Thứ Hai, 10 tháng 4, 2023

Nên hiểu cho đúng bản chất khái niệm dân tộc bản địa

 


Hiện nay, một số tổ chức, cá nhân vô tình hay cố ý thường nhầm lẫn hai khái niệm dân tộc thiểu số và dân tộc bản địa, dẫn đến nhận định và đánh giá không đúng về thực hiện các quyền của người dân tộc thiểu số và quyền của dân tộc bản địa ở Việt Nam.

Trong tiếng Anh, dân tộc bản địa được ghi trong văn bản của Liên hợp quốc là: Indigenuos (dân tộc bản địa hay dân tộc bản xứ) hoặc Aborginal peoples (những người thổ dân). Liên hợp quốc quan niệm: “Dân tộc bản địa hay còn gọi là thổ dân, là nhóm người đã từng có mặt trên một khu vực đất đai, trước ngày di dân của nhóm dân tộc khác vào lãnh thổ của họ”[1]. Ví dụ: Những người thổ dân ở châu Đại Dương, họ đã sinh sống lâu đời ở châu Đại Dương, trước khi thực dân Anh đưa quân đội và dân đến chiếm đóng, thống trị và cai quản. Những người Mỹ gốc thổ dân hay thường gọi là người da Đỏ ở Mỹ, cũng có thể đọc theo phiên âm là người Anhđiêng (tiếng Anh là Native American Indians, Indigenous Peoples, Aboriginal Peoples hay Original Americans) là những người đã sinh sống lâu đời trên đất Mỹ, trước khi quân đội và người da trắng đến chiếm đóng.

Theo lịch sử nước ta, thuật ngữ “Dân tộc bản địa” gắn liền với các thời kỳ nước ta bị đô hộ, xâm lược. Thời kỳ Pháp thuộc, thuật ngữ “dân tộc bản địa” hoặc “người bản xứ” được dùng để chỉ tất cả các cộng đồng dân tộc Việt Nam (kể cả người Kinh và các dân tộc thiểu số). Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, người dân Việt Nam làm chủ đất nước của mình, không còn là dân bản địa hay bản xứ nữa. Trong Tuyên ngôn độc lập, Nhà nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa đã khẳng định: Nhà nước tôn trọng quyền bình đẳng của tất cả các công dân thuộc các dân tộc sinh sống trên đất nước Việt Nam. Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946 quy định: “Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hóa”[2]. Đối với các dân tộc thiểu số, Hiến pháp cũng đã quy định: “Nhà nước bảo vệ, tăng cường và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc nghiêm cấm mọi hành vi miệt thị, chia rẽ dân tộc”[3]. Từ năm 1945 đến nay, thuật ngữ dân tộc bản địa hay người bản xứ chỉ còn dùng trong văn bản lịch sử hoặc trong ký ức, gợi nhớ về quá khứ đau thương của dân tộc ta, dưới ách đô hộ của thực dân Pháp. Hiện tại trong tất cả các văn bản hành chính và đời sống văn hóa xã hội ở nước ta không còn sử dụng thuật ngữ “dân tộc bản địa” để chỉ vị thế của người dân hoặc nói về các dân tộc thiểu số hiện đang sinh sống trên đất nước Việt Nam. Hiện nay ở Việt nam có 54 dân tộc, gồm: Dân tộc Kinh là dân tộc đa số, 53 dân tộc còn lại là dân tộc thiểu số, chứ ở Việt Nam hiện nay không có dân tộc nào là dân tộc bản địa.



[1]. Cao ủy nhân quyền Liên hợp quốc, Bản tin số 9.

[2] Điều 6 Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946.

[3] Điều 5 Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1980.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét