Chủ Nhật, 2 tháng 4, 2023

NÂNG CAO TÍNH THUYẾT PHỤC TRONG VIẾT BÀI ĐẤU TRANH BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG HIỆN NAY

 

 

Thời gian qua, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đẩy mạnh thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” trên tất cả các lĩnh vực: Kinh tế, văn hoá, chính trị, ngoại giao,… nhằm chống phá cách mạng Việt Nam. Trong đó, chiến lược “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận luôn được các thế lực thù địch đặc biệt coi trọng. Vì vậy, đấu tranh chống chiến lược “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận đã và đang trở thành một “mặt trận” đấu tranh cam go, phức tạp và quyết liệt hiện nay.

Thực tế cho thấy, đã có khá nhiều bài viết đấu tranh chống “diễn biến hoà bình” bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng có chất lượng và hiệu quả thiết thực. Đó là những bài viết có tính chiến đấu cao, giàu tính thuyết phục, cách lập luận sắc bén, đấu tranh trực diện với những quan điểm, luận điệu sai trái, phản động; qua đó, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng cũng như quan điểm, đường lối của Đảng. Tuy nhiên, nghiêm túc đánh giá, vẫn còn không ít bài viết tính chiến đấu, tính thuyết phục trong đấu tranh chưa cao, lập luận còn chung chung; cách đặt vấn đề chưa thực sự khoa học, lý lẽ thiếu tính logic; nội dung đấu tranh, bảo vệ chưa rõ ràng; phương pháp đấu tranh chưa thật phù hợp,… Do vậy, tác dụng định hướng về tư tưởng, lý luận còn mờ nhạt, hiệu quả bài viết chưa cao; thậm chí còn nhiều “kẽ hở” để các thế lực thù địch lợi dụng phản bác lại. Bàn về vấn đề này, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh: “Công tác đấu tranh phản bác, ngăn chặn các thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch có lúc, có nơi còn bị động, thiếu sắc bén, tính chiến đấu chưa cao”[1]. Đại hội cũng đặt ra nhiệm vụ đó là: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức công tác tư tưởng theo hướng chủ động, thiết thực, kịp thời và hiệu quả;… Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị”[2]. Thực tiễn đó, đặt ra yêu cầu cần phải nâng cao tính thuyết phục trong viết bài đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng hiện nay.

Cùng với tính chiến đấu, tính thuyết phục là yêu cầu quan trọng trong các hoạt động đấu tranh của con người nói chung và đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng nói riêng. Trong cuộc đấu tranh ấy, hiện nay có thể thấy, về cơ bản có hai cách thức tiếp cận vấn đề, hai dạng thức đấu tranh thường được các tác giả sử dụng. Một là, dạng bài đấu tranh phê phán, phủ định - Những bài viết trực tiếp phê phán, phủ nhận, tiến tới bác bỏ các tư tưởng, quan điểm sai trái. Hai là, dạng bài đấu tranh bảo vệ, khẳng định - Những bài viết tập trung đấu tranh bảo vệ, khẳng định tính đúng đắn của các quan điểm, tư tưởng khoa học. Việc phân chia này trên thực tế chỉ mang tính tương đối, bởi lẽ trong từng bài viết, tác giả có thể kết hợp cả hai dạng bài đấu tranh nói trên để nâng cao tính chiến đấu và khả năng thuyết phục của bài viết. Và dù đấu tranh phê phán, phủ định hay đấu tranh bảo vệ, khẳng định thì các bài viết đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng bao giờ cũng đặt ra yêu cầu rất cao về tính thuyết phục của bài viết. Để nâng cao tính chiến đấu, tính thuyết phục trong viết bài đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng hiện nay, cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

Trước hết, người viết phải xác định chính xác đối tượng và nội dung cần tập trung đấu tranh.

Đây là vấn đề quan trọng hàng đầu, chi phối tới toàn bộ phương thức, nội dung, yêu cầu của bài viết. Do tính chất đặc thù của một bài viết đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng nên dung lượng của bài viết thường không quá dài. Vì vậy, tác giả nên cân nhắc, lựa chọn và tập trung đấu tranh phê phán, phủ định (hoặc bảo vệ, khẳng định) một đến hai luận điểm, nội dung có liên quan đến nhau. Thực tiễn các bài viết tham gia đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời gian qua cho thấy, việc lựa chọn vấn đề để đấu tranh quá lớn, còn biểu hiện ôm đồm nhiều luận điểm, nhiều đối tượng đấu tranh,… Đây là nguyên nhân chính làm cho một số bài viết rơi vào tình trạng trình bày dàn trải, thiếu tính cô đọng, phân tích, luận giải không tập trung. Vì vậy, đã làm hạn chế tính chiến đấu, tính thuyết phục của những bài viết này. Việc xác định chính xác đối tượng đấu tranh, nội dung bảo vệ cần phải gắn với từng thể loại bài đấu tranh cụ thể.

