập cảnh, gồm 3 điểm mới là hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, hộ chiếu phổ thông có 2 loại: gắn chíp điện tử và không gắn chíp điện tử. Hộ chiếu phổ thông cấp cho người từ đủ 14 tuổi trở lên có thời hạn 10 năm (để phù hợp với Luật Căn cước công dân), có loại gắn chíp điện tử và không gắn chíp điện tử. Hộ chiếu phổ thông cấp cho người chưa đủ 14 tuổi có thời hạn không quá 5 năm (không gắn chíp điện tử). Thay việc cấp giấy thông hành cho công dân Việt Nam ra nước ngoài ngắn hạn phải về nước vì nhiều lý do khác nhau như hiện nay bằng việc cấp hộ chiếu theo thủ tục rút gọn để thể hiện sự bảo hộ của Nhà nước đối với công dân trong mọi trường hợp, không phát sinh thêm mẫu mới…
Từ thực tiễn trên cho thấy, Nhà nước ta đã và đang có những nỗ lực nhất định trong việc ngày càng cải cách thủ tục hành chính, tạp thuận lợi cho người dân trong quản lý, sử dụng hộ chiếu đảm bảo khách quan, công bằng, minh bạch. Vì vậy, những luận điệu trơ trẽn, vô lý, lố bịch, cố tình viện cớ bảng xếp hạng Henley để suy diễn, xuyên tạc, nói xấu Đảng, Nhà nước, làm nhục quốc thể, dân tộc chỉ vì một vấn đề nhỏ liên quan đến hộ chiếu là đáng lên án và không thể dung thứ./.
Để ngăn chặn các thông tin xuyên tạc, bịa đặt, chống đối chính quyền trên các trang MXH; thì các lực lượng chức năng cần chủ động phát hiện, đấu tranh chặn và xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.
Trả lờiXóa