Đối với dạng bài đấu tranh phê phán, phủ định, sau khi xác định được luận điểm cần đấu tranh bác bỏ, người viết cần thể hiện rõ trong bài viết: Nội dung cốt lõi của luận điểm đó là gì; chủ thể đưa ra luận điểm đó là ai (cá nhân hoặc tổ chức nào) và nhằm mục đích chính trị gì; đồng thời, thể hiện rõ thái độ đúng, sai và bằng cơ sở về lý luận và thực tiễn để minh chứng, làm sáng rõ quan điểm, thái độ của tác giả.

Với dạng bài viết đấu tranh bảo vệ, khẳng định, trên cơ sở xác định chính xác luận điểm, nội dung cần bảo vệ, các tác giả phải nêu rõ: Nội dung căn bản của luận điểm đó; tính khách quan, khoa học của luận điểm; những tư tưởng, luận điệu chống phá lại nội dung đang cần bảo vệ và tính chất phản động của những tư tưởng, luận điểm đó,…

Từ những vấn đề trên cho chúng ta thấy, suy cho cùng, thực chất của việc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng chính là việc bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thông qua các bài viết nhằm đấu tranh lên án, phê phán tiến tới loại bỏ những quan điểm, tư tưởng sai trái, phản động, phản khoa học của các thế lực thù địch. Bởi vậy, nó chỉ thực sự có hiệu quả cao khi bài viết được dựa trên cơ sở khoa học; bảo đảm tính chiến đấu và tính thuyết phục cao.

Hai là, nội dung bài viết tác giả cần khẳng định rõ lập trường, quan điểm và chính kiến khoa học của mình.

Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng, thể hiện thái độ của tác giả; đồng thời quyết định chất lượng của bài viết kể cả bài đấu tranh phê phán, phủ định cũng như đấu tranh bảo vệ, khẳng định. Bởi lẽ, mục tiêu cuối cùng của các bài viết đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng chính là khẳng định tính đúng đắn, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam và bác bỏ, phủ nhận những luận điểm sai trái, phản động của các thế lực thù địch. Do đó, yêu cầu tất yếu đặt ra đối với người viết là phải thể hiện rõ lập trường, quan điểm, phải đưa ra được chính kiến khoa học của bản thân về vấn đề cần đấu tranh trong bài viết. Lập trường, quan điểm và chính kiến khoa học đó phải được tác giả trình bày dưới dạng các luận điểm rõ ràng, khoa học, đúng đắn, lập luận chặt chẽ, lô gic, “thấu tình, đạt lý”. Tuy nhiên, để bảo đảm tính thuyết phục khi viết bài đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng, người viết cần lưu ý, những lý lẽ đưa ra phải cân nhắc thật kỹ lưỡng, minh họa thực tiễn phải có căn cứ, nguồn gốc số liệu, tư liệu rõ ràng, tránh thói quen đưa ra những ý kiến chung chung, “vô thưởng vô phạt”, thiếu căn cứ khoa học và thực tiễn,… từ đó làm cho bài viết không có cơ sở và chính kiến khoa học rõ ràng, hạn chế tới tính chiến đấu, tính thuyết phục của bài viết.

Ví dụ: Trong đấu tranh với những luận điệu đòi bỏ Điều 4 trong Hiến pháp (thực chất là phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam) thì phải khẳng định rõ: Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng chính trị duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội Việt Nam. Điều này đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn đấu tranh cách mạng, phù hợp với mong muốn, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân ta.

Cùng với đó, người viết cần chú ý, trong quá trình phân tích, luận giải phải thường xuyên kết hợp chặt chẽ giữa phê phán, phủ định luận điểm sai trái, phản động với bảo vệ, khẳng định luận điểm đúng đắn, khoa học. Thực tế chỉ ra rằng, với bài viết đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng, dù được triển khai dưới dạng nào đi chăng nữa: Lên án, phê phán, phủ định hay bảo vệ, khẳng định,… thì đây cũng là hai mặt của một vấn đề. Do vậy, gắn phê phán, phủ định luận điểm sai trái, phản động với bảo vệ, khẳng định luận điểm đúng đắn, khoa học là cơ sở quan trọng tạo nên sức thuyết phục và tính chiến đấu cho từng bài viết cụ thể mà người viết cần lưu ý và kết hợp vận dụng cho nhuần nhuyễn, sáng tạo mới có thể mang lại hiệu quả cao.

Ba là, ngôn ngữ diễn đạt trong bài viết phải trong sáng, thông dụng, sắc bén, thuyết phục; dẫn chứng xác thực, khoa học, rõ ràng.

Về bản chất, suy cho cùng, viết bài đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng là một cuộc đấu tranh lý luận cam go, căng thẳng, quyết liệt, mang đậm chất trí tuệ, với những đặc điểm của hoạt động tranh luận khoa học có tính chiến đấu và tính thuyết phục cao. Vì vậy, những bài viết luôn đặt ra yêu cầu cao về tính chiến đấu, tính thuyết phục, với tinh thần đấu tranh có “tính chất bút chiến” cao nhất. Những yêu cầu đó chỉ có thể đạt được khi người viết có kiến thức sâu rộng, có bản lĩnh chính trị, lập trường kiên định vững vàng; là người giàu ngôn ngữ, có khả năng sử dụng ngôn ngữ viết thành thạo, có tài lập luận sắc bén. Trong tranh luận, nhất là tranh luận khoa học, việc áp đặt ý kiến của mình thường khó tránh khỏi sự khiên cưỡng, chủ quan. Vì vậy, tùy thuộc vào từng vấn đề cụ thể mà tác giả có thể lựa chọn cách viết diễn dịch hay quy nạp. Bài viết có ngôn ngữ diễn đạt trong sáng, thông dụng, sắc bén, thuyết phục là “chìa khóa vàng” để mở cánh cửa thuyết phục đối phương, giành thắng lợi. Lập luận sắc bén là nền tảng quan trọng để chiến thắng trong mọi cuộc tranh luận khoa học nói chung và trong viết bài đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng nói riêng.

Lợi dụng không gian mạng để đưa ra các quan điểm sai trái, thù địch nhằm chống phá cách mạng nước ta là một thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt và hết sức nguy hiểm. Theo đó, chiêu trò mà các thế lực thù địch thường sử dụng đó là đưa ra những luận điểm sai trái, phản động gắn với những “chứng cứ” đã bị xuyên tạc, bóp méo và cách lập luận ngụy biện, trắng - đen, đúng - sai trộn lẫn. Song, đây cũng chính là điểm yếu “cốt tử” mà người viết có thể triệt để khai thác trong viết bài đấu tranh hiện nay. Bằng cách, bên cạnh việc lập luận sắc bén, chúng ta cần sử dụng những dẫn chứng xác thực, rõ ràng. Khoa học tranh luận đã chỉ ra, dẫn chứng luôn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tranh luận, thuyết phục mọi người. Trong đấu tranh phê phán phủ định cũng như đấu tranh bảo vệ khẳng định, dẫn chứng đưa ra phải được nghiên cứu, phân loại, lựa chọn, cân nhắc thật cẩn trọng. Cần quan tâm, khai thác “tính lịch sử” của vấn đề; nội dung phân tích, luận giải cần gắn với hệ thống cơ sở dẫn chứng khách quan cả về lý luận và thực tiễn. Để bảo đảm tính thuyết phục cao, cần phải sử dụng những dẫn chứng, chứng cứ thực sự rõ ràng mà tất cả mọi người (kể cả đối phương - “tác giả” của những quan điểm đối lập) đều phải thừa nhận. Tuy nhiên, cũng cần tránh tình trạng chỉ coi trọng những vấn đề lý thuyết, lý luận chung chung, “lý thuyết suông” mà không có những dẫn chứng thực tiễn để chứng minh, bảo vệ luận điểm của mình. Những luận điệu nguỵ biện, xảo trá của các thế lực thù địch chỉ có thể bị đập tan bởi hệ thống những dẫn chứng xác thực, khoa học, rõ ràng của người viết. Do vậy, khi viết bài đấu tranh nên tránh sử dụng những dẫn chứng “xuôi chiều, một phía”, những chứng cứ dẫn đến tình trạng đối phương không thừa nhận, thậm chí còn bị đối phương lợi dụng để “phản bác” ngược lại. Việc viện dẫn các dẫn chứng, chứng cứ phải gắn với lập luận sắc bén, logic, mạch lạc có cơ sở lý luận, thực tiễn nhằm bảo đảm tính chiến đấu và hướng đến khả năng thuyết phục cao nhất cho bài viết.

Với bản chất ngoan cố, hiếu chiến của các thế lực thù địch, phản động và những biểu hiện đa dạng, phức tạp của cuộc đấu tranh giai cấp trong tình hình mới, có thể thấy, cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận trong thời gian tới sẽ còn tiếp tục diễn ra gay gắt, quyết liệt. Điều đó đã và đang đặt ra yêu cầu khách quan là, bên cạnh việc nâng cao tính chiến đấu, cần phải nâng cao tính thuyết phục của các bài viết tham gia đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng hiện nay. Thực tiễn luôn luôn vận động, phát triển không ngừng, đòi hỏi các bài viết đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng cũng phải có những bước điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn. Bằng việc xác định chính xác trọng tâm đấu tranh; khẳng định rõ lập trường, quan điểm và chính kiến khoa học của người viết gắn với cách lập luận sắc bén, thuyết phục, sử dụng dẫn chứng xác thực, rõ ràng,… chính là cơ sở quan trọng giúp các tác giả nâng cao tính thuyết phục trong từng bài viết; qua đó góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch đối với cách mạng nước ta trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận trong tình hình hiện nay./.

 



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, 2021, tr.91.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, 2021, tr.181-183.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét